Giải quyết 'cuộc chiến' của 3 người lớn và 1 trẻ con

22/01/2016 - 11:05
Mỗi bữa ăn của bé Cua, “cục cưng” hơn 1 tuổi nhà chị Thủy, không khác gì trận đấu căng thẳng. “Cuộc chiến” giữa 3 người lớn và 1 trẻ em!

Mẹ miệng hát, tay giữ con, tay điều khiển xe nôi, bố cầm đồ chơi chạy quanh làm trò tiêu khiển, chị giúp việc lựa cơ hội thuận lợi lùa thìa bột vào miệng bé.

 Hãy để trẻ được ăn theo nhu cầu của cơ thể (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, chuyên gia nuôi dạy trẻ khẳng định, việc ép con ăn là hành vi bạo lực, thậm chí tệ hơn so với bị đánh. Trẻ bị cho ăn bằng sức mạnh, ăn một cách vô thức sẽ mất cảm giác đói bụng và không bao giờ hào hứng với ăn uống. Thay vì phương tiện thỏa mãn nhu cầu sinh lý của cơ thể con thơ, bữa ăn trở thành phương thức đấu tranh vì “quyền tự quyết”. Đứa trẻ dùng bữa ăn “chỉ huy” bố mẹ hay người lớn để được đáp ứng những đòi hỏi khác của bản thân.

Về mặt tâm lý, trẻ vâng lời ăn tất cả những gì người lớn ép sẽ không ngoan hơn so với các bạn cùng trang lứa phản ứng với ăn uống. Đây có lẽ là điều mà nhiều cha mẹ bị nhầm lẫn giữa chăm sóc và dạy dỗ con.

Về phương diện sinh lý học, trẻ khỏe mạnh bình thường có khả năng tự điều chỉnh số lượng bữa ăn và cân bằng tỉ lệ các thành phần dưỡng chất. Con bạn ý thức được việc muốn ăn và ăn theo nhu cầu của cơ thể. Việc duy nhất cần thiết mà cha mẹ có thể làm cho con là cung cấp bữa ăn lành mạnh, phong phú, đúng giờ và đáp ứng đủ nhu cầu.

Vì sao trẻ từ chối?

Ngoài lý do người lớn chưa tạo cho trẻ thói quen ăn uống đúng giờ thì sự thiếu thiện chí của trẻ đối với một số thực phẩm và món ăn cũng như hiện tượng ăn không ngon miệng thường có cơ sở nghiêm túc. Trước khi bắt đầu tỏ ra buồn bực và ép buộc con ăn, bạn hãy lưu ý mấy chi tiết sau:

- Không có ngoại lệ: Tất cả trẻ, thậm chí khi còn rất bé đã có thiên hướng mùi và vị cụ thể cũng như mức độ đậm đặc của món ăn được chế biến (bột, cháo xay…) và những thực phẩm bổ sung vào thành phần chính (thịt, cá, khoai tây, cà rốt, rau xanh…). Cho nên nếu bé không ăn, trước tiên hãy để ý những gì chúng ta chế biến xem có đáp ứng được sở thích của con không.

- Hoàn toàn tự nhiên: Theo linh tính, trẻ có thể né tránh ăn những món không có lợi cho cơ thể bé hay khiến bé khó chịu. Điều này tuy chưa được khoa học chứng minh bằng các khảo sát cụ thể thực tế nhưng là kinh nghiệm đúc kết của các bác sĩ dinh dưỡng quen khám và điều trị cho hàng ngàn cháu bé.

- Con có thể ăn ít hơn bình thường, nếu trải nghiệm tình huống căng thẳng hoặc cảm thấy khó chịu. Đó là phản ứng tự vệ tự nhiên của cơ thể trước những sự cố liên quan đến tiêu hóa và hấp thụ thức ăn. Khi bé bị ốm mệt, bé đang ấm ức trong lòng, hay bé mải chơi với bạn mới, đồ chơi mới, cha mẹ có thể chủ động giảm khẩu phần ăn của bé mà không lo bé đói. Bé sẽ tự “ăn bù” vào bữa sau. Cha mẹ đừng ép con ăn thêm bữa phụ khi thấy bé ăn ít hơn. Việc đó sẽ tạo thói quen xấu không cần ăn hết khẩu phần hoặc bé không bao giờ có cảm giác đói bụng, thèm ăn.

Hãy tạo không khí vui vẻ, thoải mái cho bữa ăn để bé thực sự hào hứng với việc ăn uống. Quan trọng là tập cho con thói quen ăn uống đúng giờ và dứt khoát không cho bé ăn vặt, nhất là ăn kẹo quá nhiều.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm