Giao con cho chồng, về sau tôi có thể đòi lại quyền nuôi con không?

25/04/2019 - 21:19
Vợ chồng em có một đứa con, năm nay 4 tuổi. Do có nhiều mâu thuẫn, nên chúng em chuẩn bị ly hôn. Chồng em muốn em để con lại cho anh ấy nuôi vì điều kiện kinh tế hiện tại của anh ấy tốt hơn. Vậy xin Báo PNVN cho biết, nếu bây giờ em để con ở với ba thì sau này em có thể đòi lại quyền nuôi con không?
a1.jpg
Ảnh minh họa

Điều Thị Ngọc Bích (Khánh Hòa)

Trả lời: Theo quy định tại Điều 81, Luật HN&GĐ 2014 về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn, thì:

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con…

Về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, Điều 84 Luật này quy định:

1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

Như vậy, nếu muốn thay người trực tiếp nuôi con sau ly hôn, bạn cần phải có một trong các căn cứ tại điểm a, điểm b, khoản 2, Điều 84 như chúng tôi đã nêu trên thì mới được tòa án xem xét giải quyết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm