Áp lực và định kiến tôn giáo bủa vây
Giống như nhiều phụ nữ độc thân khác, luật sư Heather Lawason luôn nuôi hy vọng sẽ gặp được người đàn ông của đời mình để kết hôn và sinh con. Nhưng sau một vài cuộc tình không thành, khi bước vào tuổi 38, Lawason quyết định trở thành bà mẹ đơn thân. Song giấc mơ làm mẹ ấy không phải là một hành trình dễ dàng.
Trong suốt hai năm rưỡi vừa qua, Lawason, đã chi 20.000 USD cho nhiều lần cấy ghép phôi vào tử cung và những chi phí liên quan với hy vọng kiếm một đứa con. Hiện, Lawason đã ở tuổi 42. Cô tâm sự, chưa bao giờ nghĩ rằng việc có một đứa con lại khó khăn đến như vậy. “Người da màu có một quan niệm rằng khi bạn muốn có thai là bạn sẽ có thai. Vì thế, có rất nhiều lời đàm tiếu của những phụ nữ da màu khác khi thấy những phụ nữ ở độ tuổi như chúng tôi chưa có đứa con nào”, Lawason chia sẻ. Ngoài áp lực từ cộng đồng xung quanh, Lawason còn gặp một thử thách nữa đó là: Cô là người da màu duy nhất tại một trung tâm sinh sản nhân tạo khi cô đến để xin tham vấn sinh con.
Trên thực tế, khách hàng của các dịch vụ sinh sản nhân tạo đa phần là phụ nữ da trắng đã kết hôn, có trình độ và thu nhập cao. Số liệu từ Bộ Y tế và Dịch vụ sinh sản và Trung tâm Thống kê Y tế quốc gia Mỹ cho biết: 15% phụ nữ da trắng trong độ tuổi từ 25 đến 44 tại Mỹ đã tìm kiếm sự hỗ trợ y học để có thai (trong khi đó, chỉ có 7,6% phụ nữ Mỹ gốc Latinh và 8% phụ nữ da đen tìm kiếm phương pháp này). Rõ ràng, điều này không bình thường vì theo một cuộc điều tra quốc gia về sự tăng trưởng gia đình do Trung tâm thống kê quốc gia thực hiện từ năm 2006 đến năm 2010, tỷ lệ phụ nữ da màu đã kết hôn vô sinh cao gấp 2 lần phụ nữ da trắng!
Trong quá khứ, vô sinh, hiếm muộn là một chủ đề mà phụ nữ Mỹ da màu và gốc Latinh luôn lảng tránh. Nhưng gần đây, họ đã phá vỡ định kiến, dũng cảm đối mặt với vấn đề để hy vọng xóa tan những quan niệm kỳ thị của cộng đồng và tìm cho mình một cơ hội làm mẹ.
Ảnh minh họa. |
Singleton, một phụ nữ da màu, cho biết: Phụ nữ da màu thường được “mặc định” là những “máy đẻ”. Các bác sĩ tại các phòng khám công “thấy rất nhiều phụ nữ da màu đến khám bệnh là thai phụ nên dường như họ nghĩ rằng phụ nữ da màu nào cũng dễ thụ thai”. Do đó, mặc dù nhiều lần cố gắng nhờ bác sĩ phụ khoa giới thiệu đến một bác sĩ chuyên về sinh sản, Singleton đều bị từ chối.
Regina Townsend, người đã chia sẻ những kinh nghiệm khi bị vô sinh của mình trên blog thebrokenbrowegg.org, cho biết, cô đã tạo ra blog để mong muốn giải quyết các vấn đề liên quan đến khả năng sinh sản mà người phụ nữ thiểu số phải đối mặt. “Với phụ nữ da màu, đặc biệt là những người thuộc gốc Latinh và phụ nữ Mỹ gốc Phi, sự kỳ thị luôn đeo bám chúng tôi vì người ta nghĩ rằng chúng tôi dễ dàng có con và chúng tôi luôn có rất nhiều con. Vì vậy, khi bạn bị vô sinh, bạn sẽ cảm thấy như mình là một người thất bại”, Regina nói trong nước mắt.
Sở dĩ, có những kỳ thị khắc nghiệt đối với phụ nữ da màu vô sinh còn bởi tác động của niềm tin tôn giáo. Mục sư Stacey L. Edwards - Dunn, người sáng lập và là Chủ tịch tổ chức Sinh sản nhân tạo cho phụ nữ da màu, cho biết: “Người ta thường áp đặt rằng, những người không thể có con là do bị Chúa nguyền rủa”.
E ngại tìm kiếm sự hỗ trợ y tế
“Ngay cả trong các bang mà các dịch vụ điều trị vô sinh có bảo hiểm, phụ nữ da màu tìm kiếm chúng tôi cũng ít hơn”, tiến sĩ Frank E. Chang, một bác sĩ cấp cao tại Trung tâm sinh sản Shady Grove ở Rockvile, Maryland tiết lộ.
Những bác sĩ thường không nói chuyện đầy đủ về vấn đề vô sinh hay sinh sản nhân tạo cho những phụ nữ da màu. Tiến sĩ Nakati C.Douglas, thuộc trường Đại học Y Colombia cho biết, các bác sĩ phụ khoa thường chỉ tập trung vào tư vấn những bệnh lây truyền qua đường tình dục và ngừa thai hơn là trao đổi về những phương pháp sinh sản nhân tạo cho những phụ nữ da màu.
Một trong những vấn đề khó khăn mà phụ nữ da màu đang phải đối mặt, theo giáo sư, tiến sĩ Mark V.Sauer, chuyên sản phụ khoa và trưởng bộ phận nội tiết sinh sản và vô sinh tại Trung tâm Y tế Đại học Columbia, nhận định: Phụ nữ da màu thường bị ảnh hưởng bởi u xơ tử cung và u xơ tử cung ở những phụ nữ này có xu hướng nhiều hơn và dai dẳng hơn so với phụ nữ da trắng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân góp phần gia tăng tỉ lệ vô sinh ở phụ nữ da màu.
Tiến sĩ David B. Seifer, giáo sư lâm sàng của khoa sản và phụ khoa thuộc Đại học New York cho biết, u xơ tử cung chỉ là một trong nhiều “vấn đề văn hóa, sinh học và các vấn đề xã hội” mà phụ nữ da màu phải đối mặt có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của họ. Ông nói rằng, phụ nữ da màu thường phải đợi lâu hơn để chẩn đoán hoặc điều trị vô sinh trong khi đó “tất cả các yếu tố sinh học khác sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn”.
Ảnh minh họa |
Đối diện sự thật, nâng cao nhận thức
Shelynda Brown, 40 tuổi, Phó Chủ tịch của một tổ chức phát triển nhà giá rẻ phi lợi nhuận ở Washington, người đã cùng chồng của mình dành tới 62 ngàn USD để hy vọng có môt em bé. Cô và Lawason đã tìm thấy một phần an ủi khi họ cùng tham gia tổ chức Sinh sản nhân tạo cho phụ nữ da màu. “Sinh sản nhân tạo là một vấn đề sức khỏe tâm thần mới của cộng đồng phụ nữ da màu. Điều đó có thật nhưng chúng tôi chưa mạnh dạn đề cập đến”, Lawason cho biết.
Cô Townsend, một blogger, đã nhận được rất nhiều chia sẻ của những phụ nữ thuộc nhóm dân tộc thiểu số về vấn đề vô sinh và những hướng giải quyết. Townsend thẳng thắn chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng mọi thứ sẽ quay lại với những phụ nữ da màu chúng tôi khi chúng tôi bắt đầu dám nhìn thẳng vào sự thật. Chúng tôi đang rất nỗ lực nâng cao nhận thức về tình trạng này”.
Singleton cao 1,77m nặng tới 102 kg, cho biết phụ nữ da màu thường được “mặc định” là những “máy đẻ”. Các bác sĩ tại các phòng khám công “thấy rất nhiều phụ nữ da màu đến khám bệnh là thai phụ nên dường như họ nghĩ rằng phụ nữ da màu nào cũng dễ thụ thai”. Do đó, mặc dù nhiều lần cố gắng nhờ bác sĩ phụ khoa giới thiệu đến một bác sĩ chuyên về sinh sản, Singleton đều bị từ chối.
|