3 giai đoạn ôn tập
Dù muốn hay không, Ngữ văn luôn là môn thi bắt buộc trong mọi kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi quan trọng THPT Quốc gia sắp tới. Với gần 15 năm kinh nghiệm giảng dạy và được nhiều thế hệ học trò tín nhiệm, cô Thu Phương tư vấn cách ôn thi hiệu quả bộ môn này cho sĩ tử. Đó là sử dụng mindmap (sơ đồ tư duy).
Từ 2015, cấu trúc bài thi Ngữ văn thay đổi gồm 2 phần: Phần đọc hiểu văn bản chiếm 3 điểm; Phần làm văn chiếm 7 điểm, trong đó có một câu hỏi nghị luận xã hội 3 điểm và một câu nghị luận văn học 4 điểm.
Theo cô giáo Thu Phương, yêu cầu cấu trúc bài thi mới đòi hỏi nội dung ôn tập phủ rộng. Trong khi chỉ còn hơn 3 tháng diễn ra kỳ thi, sĩ tử hãy tìm cách hệ thống lại kiến thức bằng mindmap để có cách nhớ kiến thức một cách hệ thống, logic.
“Quá trình ôn luyện sẽ gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là học kiến thức mới, học đâu chắc đấy, tích lũy kiến thức cả ở bề rộng và chiều sâu để xây dựng kiến thức nền tảng. Giai đoạn 2 kết hợp học và luyện đề.
Từ tháng 3 trở đi là giai đoạn 3 của chặng đường, các em tổng ôn toàn bộ kiến thức, tiếp tục luyện đề. Đây là bước không thể bỏ qua. Hãy rà soát toàn bộ kiến thức và kỹ năng bằng cách làm đề hoàn chỉnh, 2 đề/tuần”, cô Thu Phương đưa ra lời khuyên.
Sơ đồ hóa nội dung
Nữ giáo viên chia sẻ, kiến thức môn Văn được sắp xếp thành hệ thống rất rõ ràng. Để ghi nhớ, thí sinh nên học theo phương pháp sơ đồ tư duy, tức là sơ đồ hóa nội dung bài học, sử dụng các “từ khóa” một cách ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu nhất.
Mô phỏng sơ đồ tư duy môn Ngữ văn của thầy giáo Trịnh Văn Quỳnh. |
Trên cơ sở đó, các em không chỉ nắm bắt đầy đủ tất cả khía cạnh của vấn đề, đi sâu vào từng vấn đề mà còn nhận thấy mối quan hệ giữa các vấn đề.
Thí sinh cũng cần hình thành tư duy so sánh, đây là phương pháp quan trọng. Khi học phần Văn, các em cần xâu chuỗi kiến thức, có sự khái quát, tổng hợp về các tác phẩm theo chủ đề, tìm ra điểm giống và khác nhau.
Như vậy, kiến thức sẽ được khắc sâu. Đặc biệt, khi gặp kiểu bài so sánh các em sẽ không lúng túng, bỡ ngỡ.
Một số “mẹo” làm bài
Cô Thu Phương đưa ra một số cách làm bài để đạt điểm tối đa với môn Ngữ văn như sau:
- Để bài thi chiếm được cảm tình của người chấm, thí sinh cần trình bày thật sạch sẽ, tránh gạch xóa, chữ viết to, rõ ràng, dễ đọc.
- Phần đọc hiểu các em trả lời ngắn gọn, súc tích, hỏi gì đáp nấy, tránh lan man, dài dòng gây mất thời gian và không được thêm điểm. Phần này chỉ làm tối đa trong vòng 30 phút.
- Phần làm văn, bài viết phải đảm bảo bố cục 3 phần: Mở bài, thân bài và kết bài; chia luận điểm, tách đoạn văn rõ ràng, chú ý sự liên kết giữa các ý, các đoạn. Thí sinh nên viết đoạn văn theo kiểu diễn dịch, câu chủ đề ở đầu đoạn văn để tiện cho người chấm khi đọc và tìm nội dung của bài văn.
- Trước khi viết, các em phân tích đề thật kỹ, bởi nếu xác định sai kiểu bài, sai vấn đề cần nghị luận, sẽ bị trừ điểm rất nặng, thậm chí không có điểm. Sau đó, hãy lập dàn ý cho bài văn, đừng bỏ qua bước này để không bị thiếu ý, lặp ý.
“Mỗi kiểu bài có phương pháp làm bài riêng. Trong quá trình học, các em phải tìm ra phương pháp đó để bài làm đạt kết quả cao. Câu hỏi nghị luận xã hội nên viết tối đa trong khoảng 50 phút. Thời gian còn lại dành cho câu nghị luận văn học và việc soát bài, sửa lỗi”, nữ giáo viên căn dặn.
Sĩ tử có thể tham khảo cách ôn tập bằng sơ đồ tư duy của thầy giáo Trương Minh Đức (giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM), hoặc tìm mua bộ sách "Đột phá mindmap bằng tư duy đọc hiểu môn Ngữ văn" của thầy giáo Trịnh Văn Quỳnh đang được nhiều sĩ tử yêu thích. |