Giám đốc 9X không bằng đại học

25/11/2015 - 14:15
Nguyễn Trung Đức là giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ truyền thông MediaZ, đồng tác giả của một trong những cuốn sách kinh tế được yêu thích nhất năm 2014 “Quảng cáo facebook từ A đến Z”.
Chon-nghe.JPG

Nguyễn Trung Đức hiện là Giám đốc của Công ty CP Công nghệ Truyền thông MediaZ.

Là sinh viên khóa đầu tiên của khoa Công nghệ Thông tin, trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội, Đức nhớ lại: “Hồi còn học phổ thông, mình chưa bao giờ là học sinh khá, giỏi, thậm chí có năm còn suýt bị đúp. Vì thế, mình luôn xác định không cố thi vào đại học mà sẽ học trường nghề. Cách chọn lựa này phù hợp với mình và không gây ảo tưởng cho gia đình”.

Thực ra, Đức rất hiểu bản thân muốn gì, cần gì, mạnh - yếu ở đâu. Trong các môn, Đức chỉ ham tin học và đã dành nhiều thời gian để tự mày mò, nghiên cứu về môn này. Kiến thức mà Đức tích lũy được chẳng thua kém sinh viên tin học, dẫu rằng lúc đó cậu mới chỉ là học sinh phổ thông. Đó cũng là lý do vì sao, chỉ sau vài tháng học tại trường nghề, các chuyên gia, thầy cô giáo đã nhìn ra khả năng của Đức và tạo cơ hội để cậu tham gia nhiều dự án công nghệ thông tin. Năm học thứ 2, Đức đã là trưởng phòng marketing online của một công ty có vốn Nhật Bản. Sau khi ra trường, Đức lại đầu quân cho nhiều công ty công nghệ lớn ở Việt Nam với mức thu nhập khá, luôn trên 10 triệu đồng/tháng.

Song, Đức “đi làm thuê” là để tích lũy kinh nghiệm trước khi tự thành lập Công ty cổ phần Công nghệ truyền thông MediaZ chuyên hoạt động trong lĩnh vực Digital Marketing (sử dụng Internet làm phương tiện cho các hoạt động marketing và truyền thông). Vốn là một giám đốc không bằng đại học nên Đức có quan niệm rất hiện đại trong tuyển dụng nhân sự: Không để tâm nhiều đến bằng cấp mà chú trọng hơn tới khả năng làm việc cũng như ý thức, thái độ của người lao động. Đó là lý do vì sao, trong số 30 nhân viên của công ty hiện nay có rất nhiều bạn trẻ 8X, 9X “xuất thân” từ trường trung cấp, cao đẳng nghề.

Việc sắp xếp nhân sự, mức lương, thưởng... cũng không căn cứ vào bằng cấp, bậc học mà phụ thuộc năng suất công việc của từng nhân viên. Với một công ty tư nhân, tuyển dụng được người thạo việc đã khó, giữ họ cống hiến lâu dài còn khó hơn. Đức đảm bảo tất cả nhân viên có thu nhập tối thiểu đủ để trang trải chi phí sinh hoạt (khoảng trên 5 triệu đồng/người/tháng), được đóng bảo hiểm xã hội để sau này có lương hưu và cứ sau vài tháng sẽ được tăng lương 1 lần. Đức cũng học tập cách điều hành của công ty Google, để các nhân viên tự giao việc cho mình hàng tuần và tự tìm giải pháp hoàn thành kế hoạch đó. Chi tiết quá trình chấm công, khen thưởng, phạt, đều minh bạch và công khai tới mọi nhân viên. Nhờ vậy, công ty xây dựng được một môi trường làm việc thân thiện, công bằng. Theo Đức, đó cũng là yếu tố để “giữ chân” người trẻ vì cảm giác thoải mái, thấu hiểu nhau khi làm việc rất quan trọng.

Tuy Đức không học đại học nhưng đã tự học rất nhiều. Với Đức, đâu cũng là trường học và bất kỳ ai cũng là có thể là thầy. Trước khi trở thành trưởng phòng, giám đốc, Đức từng có thời gian là nhân viên chạy việc, thậm chí chấp nhận đi làm không công để có cơ hội trải nghiệm thực tế, học hỏi cách giao tiếp, kỹ năng thương thuyết, làm việc nhóm… Nói cách khác, thấy mình còn thiếu yếu tố gì để khởi nghiệp thành công, Đức sẽ tự học để bù đắp.

Hiện nay, công ty của Đức còn có một dự án gần như là đầu tiên trong cả nước là xuất bản sách digital marketing do chính Đức tự viết dựa trên trên kinh nghiệm của bản thân. Công ty còn tham gia đào tạo digital marketing, dạy marketting online miễn phí cho sinh viên. Mục tiêu của Đức là trong vòng 3 năm tới, các sinh viên không chỉ biết tên mà còn mong muốn được đến công ty của cậu để thực tập. Theo Đức, sinh viên chính là những doanh nhân trong tương lai, giúp và thân thiện với họ chính là cách công ty đang tạo quan hệ tốt với các khách hàng tiềm năng. Riêng Đức đặt mục tiêu có thể “dứt” dần khỏi công việc bằng cách chỉ quản lý ở tầm vĩ mô và đạt được sự tự do về tài chính để trong vòng 5 năm tới sẽ có nhiều thời gian cho gia đình và làm những gì mình muốn. Đức không tán đồng lối sống chỉ vùi đầu vào công việc để kiếm tiền.

Nói với các bạn trẻ, Đức chia sẻ: “Mình không phải là hình mẫu của ai đó. Việc mình vào đời không bằng đại học cũng không phải là chọn lựa đúng với tất cả mọi người. Quan trọng là các bạn trẻ hãy tự xác định sở trường, đam mê của mình và tìm cách đi phù hợp để đạt được điều đó”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm