Gìn giữ nét đẹp văn hóa Sình ca

An Khê
31/05/2024 - 14:41
Gìn giữ nét đẹp văn hóa Sình ca

Chị Hoàng Thị Mùi (bên phải), Chi hội trưởng phụ nữ Thôn Ván A, Chủ nhiệm CLB Hát Sình

Trong kho tàng văn hóa phong phú của dân tộc Cao Lan, Sình ca chính là niềm tự hào, nét hồn cốt mang đậm đà bản sắc dân tộc. Ở xã Phú Nhuận, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, nhiều đồng bào đã chung tay giữ gìn và phát triển khúc hát dân gian đặc biệt này.

Câu lạc bộ (CLB) Hát Sình ca ở xã Phú Nhuận ra đời cách đây đã 16 năm, đó là quãng thời gian dài gần 2 thập kỷ, những nghệ nhân, những người yêu Sình ca kiên trì gìn giữ giai điệu đẹp của người Cao Lan. Khi mới thành lập, CLB ban đầu chỉ có 15 thành viên, đến nay đang duy trì 32 thành viên tham gia hoạt động.

Gìn giữ nét đẹp văn hóa Sình ca- Ảnh 1.

Nghệ nhân Nịnh Văn Phấu (bên phải) và các hội viên CLB

Chị Hoàng Thị Mùi, Chi hội trưởng phụ nữ Thôn Ván A và là Chủ nhiệm CLB Hát Sình ca cho biết, các thành viên đến với CLB phải hoạt động lâu dài, hiểu được điệu hát cũng phải hiểu được văn hóa của Sình ca. Ví như nghệ nhân Nịnh Văn Phấu (sinh năm 1947) là người am hiểu Sình ca, có thể truyền dạy Sình ca cổ cho lớp lứa sau này và còn ghi chép, sáng tác Sình ca. CLB còn có em Lý Hồng Giang (sinh năm 2007) là người nhỏ tuổi nhất chứng minh niềm yêu thích với nét đẹp văn hóa này.

Theo chị Mùi, CLB được thành lập và phát triển đến nay là do lớp người đi trước sợ con cháu sau này không còn biết nói tiếng dân tộc. Qua Sình ca, có thể giúp người trẻ nói tiếng của dân tộc mình. Cũng qua những buổi sinh hoạt tại Nhà văn hóa thôn, lớp trẻ được hát, được dạy Sình ca để phục vụ biểu diễn và các lễ hội. Qua đó, dần thẩm thấu văn hóa truyền thống từ ngôn ngữ của dân tộc Cao Lan.

Gìn giữ nét đẹp văn hóa Sình ca- Ảnh 2.

CLB Hát Sình ca biểu diễn trong chương trình của Hội LHPN xã

"Lễ hội đình làng hàng năm tổ chức vào ngày 16/2 âm lịch, giao lưu với các thôn, xã lân cận như thôn Khe Táu, huyện Sơn Động và các thôn tại xã Đèo, huyện Lục Ngạn. Trong lễ hội, các CLB sẽ tham gia biểu diễn múa và hát đối đáp, hát giao duyên, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương. Nhiều điệu Sình ca hiện nay do nghệ nhân Nịnh Văn Phấu sưu tầm chép lai và sáng tác bằng tiếng dân tộc Cao Lan", chị Mùi chia sẻ.

Gìn giữ nét đẹp văn hóa Sình ca- Ảnh 3.

Những điệu Sình từ xa xưa đã gắn bó mật thiết trong đời sống của người Cao Lan

Sình ca là lối hát đối, hát giao duyên giữa nam và nữ, hay tốp nam và tốp nữ. Người Cao Lan hát Sình trong nhiều dịp như đám cưới, ngày lễ Tết, hát ru con. Sình ca có vị trí quan trọng trong văn hoá người dân tộc Cao Lan. Điệu Sình thể hiện những khát vọng về cuộc sống hạnh phúc. Sâu xa hơn, Sình ca mang giá trị nhân văn sâu sắc, phản ánh chân thực cuộc sống hiện tại và một phần về thế giới tâm linh của người Cao Lan.

Sình ca mang những nét nhân văn vô cùng sâu sắc. Đây là một trường ca rất đặc biệt, đồng thời là nét đặc trưng, riêng có của người dân Cao Lan. Những điệu Sình từ xa xưa đã gắn bó mật thiết trong đời sống của người Cao Lan.

Đi cùng giai điệu còn có trang phục hát Sình ca, đó là những trang phục của dân tộc Cao Lan rất duyên dáng, gồm áo, váy, đôi vải thắt lưng, có màu xanh, màu đỏ. Người mặc phải vấn đầu, vòng bạc đeo cổ, khăn quấn chân - hay còn gọi là xà cạp. Hát Sình ca cũng cần phải có những nhạc cụ nhất định, như sáo, nhị, đặc biệt là trống sành. Qua những làn điệu dân ca này, người Cao Lan gửi gắm những tâm tư, tình cảm với nhau, những ước mơ, nguyện vọng của người lao động với thiên nhiên.

Gìn giữ nét đẹp văn hóa Sình ca- Ảnh 4.

Đi cùng giai điệu còn có trang phục hát Sình ca, đó là những trang phục của dân tộc Cao Lan rất duyên dáng, gồm áo, váy, đôi vải thắt lưng, có màu xanh, màu đỏ

Chị Mùi cũng cho hay, để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, nhiều xã có đồng bào Cao Lan sinh sống đã thành lập các CLB văn hóa, văn nghệ. Không chỉ biểu diễn vào dịp lễ, tết, các CLB còn truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ cũng như truyền nghề làm trang phục truyền thống cho lớp trẻ. Nhờ vậy, mà bản sắc văn hóa của người Cao Lan đã và đang được lưu giữ, phát triển trong cộng đồng.

Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát triển văn hóa Sình ca cũng còn gặp nhiều khó khăn, như việc vận động lớp trẻ tham gia vào CLB rất khó. Một số trẻ em không muốn nói và học tiếng dân tộc Cao Lan. Một số khác lại từ chối tham gia do không muốn biểu diễn trước đông người. Kinh phí hoạt động của CLB còn hạn hẹp và còn nhiều lý do khác nhau, nên số lượng người trẻ tham gia còn hạn chế.

Nói lên tiếng lòng của mình cùng các nghệ nhân hát Sình, chị Hoàng Thị Mùi mong mỏi điệu Sình sẽ được lan tỏa rộng rãi hơn nhờ các chính sách đào tạo chính quy tại địa phương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm