Giải pháp căn cơ nào khắc phục tình trạng thiếu gay gắt nhà ở xã hội?

04/06/2019 - 20:48
Chiều nay 4/6, Quốc hội tiến hành họp phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm tới nhóm vấn đề xây dựng nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp hiện đang rất cấp thiết, cần có những giải pháp căn cơ, toàn diện.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng chiều 4/6, đại biểu Nguyễn Văn Dành, đoàn ĐBQH Bình Dương, cho rằng, thời gian qua bất động sản tăng giá rất nhanh, còn nhiều rủi ro, Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

Đại biểu Dành cũng nêu lên thực trạng nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội hiện nay còn rất thiếu, trong khi nhu cầu của người dân, người thu nhập thấp là rất lớn; Bộ Xây dựng có chính sách đột phá gì cho loại hình bất động sản này phát triển?

201906041557546312_nguyn-vn-dnh-on-bqh-tnh-bnh-dng-copy.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Dành, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Cùng chung mối quan tâm, đại biểu Tô văn Tám, đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, cho rằng, giá bất động sản hiện nay quá cao so với thu nhập người dân; cụ thể, so với thu nhập bình quân đầu người thì giá giá bất động sản đang cao gấp 25 lần. Không chỉ vậy, giá bất động sản không chỉ cao mà còn diễn biến phức tạp, đang gây nhiều thách thức trong giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp. Bộ trưởng có giải pháp gì?

Giải đáp những câu hỏi của đại biểu với nhóm vấn đề liên quan tới giá bất động sản và chính sách phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, cho biết: Thị trường bất động sản còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, các quy định còn chưa đồng bộ, mâu thuẫn, chồng chéo như các quy định về giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất một lần, quản lý các loại hình bất động sản mới…

Cơ cấu loại hình bất động sản vẫn mất cân đối, sản phẩm cao cấp dư thừa, nhưng lại “thiếu gay gắt nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp”. Hiện nay mới làm được 4,8 triệu m2 (trong khi yêu cầu đến năm 2020 phải đạt 12 triệu m2).

Đồng thời, thiếu nguồn vốn cho vay các dự án nhà ở xã hội. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, hiện còn 226 dự án nhà ở xã hội đang chậm tiến độ. Nguồn lực tài chính cho thị trường bất động sản vẫn còn rất thấp, cơ cấu nguồn lực còn bất hợp lý. Chủ yếu sử dụng vốn tín dụng ngân hàng và tiền ứng trước của khách hàng. Tiền vốn của chủ đầu tư chỉ chiếm 15% đến 30% tổng mức đầu tư.

Trên thị trường vẫn còn nhiều hình thức thiếu lành mạnh như đảo nợ, chuyển nhượng dự án… làm cho thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro.

201906041521363316_b-trng-b-xy-dng-phm-hng-h-copy.jpg
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà

Về nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ còn chậm phát triển, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, là do các địa phương chưa hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở. Hầu hết các địa phương chưa sử dụng khoản thu do chủ đầu tư dự án thương mại nộp lại 10% - 20% khi họ không thực hiện dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội và chưa dành nguồn này để phát triển nhà ở xã hội.

Nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội.

Đặc biệt là thiếu nguồn vốn cho vay mua nhà ở xã hội. Quốc hội, Chính phủ, đã dành nguồn vốn hỗ trợ 3.000 tỷ đồng (nhu cầu là cần tới 9.000 tỷ đồng); nguồn vốn này vẫn còn rất thấp so với nhu cầu vay của người thu nhập thấp, nhưng nó đã có tác động tốt giúp người dân có cơ hội tiếp cận vay với lãi suất thấp.

Để giải quyết những tồn tại, hạn chế nêu trên, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, trước hết phải giải quyết căn bản phương thức phát triển nhà ở xã hội. Thông lệ quốc tế, chỉ tạo ra nguồn cung nhà ở và hỗ trợ tài chính để người mua vay.

Nhưng hệ thống chính sách của chúng ta còn phân tán; thực tế hiện nay còn phân chia ra 10 đối tượng mua nhà ở xã hội. Mặt khác, việc hỗ trợ còn nặng về bao cấp mà chưa huy động nguồn lực từ nhiều nguồn.

Đồng thời đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào xây dựng nhà ở xã hội. Cụ thể như chính sách miễn giảm thuế đất, thuế thu nhập, tạo điều kiện về hạ tầng… Tuy nhiên, lại khống chế tỷ suất lợi nhuận 10% của các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nên sự quan tâm của doanh nghiệp là chưa cao. Cần phải có chính sách khuyến khích để họ tham gia nhiều hơn nữa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm