Không nhiều cha mẹ chấp nhận việc con thất bại trong học đường như thi trượt, bị điểm kém vì họ nghĩ rằng việc thất bại này sẽ ảnh hưởng đến sự thành công sau này của con. Thế nên, họ tìm mọi cách, tạo mọi điều kiện để con không bị trượt ở những kỳ thi quan trọng như thi vào 10, thi ĐH, thi học sinh giỏi....
Thế nhưng, Giáo sư Trương Nguyện Thành đã có cách dạy con rất khác, là tạo cơ hội cho con thất bại. Clip chia sẻ dạy con thất bại của GS Trương Nguyện Thành được chia sẻ rộng rãi trên mạng những ngày gần đây.
Khác với các cha mẹ thường thất vọng, buồn bã, la rầy, trừng phạt con khi thi rớt, bị điểm kém, phản ứng của GS Trương Nguyện Thành thì ngược lại. Ông bảo: “Tôi rất vui khi con tôi thất bại ở trường học. Nếu con tôi không thất bại thì tôi tạo cơ hội cho con tôi thất bại, để con tôi có cơ hội học bài học kinh nghiệm, đó là kháng bại. Kháng bại là khả năng đối diện với thất bại, học bài học kinh nghiệm để làm lại, từ đó đạt được mục tiêu cho bản thân”.
GS Trương Nguyện Thành giải thích: Trong cuộc sống, thất bại là chuyện thường tình. Nếu bạn không thất bại ở việc này thì bạn thất bại ở việc khác. Bạn bè tôi rất thông minh, nổi tiếng là những nhà khoa học nhưng thất bại trong cuộc sống gia đình, chất lượng cuộc sống không tốt. Có những người học rất giỏi nhưng làm thí nghiệm thất bại, không vượt qua được thất bại để đạt mục tiêu của mình và đã không trở thành Tiến sĩ.
Nói về con trai mình, GS Trương Nguyện Thành cho biết, học xong THCS, lực học của con ông vào loại giỏi và cháu luôn tự tin sẽ học xong chương trình THPT trong thời gian 1,5 năm. "Con trai đã xin phép tôi để theo học chương trình THPT sáng tạo với 50% trực tuyến và 50% ở trường. Con chứng minh trong 2 học kỳ có khả năng học xong lớp 10 và lớp 11 với hạng giỏi. Với các phụ huynh khác, họ có thể rất tự hào, vui mừng vì con của mình học giỏi, tự tin. Nhưng tôi có chút lo lắng. Tôi nghĩ, mình phải thiết kế làm sao để con trai học được bài học thất bại. Tôi quyết định cho con theo học chương trình phổ thông quốc tế IB. Trước đó, tôi nói chuyện với cô giám đốc của chương trình rằng tôi rất muốn con tôi thất bại và đề nghị cô giúp đỡ. Cô rất ngạc nhiên vì chưa từng thấy một phụ huynh nào đề nghị điều đó. Sau khi nghe tôi giải thích, cô giáo để đồng ý và sắp xếp con trai tôi vào những lớp có giảng viên rất khó, thậm chí còn "đì" con trai tôi cho bằng được".
GS Trương Nguyện Thành cho biết, sau kỳ học đầu tiên, con trai ông đã bị 4 điểm C đầu tiên trong đời. Cậu con trai thất vọng, than phiền, khóc lóc với ba rằng lớp học không công bằng, chương trình lại quá khó và đòi chuyển trường bởi cô giáo yêu cầu cậu phải làm bài tập hoàn hảo trong khi dễ dãi với các bạn khác. Cậu muốn ra khỏi chương trình này vì thấy thầy cô rất bất công với mình.
Tỏ ra lắng nghe ý kiến của con song GS Thành đã bí mật gặp cô giám đốc để "trao đổi", trước khi đưa con đến gặp cô. Khi 2 bố con đến gặp cô giám đốc, GS nói: “Con tôi nghĩ khả năng của mình không đủ để học chương trình khó như thế này. Con tôi muốn xin ra khỏi chương trình”... Và để đáp lại nguyện vọng của con trai GS, cô giám đốc đã phân tích, giải thích rất hợp lý về những lý do mà cậu bé không thể ra khỏi trường.
Khi ra về, mặt cậu con trai bí xị, còn GS Trương Nguyện Thành cảm thấy vui nhưng cố tỏ ra chia sẻ. Ông bảo với con: “Bố không buồn hay trách con vì chỉ đạt điểm C. Trái lại, điều bố cho là quan trọng, đó là cách con nỗ lực, vượt qua khó khăn để biến 4 điểm C đó thành 4 điểm A và biến trải nghiệm này thành kinh nghiệm trong cuộc sống. Bố nghĩ rằng, học kỳ sau con biến 2 điểm C thành 2 điểm B và kỳ sau nữa thì biến thành 2 điểm A".
Trước sự khích lệ của bố, cậu bé đã suy nghĩ và khẳng định rằng mình làm được điều đó. Vậy là cậu đã lên kế hoạch học tập và khi ra trường với bằng loại giỏi. Học kỳ cuối cùng của con là 4 điểm A.
“Sau này khi vào đại học, con tôi ứng dụng bài học này vào việc học và học rất tiến bộ. Điều quan trọng là con trai tôi nhận thức được thất bại là gì và học được cách vượt qua nó. Chia sẻ với bạn bè, cậu nói, đối với cậu, thất bại chỉ là bài học kinh nghiệm. Đương nhiên, nó đem lại cho chúng ta cảm xúc không vui nhưng chúng ta phải vượt qua cảm xúc không vui đó một cách nhanh chóng và lên kế hoạch làm sao để mình làm lại và học tập tốt hơn để đạt được mục tiêu đó”, GS Thành chia sẻ.