Xây dựng sự nghiệp trong 'thế giới rất rất phẳng'

07/09/2015 - 16:17
Tự sáng tạo sự nghiệp - Cơ hội của giới trẻ trong "Thế giới phẳng hơn"Thomas L. Friedman
Thomas L. Friedman, tác giả của cuốn sách best seller "Thế giới phẳng" đã có một cuộc nói chuyện thú vị trong buổi gặp gỡ các doanh nhân trẻ và các học viên MBA tại Viện Quản trị kinh doanh FSB, trường Đại học FPT (Hà Nội), nhân chuyến thăm Việt Nam mới đây.
 
"Thế giới đã… siêu phẳng"
Trở lại Việt Nam sau gần 2 thập kỷ, chuyến đi lần 2 này được xem như một cuộc tái cập nhật những điểm mới trong luận điểm “Thế giới phẳng” của nhà báo, nhà bình luận quốc tế người Mỹ Thomas L. Friedman. Theo tác giả chia sẻ, mọi thứ diễn biến quá nhanh, chỉ ngay sau khi học thuyết “thế giới phẳng” của ông ra đời năm 2004 và nay, sau 10 năm, ông thành thật: “Nhìn lại, những gì tôi viết trong cuốn “Thế giới phẳng” đã không còn đúng. Hiện nay, thế giới của chúng ta không phải là “thế giới phẳng” mà là “thế giới rất rất phẳng”! So với thời điểm tôi viết cuốn sách đó, thế giới hiện nay đã “phẳng” hơn rất nhiều”.
“Cha đẻ” của tác phẩm “Thế giới phẳng” cho biết, luận điểm này ra đời trên cơ sở sự phát triển 4 nhân tố công nghệ mới trong đời sống xã hội thời bấy giờ. Đó là: Việc sử dụng khá phổ biến máy tính PC trong đời sống xã hội; Sự xuất hiện của mạng internet giúp kết nối, trao đổi thông tin mọi lúc mọi nơi; Phần mềm xử lý công việc ngày càng phát huy hiệu quả; Sự xuất hiện của “cỗ máy” tìm kiếm thông tin khổng lồ Google. Với những điều đó, thế giới có nhiều thông tin hơn, thông tin được trao đổi qua nhiều người hơn, nhiều nơi khác nhau trên thế giới hơn, với chi phí rẻ hơn và hiệu quả hơn. Đặc biệt, nhân tố công nghệ đã có sự biến đổi lên tầm cao mới, khiến thế giới ngày càng “phẳng” hơn, thậm chí “siêu phẳng”.
 

 Ông Thomas L.Friedman khẳng định "Thế giới ngày càng phẳng hơn"

Cơ hội của giới trẻ: Tự tạo lập giá trị cho riêng mình
Năm 2011, Thomas L. Friedman bắt tay viết một cuốn sách khác. Việc đầu tiên ông đã làm là lấy phiên bản đầu tiên của “Thế giới phẳng” để xem lại. Nhìn vào phụ lục của ấn phẩm thì thấy năm 2004 vẫn chưa có Facebook, Twitter, Linked in, Skype… và các khái niệm như cloud, big data, 4G… thì quá xa lạ. Công nghệ mới đã phát triển lên một tầm cao mới và tiếp tục làm “phẳng hóa” thế giới. Máy tính cá nhân đã dần bị các cá nhân thay thế bằng smartphone để đáp ứng nhu cầu trao đổi, chia sẻ thông tin mọi lúc, mọi nơi. Lĩnh vực internet xuất hiện công nghệ không dây băng rộng có thể gửi thông tin với tốc độ cao. Phần mềm quản lý công việc được cải tiến với sự phát triển của các sản phẩm mới như Facebook, Twitter… Còn Google đang có có nguy cơ bị lấn át bởi công nghệ dữ liệu lớn cho phép mọi người có thể tìm nhiều dữ liệu hơn với định dạng, cấu trúc thông tin đa dạng hơn.

"Trong thế giới phẳng, nếu các bạn không làm một việc có ích cho đất nước thì sẽ có ai đó khác làm"

Thomas L. Friedman chỉ rõ: “Giờ đây, thế giới đã đi từ kết nối đến siêu kết nối. Trong thế giới đang dần “phẳng” hóa, một cá nhân chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh và một thẻ thanh toán cũng có thể lập một công ty sau một đêm. Ông lấy dẫn chứng về một phụ nữ trẻ người Mỹ trong thời buổi đại suy thoái kinh tế toàn cầu đã sáng tạo nên một kênh kinh doanh bán hàng hiệu đã qua sử dụng và gặt hái nhiều thành công. Chỉ phải trả 3.000 USD, thậm chí có thể chỉ là 1.000 USD, cô đã có thể mua 1 chiếc váy hàng hiệu trị giá 8.000 USD mới qua 1 lần sử dụng. Những khách hàng của cô, những tín đồ hàng hiệu cũng rất vui mừng khi được sở hữu đồ hiệu với giá “mềm”.
Theo Thomas L. Friedman, “Thế giới phẳng” ngày nay đang tạo rất nhiều cơ hội cho giới trẻ. Nhiều bạn trẻ ở Ấn Độ, Mexico đã sử dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm, ứng dụng giá rẻ để giải quyết các vấn đề lớn của quốc gia như an ninh năng lượng, giao thông, tài chính…
Thomas L. Friedman đưa ra lời khuyên với giới trẻ Việt Nam: “Trong thế giới phẳng, nếu bạn không làm một việc có ích cho đất nước thì sẽ có ai đó khác làm. Trước đây, giới trẻ thường phải vất vả đi tìm việc làm sau khi học, nhưng bây giờ hãy tự sáng tạo ra việc làm mới. Đã đến lúc người lao động không thể làm việc làng nhàng, muốn phát triển thì phải có sáng tạo bên cạnh sự nỗ lực phấn đấu của bản thân".
Ngày trước, một nông trường bò sữa tại Mỹ có thể cần hàng nghìn công nhân để vắt sữa bò nhưng nay, người ta dùng robot để vắt sữa bò và họ không thuê nhiều công nhân nữa mà chỉ cần có người biết điều khiển phần mềm ứng dụng cho robot làm việc. Đây vừa được xem là cơ hội cũng là thách thức của giới trẻ. Bởi sẽ không còn chỗ cho những người có khả năng làm việc trung bình, thiếu sáng tạo.
“Tôi nói với con gái mình: “Bây giờ cha đã 60 tuổi, thời của cha chỉ cần được đào tạo, tìm công việc phù hợp là đã có sự nghiệp. Nhưng nay, trong thế giới ngày càng phẳng hơn này, nếu con không tự tạo lập, không tự sáng tạo trong chính công việc của mình, con sẽ không thể tồn tại, chứ chưa nói đến tạo dựng sự nghiệp cho mình”, Thomas L. Friedman chốt lại bài diễn thuyết của mình bằng bằng chính câu chuyện với con gái.

Thomas L. Friedman sinh năm 1953, là một nhà báo, nhà bình luận nổi tiếng người Mỹ về quan hệ chính trị giữa các nước, bao gồm các vấn đề mậu dịch quốc tế, Trung Đông, toàn cầu hóa và các vấn đề môi trường. Ông phụ trách một chuyên mục đối ngoại của The New York Times và đã 3 lần đoạt giải Pulitzer, 2 lần cho mảng Phóng sự quốc tế và 1 lần cho mảng Bình luận.

Ông là tác giả của hàng loạt cuốn sách bán chạy, nổi bật là cuốn “Thế giới phẳng” với hơn 2 triện bản được bán ra, ngoài ra còn có “Từ Beirut tới Jerusalem”, “Chiếc Lexus và cây oliu”, “Nóng, Phẳng và Đông đúc”...

Đến Việt Nam lần này, Thomas L. Friedman tham dự nhiều hoạt động, trong đó có buổi giới thiệu cuốn sách “Thế giới phẳng”. Đây là bản dịch từ bản sách gốc do chính tác giả sửa chữa, cập nhật và bổ sung 2 chương mới nhất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm