Căn bệnh ung thư đại trực tràng của bà Do đã bước đầu bị chặn đứng, song di chứng thì còn rất nặng nề.
Hy vọng mong manh
Bên hành lang chật chội của Khoa Ngoại II, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, hàng trăm người đứng chen chân xếp hàng chờ đến lượt khám bệnh. Bên cạnh người phụ nữ vừa được đưa về từ phòng hồi sức, bà Do đang hí hoáy vén cạp quần, để lộ chiếc bịch chứa phân được nối với hậu môn giả cho y tá kiểm tra. Xong xuôi mọi việc, bà với hộp cháo, xúc vài thìa rồi lại đặt về chỗ cũ, thở dài: “Bác sĩ nói ăn được rồi nhưng tôi không dám ăn nhiều, vừa ăn vừa nghe ngóng xem cái bụng có ổn không rồi mới dám ăn tiếp. Phẫu thuật được hơn 1 tuần rồi nhưng cũng chưa đi đại tiện lần nào, thỉnh thoảng xì hơi thì tôi mở cái bịch cho nó xả ra rồi lại đóng vào”, vừa nói bà Do vừa chỉ vào chiếc bịch nối với hậu môn giả nằm ở dưới, bên phải ổ bụng.
Dù biết đây là bệnh hiểm nghèo, cơ hội sống sẽ rất thấp nếu không được chữa trị kịp thời, song người phụ nữ cả đời vì gia đình này chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ chữa trị bởi: “Tiền chữa bệnh nghe đâu nhiều lắm, làm gánh nặng cho con, tôi không nỡ”. Bà cho biết, các bác sĩ mới phát hiện bệnh của bà chừng 1 năm nay. Bà đã lưỡng lự, suốt 1 năm chịu đựng những cơn đau, nhưng chỉ vì sợ mình chết đi thì không ai chăm lo cho chồng nên mới quyết định điều trị.
Bà Chu Thị Do đang chống chọi với căn bệnh ung thư trực tràng
Khổ suốt đời còn là... may
“Lúc mới phát hiện u thì không đau nhiều lắm, nhưng khoảng 4 tháng nay, những cơn đau ở ngay ở cửa hậu môn dữ dội hẳn, lúc nào cũng muốn đi cầu, nhưng ra nhà cầu ngồi cả ngày, đau toát mồ hôi cũng không đi được, có khi 10 ngày vẫn không thể đi cầu. Khi đi được thì bị táo bón, có lúc còn bị ra máu, rồi dần dần nó chuyển sang đau ngang nửa người trở xuống. Tôi đành đưa chồng từ Thanh Hóa vào TPHCM điều trị, vì 2 con trai của tôi đều lập nghiệp ở Bình Dương”, bà kể.
Bà không ngờ do khối u nằm sát hậu môn nên các bác sĩ phẫu thuật không thể giúp bà trở về cuộc sống bình thường như trước. “Nghe con trai nói nó ứng viện phí 2 triệu đồng rồi, mổ nội soi hết 7 triệu, thêm 18 triệu mua máy nối ruột, vậy là cũng mất vài chục triệu, đó là chưa kể tiền sau này vào hóa chất và xạ trị. Vậy nhưng đâu có được lành lặn. Tôi sống ngày nào là phải đeo cái bịch chứa phân này ngày ấy. Sẽ không còn cảm giác muốn đi cầu như trước đây nữa mà phân tự động ra sau khi thức ăn được tiêu hóa. Mỗi lần như vậy, bắt buộc phải thay túi phân vì nếu không hậu môn giả sẽ bị nhiễm trùng. Bịch chứa phân loại 2 giá 4.000 đồng/cái, còn loại 1 nghe đâu 6.000 đồng/cái nên tôi không dám mua. Sống kiểu này không những làm phiền con mà còn cực hơn cả chết”, bà Do than vãn.
TS.BS Nguyễn Chí Viết, Trưởng khoa Ngoại II, BV Ung Bướu TPHCM, cho biết: “Ung thư đường ruột có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào của toàn bộ khung đại tràng, do vậy, người ta thường gọi chung là Ung thư đại trực tràng. Đây là loại bệnh ác tính do thói quen ăn uống. Có tới 90% ung thư đại trực tràng xảy ra ở những người trên 50 tuổi. Tỉ lệ tử vong phụ thuộc vào giai đoạn bệnh của bệnh nhân đến khám, nếu ở giai đoạn sớm thì tỉ lệ sống thêm 5-10 năm có thể lên 80-90%, nhưng khi đã di căn vào gan thì chỉ sống sót khoảng 6 tháng đến 1 năm là cùng”.
Cũng theo bác sĩ Viết, ung thư đại trực tràng thường xảy ra ở những người có nguy cơ cao như đa pôlýp gia đình, bệnh viêm loét đại tràng, do di truyền. Đặc biệt những người ăn nhiều thịt, mỡ, đạm, ít chất xơ, dễ dẫn đến béo phì và có nguy cơ cao gấp 2 lần. Bác sĩ Viết khẳng định: “Chế độ ăn quá nhiều đạm và chất béo cũng sẽ làm tăng yếu tố sinh ung thư. Những triệu chứng thường gặp như xuất huyết tiêu hóa dưới, thay đổi thói quen đường ruột, đau bụng, sụt cân, chán ăn, mệt mỏi và đặc biệt là triệu chứng tắc ruột”.
TS.BS Nguyễn Chí Viết, Trưởng khoa Ngoại II, BV Ung Bướu TPHCM |
Về điều trị, hiện nay chúng tôi đang sử dụng phương pháp đa mô thức (phối hợp nhiều phương pháp điều trị cùng một lúc). Phẫu thuật cắt bỏ đoạn đại tràng mang bướu, phối hợp với hóa trị. Đặc biệt, với những trường hợp u ở vị trí thuận lợi, chúng tôi có thể dựa vào sự hỗ trợ của máy móc cho việc khâu, nối trực tràng, giúp bệnh nhân không phải đeo hậu môn nhân tạo vĩnh viễn. Tuy nhiên, trường hợp vị trí bướu nằm sát hậu môn thì bắt buộc phải bỏ hậu môn và bệnh nhân phải đeo hậu môn nhân tạo vĩnh viễn là điều không thể tránh khỏi. |