Sau một giai đoạn dài tôn sùng lối sống cá nhân, phương Tây cũng bắt đầu làm quen với khái niệm “gia đình là tất cả”.
Người Việt xưa nay trọng gia đình. Cuộc sống chật chội, không phải dễ duy trì sự sum vầy “tứ đại đồng đường” nữa, nhưng quan hệ máu mủ vẫn chặt chẽ vững bền. Và phương tiện để kết nối tình thân hữu hiệu nhất là mâm cơm.
Mâm cơm chính là phương tiện kết nối tình thân hữu hiệu nhất (Ảnh minh họa)
Ca dao lưu giữ một thời túng bấn “Râu tôm nấu với ruột bầu/Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Hương vị không nằm ở rau tôm hay ruột bầu, mà ở niềm chan hòa phu thê. Tin cậy và san sẻ từ trái tim đã biến một bữa cơm rất nghèo nàn bỗng dưng ngọt ngào.
***
Tôi vốn thích lang bạt. Tuy nhiên, mỗi lúc nắng xế hoàng hôn hay mỗi khi mưa xiên đêm vắng, cũng bất giác thèm không khí dịu êm bên gia đình. Những lúc ấy, nước mắt không rơi ra, nhưng xót xa và bần thần bao nhiêu hồi tưởng đẹp đẽ. Nhớ vô cùng cái dáng lui cui của bà nội bên bếp lửa vẫn đun bằng củi khô. Nhớ vô cùng phiên chợ muộn lưng áo mẹ đẫm mồ hôi chen chân mua cho được mớ rau con cá. Nhớ vô cùng bóng cha ngồi trầm ngâm bỏ dở dang câu chuyện mùa màng thất bát. Nhớ vô cùng 2 đứa em nhường nhau miếng cơm cháy cuối cùng... Có những khoảnh khắc trôi qua mãi mãi như cuốn phim âm bản in hằn trong ký ức đời mình!
Tôi có nhiều người bạn thành đạt lắm. Vậy mà cứ thấy họ cô đơn và chông chênh. Vì sao? Vì lo xuôi ngược làm giàu, họ đã để vụt mất hạnh phúc gia đình. Có hôm ngồi với nhau ở nhà hàng đắt đỏ, nhưng nghe một người đứng dậy nói về ăn cơm với vợ con, những người còn lại bỗng dưng chùng xuống. Nghẹn ngào ư, xao xác ư, bẽ bàng ư... Rất nhiều cảm xúc không thể gọi thành tên. Chỉ một điều có thể xác định, những người ở lại có chút ganh tị với niềm vui giản dị của người vừa đi khỏi. Bữa cơm mà người ấy hướng về, có ánh mắt dịu dàng của vợ, có giọng cười trong trẻo của con, có chút bận bịu mãn nguyện và có chút vướng víu hân hoan.
Không phải gia đình nào cũng có đầu bếp trứ danh. Cơm nấu quá lửa thì đã sao, canh nêm hơi mặn thì đã sao. Quan trọng là những người ngồi quanh mâm cơm nhìn nhau như thế nào. Bữa cơm níu họ lại với nhau, đôi đũa cong hay cái chén mẻ cũng giúp người ta lớn lên trong lương thiện và nhân ái. Đĩa thịt kho có thể đã hâm lại mấy lần để chờ người về trễ, nhưng chỉ cần không thiếu một ai đã báo hiệu một sự no đầy!
Bữa cơm ngon lành là một chuyện, quan trọng ta có thể thấy được người thân của mình vẫn bình yên (ảnh minh họa)
Bây giờ hội nhập toàn cầu, phụ nữ có vai trò ngày càng cao trong xã hội. Thế nhưng, thành tâm mà tỏ bày, người chồng nào cũng muốn được vợ vào bếp, đứa con nào cũng muốn được thưởng thức món ăn do mẹ mình nấu. Dẫu người chồng có đi công tác xa, mai này dẫu đứa con có đến những nơi tột đỉnh phú quý, thì bữa cơm hôm nay vẫn còn nguyên trong lòng. Miếng ngon nhớ lâu chăng? Không phải, miếng ngon đâu chỉ từ vật liệu quý hiếm và miếng ngon đâu chỉ từ kỹ năng chế biến. Miếng ngon đôi khi đến từ giao cảm giữa người nấu và người ăn. Nói cách khác, tình thương cũng là một thứ gia vị. Vợ nấu cho chồng, mẹ nấu cho con, thì thứ gia vị tình thương khỏa lấp tất cả, thơm tho tất cả, lành lặn tất cả.
***
Nhiều năm rồi, tôi luôn tranh thủ mọi cơ hội để được ăn bữa cơm gia đình. Già rồi ư, rã rời vì bon chen rồi ư? Cũng có lẽ vậy. Tôi không biện minh, nhưng càng ngày tôi càng thấm thía giá trị bữa cơm gia đình. Bởi lẽ, cơm dẻo canh nóng là một chuyện, mà cốt lõi là được nhìn thấy người thân của mình vẫn bình yên.
Giá trị bữa cơm, không hề phân biệt nhà giàu hay nhà nghèo. Vì không ai cân đong được tình thương tỏa ra bên bếp lửa có tấm lòng san sẻ và gìn giữ cho nhau của vợ chồng, con cái. Vì vậy, đừng giận hay đừng trách, mà hãy trân trọng những ai lúc cao hứng kêu lên giữa đám đông: “Món này vợ tôi nấu ngon nhất!” hay “Món kia mẹ tôi nấu tuyệt nhất!”.
Cách cảm nhận gia vị tình thương của mỗi người đều khác nhau. Tuy nhiên, lời nhắn hãy trở về nhà trước bữa cơm tối là một điều ai cũng ghi nhớ và hy vọng được thực hiện thường xuyên!