pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giải đáp những câu hỏi mẹ nào cũng thắc mắc khi lần đầu chăm con
Trẻ sơ sinh còn non nớt, hệ miễn dịch còn yếu nên dễ gặp phải các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa. Vì thế, khi chăm sóc trẻ, cha mẹ phát hiện những dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị, tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc cho trẻ khi chưa có sự tư vấn từ các bác sĩ có chuyên môn. Dưới đây là những vấn đề mà trẻ hay gặp phải, cũng là băn khoăn của những người lần đầu làm mẹ.
1. Trẻ sơ sinh bị vàng da
Hiện tượng vàng da xuất hiện khá phổ biến ở trẻ sơ sinh. Ở trẻ sơ sinh non tháng, sau khi chào đời 2-3 ngày thường xuất hiện vàng da. Ở những trẻ đủ tháng, vàng da là khá hiếm và chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 25 - 30%. Trẻ sơ sinh có thể bị vàng da sinh lý lẫn vàng da bệnh lý - biểu hiện của một căn bệnh tiềm tàng nào đó. Trong khi vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh sẽ tự khỏi sau khoảng 2 tuần, thì vàng da bệnh lý cần được bác sĩ chuyên khoa chữa trị lâu dài bằng nhiều phương pháp khác nhau tùy vào mức độ bệnh.
- Biểu hiện vàng da sinh lý: Vàng da đơn thuần ở vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn; Xuất hiện khoảng 48 -72 giờ sau sinh; Tự khỏi trong vòng 1 tuần với trẻ sinh đủ tháng và 2 tuần với trẻ sinh non; Không kết hợp các triệu chứng bất thường khác; Nước tiểu có màu tối hoặc vàng và phân nhạt màu; Trẻ vẫn phát triển tốt và lên cân đều.
- Biểu hiện vàng da bệnh lý: Mức độ vàng da rất đậm, vàng toàn thân và cả mắt; Xuất hiện sớm từ ngày đầu tiên sau sinh; Không khỏi sau 1 tuần ở trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng; Có các triệu chứng khác kèm theo như: Bỏ bú hoặc bú kém, sốt, khóc nhiều, lừ đừ, ngưng thở, thở nhanh, thay đổi thân nhiệt; Xét nghiệm Bilirubin trong máu tăng cao hơn bình thường.
Sau khi sinh con, các mẹ nên đưa bé đi thăm khám định kỳ hoặc nếu thấy con có bất thường gì về màu da, nên đưa bé đi bệnh viện.
2. Trẻ sơ sinh bị nấc cụt
Trẻ sơ sinh bị nấc cụt có thể do một vài nguyên nhân sau: Trẻ không được giữ ấm đúng cách, bị trào ngược khí gây nấc cụt; Trẻ uống sữa không đúng cách. Khi uống quá nhiều, sữa ngưng tụ lại không tiêu hóa được. Hoặc khi uống sữa lạnh, khí ngừng trệ không thể lưu thông. Kéo theo đó, chức năng dạ dày của bé bị suy yếu, khí cơ tăng giảm thất thường, làm trào ngược khí, gây ra nấc cụt; Trẻ bú sữa mẹ quá nhanh hoặc vừa khi bé vừa khóc xong mẹ đã cho uống sữa liền, gây nghẹt thở và dẫn đến nấc cụt.
Thông thường, tình trạng nấc cụt này chỉ diễn ra trong khoảng 10 phút rồi cơ thể sẽ tự cân bằng và hết nấc. Cơn nất cụt không ảnh hưởng quá nhiều đối với sức khỏe của bé nên cha mẹ không cần quá lo lắng. Nhưng nếu bé nấc liên tục trong một thời gian dài thì có thể báo hiệu của một triệu chứng bệnh nào đó liên quan đến dạ dày hoặc tiêu hóa. Cách tốt nhất, ba mẹ hãy đưa bé đến khám ở cơ sở y tế uy tín để tìm ra nguyên nhân gây nấc cụt và được bác sĩ tư vẫn phương pháp chữa trị hiệu quả.
3. Trẻ sơ sinh sôi bụng
Trẻ sơ sinh có biểu hiện sôi bụng, bụng kêu ọc ọc thường xuyên có thể là do sự tắc nghẽn không khí ở các nếp gấp đường ruột hoặc vị trí khác trong cơ quan tiêu hóa. Khi trẻ bị sôi bụng với biểu hiện bụng kêu ọc ọc, đầy hơi khó tiêu, cha mẹ nên xử lý như sau:
- Thay đổi tư thế cho trẻ bú: Nếu trẻ bị sôi bụng do bú phải nhiều không khí thì khi cho bé bú, mẹ cần điều chỉnh tư thế phù hợp.
- Thay đổi chế độ ăn uống của mẹ: Khi thấy trẻ sơ sinh bị sôi bụng, xì hơi nhiều và thường xuyên đi ngoài, người mẹ cần chú ý tới chế độ ăn uống hằng ngày của mình. Nếu đang nuôi con bằng sữa mẹ thì mẹ không nên ăn một số thực phẩm sau để tránh bé bị đầy hơi, trướng bụng: Cải bắp, súp lơ, sản phẩm từ đậu nành, cà chua, cam, quýt, đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng,...
- Thăm khám nếu trẻ bị sôi bụng kéo dài: Nếu đã làm theo những hướng dẫn trên nhưng tình trạng bụng kêu ọc ọc ở trẻ sơ sinh không được cải thiện nhiều thì mẹ nên đưa bé đi khám chuyên khoa nhi để được tư vấn điều trị.
4. Trẻ sơ sinh bị táo bón
Táo bón ở trẻ sơ sinh là tình trạng chậm đi tiêu. Đối với trẻ uống sữa công thức, việc đại tiện thường diễn ra 1 lần/ngày. Với trẻ bú mẹ, việc đại tiện có thể diễn ra 2-3 lần/ngày. Tuy nhiên, có trẻ 3-7 ngày đi một lần nhưng phân mềm xốp, trẻ đi dễ dàng thì chưa gọi là táo bón. Còn trẻ 1 đến 2 ngày đi một lần nhưng phân keo dính, cứng, trẻ phải rặn khó khăn thì là táo bón. Mẹ nên làm theo những cách sau:
- Cho trẻ sơ sinh bú đủ để phòng tránh thiếu nước.
- Trẻ bú mẹ bị táo bón thì mẹ hãy điều chỉnh chế độ ăn để cải thiện chất lượng sữa mẹ: tăng cường chất xơ từ rau củ quả, uống nhiều nước, tránh các đồ ăn cay nóng, chất có cồn,...
- Massage bụng cho bé: Mẹ dùng 3 ngón tay giữa chụm lại, đặt lên vùng bụng xung quanh rốn rồi xoa nhẹ theo chiều kim đồng hồ với lực ấn vừa đủ. Việc làm này sẽ khiến thức ăn khó tiêu còn trong bụng sẽ mềm ra và chuyển động xuống hậu môn. Mẹ hãy thực hiện động tác này mỗi lần 3 phút để kích thích trẻ đi ngoài.
5. Trẻ sơ sinh khóc đêm
Trong khoảng thời gian từ khi em bé mới sinh cho đến 8 tuần tuổi, trẻ sơ sinh thường quấy khóc và đa phần sẽ khóc về đêm khiến cho ba mẹ lo lắng. Tuy nhiên, việc em bé khóc trong giai đoạn này được coi là bình thường. Giai đoạn này, trẻ khóc được coi như dấu hiệu cho thấy sự phát triển của em bé trong những tháng đầu sau khi sinh ra và làm quen với môi trường ngoài bụng mẹ.
Tình trạng trẻ sơ sinh quấy hay khóc đêm không chịu ngủ sẽ giảm dần khi trẻ được 4 tháng tuổi trở lên. Lý do là em bé đã thích nghi được với môi trường và các ông bố bà mẹ cũng đã nắm được những thói quen của em bé nên việc chăm sóc sẽ tốt hơn. Trẻ ngủ hay khóc đêm được coi là bình thường khi không đi kèm với các biểu hiện khác ví dụ như: Trẻ ngủ hay giật mình, ngủ ngáy, hoảng sợ và khóc thét,...
Nếu trẻ khóc dữ dội, kèm theo các triệu chứng khác ví dụ như: Nôn, ưỡn người, khóc thét lên, bỏ bú và đi tiểu ra máu thì rất có thể là dấu hiệu trẻ bị lồng ruột. Trong trường hợp này, cha mẹ cần đưa em bé đi cấp cứu ngay.
6. Trẻ sơ sinh vặn mình
Biểu hiện gồng người vặn mình, mặt đỏ lên và kết thúc trong vài phút khi thức hoặc khi ngủ có ở hầu hết các trẻ sơ sinh từ vài tuần tuổi tới 2 tháng và thường kết thúc khi trẻ được 3 - 4 tháng tuổi. Đây là biểu hiện sinh lý bình thường, nguyên nhân do trẻ chưa quen với cuộc sống ở bên ngoài tử cung của mẹ, các tế bào thần kinh chưa biệt hoá, vỏ não và thể vân chưa phát triển nên hoạt động dưới vỏ chiếm ưu thế. Do đó, trẻ thường có những biểu hiện múa vờn, vận động tay chân thường xuyên vì phản ứng của vỏ não có xu hướng lan tỏa khi bị kích thích.
- Trẻ vặn mình sinh lý có thể do: Nơi trẻ ngủ không thoải mái, ngủ trên đệm quá cứng, gối đầu cao hoặc tư thế ngủ không được thoải mái; có nhiều ánh sáng hoặc tiếng ồn lớn xung quanh; Trẻ bị nóng quá hoặc lạnh quá; Trẻ đói thường sẽ có biểu hiện đầu cựa quậy, vặn mình, uốn người...; Trẻ bị quấn khăn hoặc mặc quần áo quá chật chội...
- Trẻ vặn mình bệnh lý: Khi trẻ sơ sinh vặn mình nhiều kèm theo các biểu hiện ọc sữa, ra mồ hôi trộm, quấy khóc nhiều thì đó có thể là biểu hiện của bệnh lý, ví dụ chứng thiếu vitamin D, canxi hoặc bệnh về đường tiêu hóa... Bố mẹ nên để ý hơn tới con, cho con đi thăm khám.
Bố mẹ nên: Thay tã bỉm khô sạch, êm ái, quần áo rộng thoải mái; không kiêng khem quá mức, không sử dụng mẹo lạ, kiểm tra nhiệt độ phòng...
7. Trẻ sơ sinh rụng tóc
Rụng tóc ở trẻ sơ sinh là hiện tượng hoàn toàn bình thường, sau một thời gian tóc sẽ mọc lại. Nếu tình trạng rụng tóc ở trẻ sơ sinh liên quan đến việc thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể, cha mẹ không cần lo lắng mà hãy chờ đợi đến khi trẻ mọc tóc mới.
Nếu rụng tóc ở trẻ em nguyên nhân do trẻ ngủ quá lâu cùng một tư thế, hãy thử thay đổi vị trí trong nôi, giường, thay đổi tư thế đầu trong khi trẻ ngủ. Hãy xoay đầu trẻ luân phiên qua bên này rồi qua bên kia vào mỗi giấc ngủ của trẻ. Có thể xoay mặt bé qua bên phải vào giấc ngủ này rồi xoay mặt bé qua bên trái vào giấc ngủ kế tiếp.