Gieo mạch sống cho làn điệu Then

Bài và ảnh: An Khê
28/07/2025 - 16:49
Gieo mạch sống cho làn điệu Then

Các thành viên CLB hát Then thôn Mỏ Xẻ, xã Trường Sơn, tỉnh Bắc Ninh

Trong hành trình gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, những làn điệu Then - đàn Tính nơi vùng đất Trường Sơn, Bắc Ninh vẫn âm thầm vang lên, như một mạch nguồn bền bỉ giữa đời sống hiện đại đầy sôi động. Khi nhiều người trẻ ngày càng rời xa những làn điệu dân tộc, vẫn có những người phụ nữ cần mẫn thắp sáng ngọn lửa âm nhạc truyền thống, bằng niềm say mê và trách nhiệm với cội nguồn.

Ánh lửa nhỏ giữa bản làng

Hát Then - Đàn Tính là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, gắn liền với đời sống văn hóa, tín ngưỡng của các dân tộc Tày, Nùng, Thái... từ bao đời nay. Tiếng đàn tính ngân vang từ núi rừng vọng lại, quyện hòa cùng lời Then dịu dàng, sâu lắng khi là lời ru con ngủ, khi là lời tiễn người đi, có lúc lại là khúc ca cầu mùa, gửi gắm niềm tin vào mạch nguồn trời đất.

Gieo mạch sống cho làn điệu Then- Ảnh 1.

Các chị em tham gia CLB rất vui và tự nguyện cống hiến

Hát Then không chỉ là một loại hình biểu diễn mà còn là di sản truyền đời, chắt lọc tri thức dân gian và tâm hồn cộng đồng. Trong dòng chảy hiện đại, nghệ thuật Then- Tính vẫn được những người con vùng cao nâng niu gìn giữ. Từ mái nhà sàn nhỏ, tiếng đàn tiếng hát vang lên mỗi chiều cuối tuần. Đó không chỉ là tiếng vọng quá khứ, mà còn là nhịp sống mới đang cựa mình thức dậy trên vùng quê văn hóa.

Gieo mạch sống cho làn điệu Then- Ảnh 2.

Bà Vi Thu Ba - Phó Chủ nhiệm CLB

Được thành lập từ ngày 28/8/2019, Câu lạc bộ (CLB) hát Then thôn Mỏ Sẻ, xã Trường Sơn khởi đầu chỉ với 15 thành viên. Nhưng đến nay, con số ấy đã tăng lên 34 hội viên, thường xuyên sinh hoạt vào chủ nhật hàng tuần. Từ những buổi luyện tập say sưa, họ lại cùng nhau đi giao lưu văn nghệ với các đơn vị bạn trong và ngoài huyện, thậm chí cả ở những tỉnh lân cận.

"Chúng tôi có con, có cháu thì tự dạy tại nhà. Đứa nào thích thì theo, đứa nào không thích thì mình lại kiên trì. Có lúc đi biểu diễn mà thiếu người, phải rủ cả cháu nội đi cùng", bà Vi Thu Ba, người dân tộc Tày - Phó Chủ nhiệm CLB kể lại, mắt ánh lên nụ cười vừa tự hào vừa lo lắng.

Câu chuyện gìn giữ văn hóa chưa bao giờ dễ dàng. Hội viên không còn trẻ, đi lại khó khăn, lại ở cách xa địa điểm sinh hoạt. Người trẻ thì bận bịu với công việc mưu sinh, chỉ có thể tham gia vào buổi tối, sau giờ làm việc. Việc truyền dạy lại cho thế hệ sau cũng không hề đơn giản.

"Lớp trẻ bây giờ là không biết nói tiếng dân tộc nên việc truyền dạy gặp nhiều khó khăn, CLB đề nghị Phòng văn hóa mở lớp tiếng Tày cho trẻ em dân tộc thiểu số nhưng chưa được phê duyệt. Muốn hát thì phải biết tiếng mới giữ được nét đẹp của dân tộc mình" - bà Ba nói.

"Nhiều cháu chưa biết tiếng dân tộc mình. Có đứa còn không hiểu thầy cô đang hát gì. Một số thì không mặn mà với nghệ thuật dân gian. Không có kinh phí thuê giáo viên dạy đàn, chúng tôi phải vừa học vừa truyền tay nhau từng nhịp phách"- bà Ba bộc bạch thêm.

Dẫu vậy, mỗi lần lên sân khấu, nhìn các cháu nhỏ mặc trang phục dân tộc, e ấp múa theo tiếng đàn tính, mọi người như được tiếp thêm động lực. Đã có những buổi biểu diễn thành công ngoài mong đợi. Những tràng pháo tay và ánh mắt xúc động của khán giả khiến những người phụ nữ bình dị ấy thấy nỗ lực của mình không vô ích.

Cần một điểm tựa bền vững

Câu lạc bộ hoạt động hoàn toàn tự chủ, không có nguồn tài chính ổn định. Các tổ chức chính trị ở địa phương vẫn còn phó mặc, chưa thực sự quan tâm. "Chúng tôi mong các cấp xã, thôn có thể hỗ trợ một phần kinh phí để mở lớp dạy hát, dạy đàn. Chúng tôi không đòi hỏi nhiều, chỉ cần một không gian đủ sáng, đủ rộng và một ít dụng cụ cơ bản", bà Ba cùng các thành viên CLB bày tỏ.

Gieo mạch sống cho làn điệu Then- Ảnh 3.

Các thành viên có những buổi tập cố định hàng tuần

May mắn là bên cạnh khó khăn, vẫn có những điểm tựa. Trung tâm Văn hóa huyện Lục Nam (cũ) thời gian qua đã hỗ trợ vật chất, thiết bị công nghệ và cử người đến hướng dẫn, động viên CLB. Sự đồng hành ấy đã tiếp thêm hy vọng để CLB hát Then thôn Mỏ Sẻ tiếp tục phát triển.

Chia sẻ thêm về công tác bảo tồn văn hóa tại địa phương, bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Trưởng phòng Văn hóa xã Trường Sơn cho biết: "Chúng tôi luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ văn nghệ quần chúng, lấy phụ nữ làm nòng cốt. Các lớp tập huấn, liên hoan, hội diễn được tổ chức đều đặn để khơi dậy tình yêu văn hóa dân gian trong nhân dân".

Theo bà Hiền, việc bảo tồn không thể chỉ dừng lại ở các cuộc thi. Quan trọng hơn là làm sao để nghệ thuật dân gian trở thành một phần trong đời sống thường nhật của người dân. "Các câu lạc bộ nghệ thuật dân gian như Hát Then - Đàn Tính đóng vai trò then chốt trong việc duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây chính là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa và phát triển kinh tế, du lịch địa phương".

Gieo mạch sống cho làn điệu Then- Ảnh 4.

Những người phụ nữ ở thôn Mỏ Sẻ không cần danh hiệu, cũng chẳng màng kinh phí, họ chỉ cần có nơi để hát, có người để nghe, làn điệu Then sẽ còn ngân mãi

Tuy vậy, bà Hiền cũng thừa nhận rằng vẫn còn nhiều thách thức trong việc tiếp cận các đối tượng trẻ. "Một số bạn trẻ chưa nhận thức được giá trị của văn hóa truyền thống. Việc truyền dạy cần sự kiên trì, linh hoạt và sáng tạo hơn. Chúng tôi đang cân nhắc xây dựng các sản phẩm truyền thông số để đưa hát Then - đàn Tính đến gần hơn với giới trẻ".

Hành trình gìn giữ di sản luôn cần nhiều hơn những tấm lòng tự nguyện. Như những người phụ nữ ở thôn Mỏ Sẻ - họ không cần danh hiệu, cũng chẳng màng kinh phí. Chỉ cần có nơi để hát, có người để nghe, làn điệu Then sẽ còn ngân mãi. Nhưng để mạch nguồn ấy không lụi tắt giữa dòng chảy hiện đại, vẫn cần lắm những bàn tay chung sức từ cấp ủy, chính quyền, đến mỗi người dân trong cộng đồng.

Gieo mạch sống cho làn điệu Then

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm