'Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh còn nhiều bất cập'

27/12/2018 - 17:17
Nhận định trên được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 1501/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”, do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng nay, 27/12, tại Hà Nội.

Gia tăng bạo lực học đường 

Bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện Quyết định 1501, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống (LTCMĐĐLS) cho thanh thiếu niên và nhi dồng của các bộ, ngành và các địa phương, đặc biệt là trong ngành Giáo dục và tồ chức Đoàn Thanh niên đã có chuyển biến nhất định.

 

Công tác giáo dục LTCMĐĐLS cho thanh thiếu niên và nhi đồng được gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05/CT-TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưỡng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; được cụ thể hóa thành nhiều chương trình, kế hoạch thiết thực, phù hợp với điều kiện địa phương, vùng miền, lứa tuổi, cấp học, ngành nghề đào tạo.

 

Bên cạnh đó, phong trào thi đua của Đoàn thanh niên được tổ chức hiệu quả, thu hút được đông đảo thanh thiếu niên, HSSV tham gia, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để thanh niên, HSSV rèn luyện LTCMĐĐLS.

 

Tuy nhiên, theo bà Nghĩa, việc giáo dục đạo đức lối sống cho thanh thiếu niên nhi đồng vẫn còn nhiều bất cập. Theo đó, một bộ phận thanh thiếu niên thiếu bản lĩnh dễ bị lôi kéo, tham gia tệ nạn xã hội. Một số thanh thiếu niên thiếu động cơ học tập rèn luyện đúng đắn.

1be679ec-7244-4cff-a0c1-25da29862807.jpg
Nạn bạo lực học đường vẫn còn nhức nhối. Ảnh minh họa 

“Đặc biệt, bạn bạo lực học đường diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Việc sử dụng mạng xã hội chưa đúng mục đích và công tác truyền thông chưa đạt hiệu quả mong muốn” – bà Nghĩa nhấn mạnh.

 

Tăng cường quản lý học sinh, sinh viên 

Trước những bất cập này, Bộ GD&ĐT cho biết giai đoạn 2018-2020, sẽ tăng cường công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên, HSSV trên môi trường mạng; xây dựng mạng lưới thông tin chính trị tư tưởng trên môi trường mạng trong các cơ sở giáo dục.

 

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường các hoạt động tư vấn tâm lý trong trường phổ thông, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng khởi nghiệp cho HSSV.

 

Tổ chức các hoạt động giáo dục, rèn luyện, trải nghiệm tích hợp trong Chương trình giáo dục phổ thông và chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng

 

Trong công tác quy hoạch, Bộ GD&ĐT đề nghị ưu tiên diện tích đất trồng cây xanh công cộng, để thanh thiếu niên tiếp cận và sử dụng cho các mục đích luyện tập thể dục thể thao, nghỉ ngơi và giải trí.

 

“Công tác giáo dục LTCMĐĐLS cho thanh thiếu niên và nhi đồng cần có chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với từng đối tượng, đặc điểm địa phương, vùng miền; tránh sự chỉ đạo chung chung, làm theo phong trào, hình thức. Bên cạnh đó, cần gắn liền với biểu dương, gương điển hình tiên trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Internet, mạng xã hội nhằm lan tỏa mạnh mẽ những hành động cao đẹp, lấy cái tốt để đẩy lùi cái xấu trong đời sống xã hội” - bà Nghĩa nhấn mạnh

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm