pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giấc mơ cháy bỏng lên bờ an cư của cụ bà 75 tuổi
Cuộc sống thường nhật của người dân xóm vạn chài
Giấc mơ lên bờ an cư
Qua mấy lần hỏi thăm, chúng tôi mới tới được làng chài Trung Quan (thôn Trung Quan, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Đầu tiên, chúng tôi tìm đến gian "nhà thuyền" nhỏ của bà Hồ Thị Vinh (75 tuổi) vào lúc gần trưa. Trời nắng, gian thuyền nhỏ hẹp, phía trên được che chắn tấm tôn mỏng nên không khí càng oi bức, ngột ngạt. Bà Vinh ngồi đó, thỉnh thoảng lại đưa khăn lên quệt vội đám mồ hôi đang túa ra. Bà đang chuẩn bị bữa trưa giản đơn với mớ rau vừa hái ngoài bãi và mấy con cá nhỏ lúc sáng đứa cháu mang sang.
Theo bà Vinh, bà cũng không biết làng chài này có từ bao giờ, bố mẹ bà cũng là dân vạn chài, được sinh ra trên thuyền và lớn lên theo từng con nước, cuộc sống bố mẹ vất vả nên bà không được học hành, không biết chữ. Tầm 9-10 tuổi, cô bé Vinh đã biết phụ mẹ trông em, nấu cơm, giặt giũ để bố mẹ yên tâm làm việc.
"Chúng tôi lớn lên khi đất nước còn chiến tranh nên cuộc sống của người dân nếu vất vả một thì dân vạn chài lại vất vả mười", bà Vinh tâm sự.
Theo bà Vinh, cuộc đời dân vạn chài cứ theo con nước lên xuống, đi tứ tán khắp con sông Hồng, lúc lên mạn ngược đến tận Việt Trì, lúc lại xuôi mạn dưới Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định... chỗ khúc sông nào có nhiều tôm cá là có dấu chân của người vạn chài.
"Tôi lấy chồng, ông ấy cũng là dân vạn chài, thấy mến nhau nên 2 bên gia đình sang đặt vấn đề cho đôi trẻ về với nhau. Đám cưới giản đơn với vài mâm cỗ cho cả nhà trai nhà gái gặp mặt, của hồi môn là gian thuyền nhỏ, cái nồi, 2 cái bát và vài đôi đũa cho đôi vợ chồng mới, vậy là sang rồi", bà Vinh hồi tưởng lại những tháng ngày gian khó mà hạnh phúc.
Trong đôi mắt mờ đục của bà cũng ánh lên niềm hạnh phúc, bà khoe với tôi: "Tuổi này rồi, mình không làm được việc gì nữa, chỉ dựa vào con cháu, mình giúp việc vặt cho chúng nó nhưng tôi vui vì thấy các con đoàn kết, thương yêu nhau, con cái có hiếu với mình, vậy là cũng thỏa tấm lòng".
Điều trăn trở trong bà Vinh bấy lâu nay là một nỗi niềm, mong ước cháy bỏng của bao nhiêu người dân ở xóm vạn chài này, đó là được lên bờ định cư, có miếng đất nhỏ để an cư nhưng khó quá mà chỉ dám ước thôi!
"Đời bố mẹ tôi, đến tôi đều ở trên sông nước và tôi cũng tuổi gần đất xa trời nhưng mong ước lên bờ vẫn chưa thành hiện thực. Đất ở đây bây giờ đắt, chúng tôi mưu sinh đắp đổi qua ngày thì lấy đâu ra tiền tích góp mà mua đất trên bờ, chỉ mong cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương có chính sách để những người dân vạn chài như chúng tôi có chốn an cư", bà Vinh tâm sự về mong ước lớn nhất của đời bà.
Làm dâu xóm vạn chài
Gian thuyền của gia đình chị Trần Thị Thúy Hường (42 tuổi) có vẻ khang trang hơn, đồ đạc được bài trí gọn gàng hơn, không gian sinh hoạt của gia đình cũng rộng hơn so với các nhà thuyền khác. Chị Hường sinh ra và lớn lên ở làng Quan Trung, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội, nhà chị ở trên bờ nhưng vì duyên số nên chị lại về làm dâu xóm vạn chài và ở đây đã 25 năm có lẻ.
"Quả thực là người dân sống quen trên bờ rồi khi xuống thuyền sống chưa thích nghi được, lúc nào cũng thấy chòng chành, khi ăn cho đến khi ngủ", chị Hường trải lòng những ngày đầu làm quen với cuộc sống nơi sông nước.
Theo chị Hường, cuộc sống thương hồ, "gạo chợ nước sông", lấy thuyền làm nhà, lấy sông làm chốn mưu sinh nên cứ lênh đênh theo con nước lớn ròng. Hai vợ chồng chị thường ngày cũng quẩn quanh với con thuyền nhỏ làm kế mưu sinh.
"Hằng ngày, cứ ăn cơm tối xong là hai vợ chồng lại ra thuyền đi lưới, mãi đến 5 giờ sáng mới về. Có bận thì đi xa hơn, chúng tối đi 2-3 ngày, được mẻ cá nào lại gọi cho thương lái đến lấy. Tính ra 1 ngày công của hai vợ chồng được 300.000 đồng, cuộc sống đắp đổi qua ngày chứ không tích góp được bao nhiêu", chị Hường tâm sự về cuộc sống mưu sinh.
Những người dân xóm vạn chài mà chúng tôi gặp, tâm sự về cuộc sống mưu sinh và ai trong số họ cũng có chung một nỗi niềm, một mong ước cháy bỏng đó là được lên bờ an cư.