pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giàu thế nào được nếu cứ mãi làm thuê?
“Mình từng nghe một câu nói từ sếp cũ khoảng năm 2014 thế này: “Làm thuê không có nghĩa là cả đời không thể giàu được. Cái quan trọng ở đây không phải là em làm gì, mà là cách em quản lý tiền bạc của mình. Giàu có, đạt được tự do tài chính không nhất thiết là phải làm chủ - kinh doanh, mà là biến những đồng tiền em làm được để nó tự cày tiền cho em.”
Nghe qua thì quả thực là triết lý. Nhưng khi nói câu này với người có mức lương khởi điểm lúc nhận việc khoảng 6,5 triệu đồng - là mình, thì lại chẳng đáng tin tưởng lắm.” Vũ Văn Vân (30 tuổi, Hà Nội), hiện tại đang làm quản lý vốn của một công ty điện. Ngoài ra, với sở thích chia sẻ, Vũ Vân đã xây dựng 1 vài blog viết về câu chuyện khởi nghiệp và kinh nghiệm sống của mình. Vân cho biết: “Có rất nhiều bài học trong câu chuyện quản lý tài chính, mình muốn kể, muốn viết ra, để mang đến phần giá trị nhỏ nào đó cho cộng đồng. Vì quả thực, số tiền mình từng mất cho sự dại khờ của tuổi trẻ, quá nhiều.”
Suy nghĩ làm chủ thì mới giàu: Liệu có đúng?
Chắc hẳn ai từng đi làm công ăn lương, bỏ sức làm thuê để kiếm lại từng đồng lương mỗi cuối tháng, đều sẽ nhen nhóm ý nghĩ “mai sau làm chủ”. Hoặc có những người không. Nhưng đa phần những người bạn của mình, họ đều có suy nghĩ đó. Ngay cả mình cũng vậy. Lúc 22 tuổi, là sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, mình cũng có suy nghĩ non nớt: “Ráng làm thuê vài năm lấy kinh nghiệm, tích chút vốn, rồi phải ra làm riêng mới được. Chứ làm thuê mãi thế này làm sao mà giàu?”
Sau 2 năm đi làm thuê, mình cưới vợ. Đầu năm 2016, mình và vợ gom vốn rồi cùng nhau mở 1 quán nước nhỏ và 1 cửa hàng bán bánh handmade (bánh tự tay vợ mình làm) tại Hà Nội. Cảm xúc từ khi bắt đầu gom vốn, đến khi xem mặt bằng, chốt quán, lên ý tưởng thiết kế, thử nghiệm chất lượng sản phẩm, rồi đưa vào hoạt động là điều tuyệt vời nhất mình từng trải qua. Ngày đấy còn trẻ, nên cứ nghĩ rằng chỉ cần sản phẩm chất lượng là sẽ được khách hàng đón nhận, cứ chăm chỉ là được.
Từ một người làm thuê 8 tiếng 1 ngày rồi về, đến bây giờ 2 vợ chồng kiêm luôn cả chủ nhật chẳng có giờ nghỉ ngơi. Thế mà sau 6 tháng hoạt động, vẫn chưa có lãi. Bắt đầu khi này, mình cảm thấy kiệt sức dần, và tình hình tài chính để duy trì 2 quán cũng không còn ổn định nữa. Những ngày thức thâu đêm suốt sáng để nghiên cứu làm sao để có lãi, nhìn vợ mình cũng thức khuya dậy sớm mà thấy thương. Mình tự đặt ra câu hỏi: “Có thật làm chủ mới có thể giàu hay không?”. So với việc làm chủ, thì ngồi bàn làm thuê 8 tiếng rồi về, cuối tháng nhận lương, chỉ cần biết kiểm soát chi tiêu thì cuối tháng cũng có dư.
Quả thực, mình 24 tuổi khi có cảm thấy lo lắng, hoang mang về con đường sắp tới rất nhiều: Tiền đâu để duy trì 2 quán, tiền đâu để lo cho cuộc sống hàng ngày? Nếu khi đó, áp lực về tài chính là một, thì áp lực về định hướng công việc sắp tới phải là gấp hai, ba lần. Nhìn bạn bè xung quanh, đi làm thuê bắt đầu có thành tựu, lương hàng chục triệu, có bạn còn lên quản lý, mình chẳng còn tự tin như những ngày đầu mới mở quán.
Khi này, câu nói của sếp cũ lắng lại trong mình. Không còn sự băn khoăn giống lúc lương 6,5 triệu ngồi nghe nữa. Mình bắt đầu thấm hơn về câu nói đó. Và hiểu được, tại sao bạn bè đi làm thuê, tiền lương có hạn như thế mà cuộc sống vẫn ổn. Trong khi mình làm chủ, mà “tiền lương” hàng tháng thậm chí còn chẳng đủ sống.
Thứ mình thiếu lúc đó, không chỉ là tiền, mà còn là cách quản lý dòng tiền. Mình bắt đầu nghiên cứu về việc “biến những đồng tiền mình làm được để tự cày tiền cho mình”. Để làm được điều đó, dù bận việc ở 2 quán, mình vẫn thu xếp được 2 tiếng 1 ngày để học thêm về tư duy làm quảng cáo, tiếp thị, các phương pháp quản lý tiền, đầu tư, tài sản, vốn. Tất cả những gì có thể mang lại lợi nhuận cho quán, mình đều học. Và tận dụng những mối quan hệ chất lượng xung quanh, mình nhận lại vô số bài học. Có cái là từ kinh nghiệm của mình, có cái là từ kinh nghiệm của người khác và mình “học lại”.
Dù làm chủ hay làm thuê, cũng đều có thể “tự do tài chính”
Bắt đầu từ tư duy làm chủ - làm thuê. Nếu như trước đây, mình nghĩ rằng làm thuê thì cả đời mãi nghèo. Thì bây giờ, mình đúng là có suy nghĩ như sếp cũ: Mình chỉ nghèo khi không quản lý được số tiền cầm trong tay. Như trường hợp của mình, cầm trong tay vài trăm triệu khởi nghiệp cũng mất trắng sau vài tháng. Hoặc như bạn mình, đi làm thuê 2 năm bắt đầu có vốn trong tay, thậm chí còn có đủ bảo hiểm, tiền tiết kiệm lẫn đầu tư. Tại sao không?
Luôn giữ lại ít nhất 10% tổng thu nhập mỗi tháng
Đối với người thu nhập trăm triệu/tháng, việc giữ lại 10% tổng thu nhập rất dễ. Nhưng với người thu nhập 8-10 triệu/tháng, thì 10% thu nhập cũng cần đắn đo suy nghĩ trong chuyện chi tiêu. Còn với mình, lương do bản thân tự trả, thì hay nhập nhằng khoản này lắm. Tiền tiết kiệm và vốn gần như là 1, vì trước đó mình không quan tâm chuyện phân rõ từng khoản mục ra, cứ dư đồng nào thì được coi là vốn đồng đó.
Vậy nên, khi đọc được tầm quan trọng của việc phân bổ nguồn tiền, mình bắt đầu với con số 10%. Đây là khoản tiền chỉ được tăng, không được giảm. Khi nguồn thu của bạn hạn chế, hãy bắt đầu với mức thấp nhất là 10%, sau đó tăng dần theo khả năng có thể “cầm cố” được. Đây là khoản tiền được đưa vào tài khoản “Tiết kiệm để đầu tư”.
Tiết kiệm để đầu tư
“Nếu không để tiền tự đẻ ra tiền, chúng ta sẽ phải làm cả đời”. Đây là 1 câu nói mình cực kỳ tâm đắc. Ngay cả khi làm chủ, mình cũng phải tự thân cày cuốc còn hơn cả đi làm thuê. Nếu không có đủ vốn thuê nhân sự, đôi lúc mình còn tự gánh mọi việc trong quán. Những lúc mình hì hục làm như thế, tiền cũng đâu thể tự đẻ ra tiền. Càng tốn thời gian, càng mất tiền, vì lúc đấy mình chẳng có khoản tiền nào đang đầu tư. Tất cả số tiền khi đó mình đều đổ vào quán, nên khi xoay vốn rất khó, chỉ có cách vay bạn bè hoặc ngân hàng.
Sau này, mình chấp nhận bỏ đi 1 quán, chỉ tập trung vào quán còn lại. Phần vì cạn vốn, phần vì mình muốn có dòng tiền thụ động. Quán ngừng hoạt động kia mình cho thuê lại mặt bằng với giá chênh lệch để vẫn có nguồn thu hàng tháng.
Ngoài ra, với “ít nhất 10%” hàng tháng kia, mình đầu tư vào một số loại cổ phiếu có lãi suất cao hơn ngân hàng là được, giao động khoảng 10-12%/năm. Và mình lựa chọn đầu tư lâu dài chứ không đầu cơ, đây cũng là khoản vốn mình nhen nhóm cho các dự án cá nhân sau này. Số tiền này thậm chí còn ổn định hơn nếu bạn là người làm thuê cuối tháng lĩnh lương. Trừ đi các chi phí chi tiêu hàng tháng, chắc chắn bạn vẫn sẽ tiết kiệm được số tiền nhất định.
Như mình chia sẻ, hãy bắt đầu với 10% và tăng dần theo khả năng. Một vài người bạn làm thuê của mình làm việc này thực sự rất tốt. Tài khoản đầu tư của họ thậm chí đã vượt qua mình rất nhiều, vì có sự chuẩn bị từ rất sớm.
Gia tăng nguồn thu chính - phụ
Khoảng thời gian áp dụng các hình thức chạy quảng cáo, biết tiếp thị, đưa sản phẩm đến gần khách hàng hơn, trộm vía quán mình đã bắt đầu có lãi, mặc dù còn hạn chế. Mất gần 1 năm rưỡi, mình mới có doanh thu chạm dự kiến và mọi việc dần đi đúng quỹ đạo. Vợ thay mình quản lý hầu hết hoạt động của quán.
Khi này, mình quay trở lại làm thuê. Không phải vì tư duy làm chủ mệt, mà vì mình muốn kiếm thêm tiền, và duy trì 1 nguồn thu thực sự ổn định cho gia đình nhỏ. Đến thời điểm hiện tại, mình cũng đã làm thuê được 5 năm, phụ vợ quản lý tài chính của quán, và có thêm công việc viết lách làm đam mê. Vừa làm chủ, vừa làm thuê cũng khá tuyệt đấy chứ. Cảm giác này đến từ sự an toàn tài chính, vì dù mình có nghỉ việc công ty, vẫn có nguồn thu duy trì cuộc sống gia đình. Hay xui rủi mà doanh thu quán không ổn định, thì lại có tiền từ việc làm công ăn lương, đầu tư bù lại. Vậy nên, làm chủ hay làm thuê khi này với mình chẳng còn quan trọng nữa.
Đa dạng hóa tài sản
Kể từ khi biết rõ hơn về quản lý tiền bạc, “tài sản” là cụm từ mình nhấn mạnh nhất trong tài chính gia đình. Mình luôn luôn đầu tư vào tài sản, chứ không phải tiêu sản. Tài sản với mình, là thứ giúp mình ổn định trong tương lai, giúp tiền đẻ ra tiền mà không cần có sự tham gia của “công sức”.
Tính đến thời điểm hiện tại, mình bỏ 80% khoản tiền đầu tư vào các danh mục mình gọi là tài sản như: Vàng, bảo hiểm, quán nước, và đất đai. 20% còn lại, mình dành để đầu tư các danh mục có rủi ro cao hơn.
Sự kiên trì
Cuối cùng, là điều quan trọng nhất với mình: Sự kiên trì. Mỗi lần sắp đứng bên bờ vực bỏ cuộc, mình luôn nghĩ trong đầu: “Cố thêm chút nữa, nếu không được thì mình tìm cách khác”. Sự bền bỉ, lì đòn đó đã khiến mình “xây xước” rất nhiều trên con đường kiếm tiền. Nhưng thứ nhận lại quả thực đáng giá. Nếu kinh doanh riêng, chỉ cần kiên trì đến khi đối thủ mệt mỏi, nếu làm công ăn lương, hãy kiên trì đến khi sếp công nhận khả năng rồi tăng lương hoặc thăng chức cho bạn. Đấy là những cách giúp mình làm chủ được tài chính, dù làm chủ hay làm thuê.