Giải “bài toán” nhân lực y tế cơ sở “mỏng” khi số ca mắc Covid-19 tăng liên tiếp

Linh Trần
26/12/2021 - 15:22
Giải “bài toán” nhân lực y tế cơ sở “mỏng” khi số ca mắc Covid-19 tăng liên tiếp

Nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân Covid-19

Những ngày qua, số F0 tại nhiều địa phương trên cả nước tăng cao. Đặc biệt tại Hà Nội, số ca mắc Covid-19 mới liên tiếp đạt “đỉnh”, như ngày 20/12/2021, thành phố đã ghi nhận trên 1.600 ca mắc.
Vì thế, đã có một số trường hợp người dân phản ánh, bản thân và gia đình test nhanh cho kết quả dương tính với Covid-19 nhưng gọi mãi không thấy cán bộ y tế đến lấy mẫu xét nghiệm hay đưa đi cách ly, điều trị.
Trung bình mỗi nhân viên y tế cơ sở quản lý 30-50 F0

Thực tế, y tế cơ sở (xã, phường) là nòng cốt chống dịch nhưng hiện nay nhân lực thiếu trầm trọng. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện thành phố có 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Mỗi trạm có từ 5 đến 10 cán bộ nhưng phải thực hiện theo dõi, quản lý sức khỏe cho 13.000-15.000 dân trên địa bàn. Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, nhân lực trạm y tế tại Hà Nội, kể cả ở những xã, phường có tỷ lệ dân số cao trên 30.000 dân như tại quận Hoàng Mai và quận Đống Đa, chỉ có 5-10 cán bộ/trạm. Điều này đã gây quá tải cho hệ thống y tế cơ sở. Chất lượng nhân lực y tế cơ sở chưa cao và chưa thu hút được nhân lực chất lượng cao. Cơ sở vật chất và trang thiết bị tại y tế cơ sở còn thiếu và xuống cấp, chưa đáp ứng đủ cho công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt hiện nay, khi số ca mắc Covid-19 tại một số quận, huyện tăng cao, thành phố triển khai cách ly F0 thể nhẹ tại nhà thì mỗi nhân viên y tế phải quản lý 30-50 F0.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 16/12 vừa qua, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai tốt việc 1 nhân viên y tế quản lý khoảng 30-50 F0 hoặc nhiều hơn tại nhà. Tuy nhiên, đa phần các ý kiến được hỏi đều bày tỏ lo ngại sẽ khó thực hiện. Chị N.T.N., nhân viên trạm y tế một phường ở quận Đống Đa (Hà Nội), cho biết, một ngày, mỗi cán bộ y tế không thể đến, hỏi thăm tất cả 30-50 người mắc Covid-19. Bởi lẽ, để đến một gia đình, quãng đường di chuyển, bấm chuông, chờ đợi cũng mất 15-20 phút… đó là chưa tính đến tắc đường hoặc công việc khác.

Theo bác sĩ Cao Thị Minh Hồng, Trưởng Trạm Y tế phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội), khó khăn nhất của nhân viên y tế cơ sở hiện nay là công việc quá nhiều trong khi nhân lực "mỏng". Trong đợt dịch hiện nay, nhân viên y tế phải đảm đương nhiều công việc, từ điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, chuyển bệnh nhân đi điều trị, chuyển F1 đi cách ly, đến tiêm chủng. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ đối với những cán bộ y tế cơ sở làm công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại y tế cơ sở chưa thỏa đáng.

"Đi chống dịch mà tiền lương còn thấp hơn người làm việc tại trạm"

Chỉ từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2021, trên địa bàn TPHCM có gần 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc khiến dư luận xôn xao. Bởi lẽ, thời gian qua, TPHCM là "điểm nóng" của dịch Covid-19. Vì thế, việc nhân viên y tế nghỉ việc đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chống dịch của thành phố. Theo tìm hiểu của PNVN, các nhân viên y tế nghỉ việc cho rằng, họ phải chịu áp lực công việc quá lớn, trong khi mức lương nhận được chưa tương xứng.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng (BV Bạch Mai), người từng có thời gian dài vào miền Nam hỗ trợ chống dịch, tiếp xúc với nhân viên y tế cơ sở. Bác sĩ Đức Hùng thấy rằng, có một nghịch lý là nhân viên y tế tham gia chống dịch ở nhiều địa phương bị chuyển về mức lương cơ bản. Tiền phụ cấp thì thấp, có người mấy tháng không được phát, thậm chí số phụ cấp ấy chỉ được tính khi làm việc. Nếu nhân viên bị nhiễm bệnh mà cách ly thì cắt hết phụ cấp, nghĩa là họ không có gì. "Đã có bạn ngồi khóc với tôi, bảo nếu không vì người dân họ khổ quá thì em đi chống dịch làm gì? Em phải mượn thêm tiền bố mẹ để sống. Đi chống dịch mà tiền lương còn thấp hơn người làm việc tại trạm. Vậy thì ai muốn chống dịch. Thế mà, lãnh đạo còn dọa thu chứng chỉ hành nghề", bác sĩ Hùng bức xúc.

Để hỗ trợ lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19, ngày 19/11, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 145/NQ-CP về việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, mức hỗ trợ mới tăng so với mức hỗ trợ theo Nghị quyết 16/NQ-CP áp dụng trước đó. Cụ thể, mức phụ cấp đối với người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người nhiễm Covid-19, nghi nhiễm Covid-19 tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tăng lên 450.000 đồng/ngày; tăng phụ cấp cho người làm công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 lên 240.000 đồng/ngày. Trong đó, chế độ phụ cấp chống dịch mức 300.000 đồng/người/ngày được áp dụng đối với những người làm nhiệm vụ giám sát dịch tễ, theo dõi y tế, theo dõi điều trị người nhiễm Covid-19 tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn…

Theo các chuyên gia, việc ban hành chính sách, chỉ đạo hỗ trợ y tế cơ sở cũng như người làm công tác phòng, chống dịch trên là rất cần thiết. Tuy nhiên, để làm tròn nhiệm vụ, cán bộ y tế cơ sở cần nhờ những "chân rết" đến từng nhà F0 hỗ trợ nắm bắt số liệu, theo dõi sức khỏe, gọi điện động viên. Trường hợp bị sốt, mệt mỏi… nhân viên y tế sẽ tư vấn và cung cấp trang thiết bị y tế. Ngoài ra, cán bộ y tế cần theo dõi các bệnh nhân trên phần mềm để hạn chế khó khăn khi di chuyển. Đặc biệt, cần tăng trợ cấp, phân chia ca kíp làm việc nhằm đảm bảo tái tạo sức lao động cho nhân viên y tế.

"Trước tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, y tế xã, phường cần có sự phân bổ, điều động hợp lý, thành lập thêm trạm y tế lưu động, đầu tư trang thiết bị, máy móc, cơ sở vật chất, oxy, thuốc chữa bệnh ban đầu. Y tế cơ sở cần lấy thêm nguồn nhân lực ở các đơn vị khác, có thể là sinh viên trường Y (phải đào tạo, tập huấn), phân công nhiệm vụ hợp lý, tránh hiện tượng F0 liên hệ mà không xử lý kịp thời", GS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, chia sẻ.

Tại Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội diễn ra sáng 15/12 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu tập trung tối đa cho y tế cơ sở; đồng thời yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số ca F0 tăng lên 2.000 và 3.000 ca/ngày; tiếp tục huy động sự tham gia của các bệnh viện, cơ sở y tế của các bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn. Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo hoàn thành ngay cơ chế, chính sách để huy động lực lượng y, bác sĩ đã nghỉ hưu, sinh viên ngành Y tham gia hỗ trợ y tế tuyến cơ sở.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm