Giáo dục nghề nghiệp cần được đầu tư chuẩn mực như giáo dục đại học

20/09/2019 - 19:23
Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo Giáo dục 2019 về “Phát triển giáo dục nghè nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế” diễn ra ngày 20/9 ở Hà Nội. Hội thảo nêu lên các bất cập về chính sách đầu tư và tư duy quản lý đang khiến trường nghề gặp nhiều khó khăn cản trở, thậm chí không công bằng trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Trường nghề loay hoay “lôi kéo” người học

Ngày 20/9, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo Giáo dục năm 2019 về “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế’’.

Hội thảo nhằm cung cấp cái nhìn tổng thể, rõ nét về thực trạng giáo dục nghề nghiệp hiện nay; tập trung phân tích kỹ nguyên nhân của thành công cũng như tồn tại; đặc biệt là đề xuất nhiều giải pháp phù hợp, khả thi và hiệu quả cho việc phát triển giáo dục nghề nghiệp nước ta trong giai đoạn tới - giai đoạn mà Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, trong phần phát biểu khai mạc đã khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn coi “phát triển giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu”, “đầu tư giáo dục là đầu tư phát triển”, theo đó, phải ưu tiên để tạo dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chủ trương này càng được thể hiện mạnh mẽ để giáo dục và đào tạo thực sự là đòn bẩy của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời là tiền đề quan trọng để tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế, thúc đẩy xã hội phát triển bền vững.

 

p.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: D.H 

 

Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - cho rằng, bất cập lớn nhất hiện nay là dường như giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang bị tách rời ra khỏi hệ thống giáo dục cả nước. Thể hiện rõ nhất là ở khâu tuyển sinh đầu vào.

“GDNN tuyển sinh rất khó, phải loay hoay, chạy vạy đây đó để tìm cách lôi kéo sinh viên nghề. Ngay cả dữ liệu các em học sinh phổ thông tốt nghiệp đăng ký, Bộ GD&ĐT cũng làm riêng, hệ thống GDNN làm riêng, không chia sẻ cơ sở dữ liệu, vậy thì làm sao chúng ta liên kết với nhau?" - ông Dũng cho biết.

Cũng theo ông Dũng, việc quản lý hệ thống trường nghề thể hiện bất cập, chồng chéo. Cụ thể, cả nước có 6 trường đại học sư phạm kỹ thuật thì 3 trường trực thuộc Bộ GD&ĐT, 3 trường trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH. “Chúng tôi buộc phải bỏ đào tạo giáo viên dạy nghề với một số nghề như ô tô, cơ khi, chỉ vì bị cho rằng các ngành nghề đó không có trong danh mục trường sư phạm. Trường đầu ngành, đầu tiên của đất nước đào tạo giáo viên dạy nghề mà phải từ bỏ đào tạo giáo viên dạy nghề, thử hỏi làm sao GDNN phát triển được?” - ông Dũng băn khoăn.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia tại hội thảo cũng chỉ ra rằng, một bộ phận xã hội vẫn chưa nhận thức đúng về vai trò quan trọng của GDNN trong đào tạo nguồn nhân lực. Tâm lý coi trọng bằng cấp vẫn còn. Việc định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT không đạt mục tiêu đề ra. Cơ cấu trình độ đào tạo trong GDNN vẫn còn chưa hợp lý, chủ yếu vẫn là đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên, ngắn hạn (chiếm 75%), trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm khoảng 25% trên tổng số tuyển sinh.

Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở GDNN chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, lĩnh vực cụ thể và yêu cầu của đổi mới cơ cấu kinh tế - xã hội. Việc gắn kết với doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp chỉ được sử dụng, tuyển dụng lao động phải qua đào tạo nghề nghiệp ở tất cả các lĩnh vực lao động theo quy định của Luật GDNN…

 

day-nghe-nau-an.jpg
Ảnh minh họa

Tiền đề để để giám sát thực hiện GDNN của Quốc hội

Tại hội thảo, bà Wendy Cunningham, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho biết, đào tạo nghề rất quan trọng với mỗi quốc gia. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, ngoài chuyên môn, kỹ năng mềm, kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm cũng phải được đề cao. Theo bà, hiện nhiều nhà đầu tư lớn đang đầu tư vào Việt Nam, dịch chuyển nhà máy sản xuất tới Việt Nam, do đó lao động Việt Nam càng cần phải được đào tạo nghề, bao gồm cả những kỹ năng.

Trong khi đó, hiện nay nhiều lao động Việt Nam chưa sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng lao động toàn cầu. Trình độ lao động Việt Nam hiện nay chưa có khả năng cạnh tranh cao, hơn 50% lao động trẻ mới chỉ có trình độ trung học, đó là thách thức lớn đối với nguồn nhân lực của Việt Nam, đòi hỏi Việt Nam phải có chính sách phù hợp để thúc đẩy chất lượng nguồn nhân lực.

 

b.jpg
Bà Wendy Cunningham đưa ra đề xuất phát triể GDNN tại Việt Nam. Ảnh: D.H 

 

“Một trong những vấn đề mà nhà đầu tư quyết định khi chọn quốc gia để đầu tư, đó chính là năng suất của người lao động. Đây là điều mà lao động Việt Nam đang kém cạnh tranh. Việt Nam phải nâng cao năng suất lao động”, bà Wendy Cunningham khuyến cáo.

Để cải thiện tình trạng yếu kém trong GDNN tại Việt Nam, bà Wendy Cunningham đề xuất, đào tạo nghề phải theo yêu cầu của nhà tuyển dụng; phải bảo đảm tính công bằng trong phân bổ ngân sách Nhà nước cho GDNN; bảo đảm dịch vụ GDNN công; cơ sở đào tạo nghề phải bảo đảm chuẩn đầu ra cho người học, để bảo đảm họ ra trường là có thể làm việc.

Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng - cho biết, qua giám sát cho thấy có 3 vấn đề mấu chốt trong GDNN: Hệ thống cơ chế, chính sách; Chất lượng và điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN.

Theo ông, 3 vấn đề này giải quyết tốt mới tác động mạnh mẽ đến vấn đề thứ tư là tâm lý xã hội, thể hiện trong xu thế lựa chọn GDNN. "Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học là 4 khối trong hệ thống giáo dục quốc dân cần được đánh giá và coi trọng ngang nhau mới có thể tạo thành một chỉnh thể GD&ĐT. Đến lúc GDNN cũng phải được đầu tư chuẩn mực như giáo dục đại học" - ông Bình khẳng định.

Ông Bình đồng thời nhấn mạnh, kết quả Hội thảo sẽ góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho Quốc hội trong việc thực hiện chức năng giám sát và quyết định chính sách phát triển GDNN. 

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ LĐTBXH, tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 394 trường cao đẳng (307 trường công lập; 83 trường tư thục; 4 trường có vốn đầu tư nước ngoài), 515 trường trung cấp (295 trường công lập; 219 trường tư thục; 1 trường có vốn đầu tư nước ngoài), 1.045 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (697 trung tâm công lập; 346 trung tâm tư thục; 2 trung tâm có vốn đầu tư nước ngoài).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm