Gìn giữ nghề gốm truyền thống của người Ba Na

Chí Bình
09/07/2025 - 12:20
Gìn giữ nghề gốm truyền thống của người Ba Na

NNƯT Y Ber bên những sản phẩm gốm được trưng bày tại nhà

Mặc dù tuổi đã cao, đôi tay không còn khỏe mạnh nhưng Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Y Ber (dân tộc Ba Na) ở làng Kon Săm Lũ (xã Đăk Tờ Re, tỉnh Kon Tum cũ, nay thuộc xã Kon Braih, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn cần mẫn giữ nghề làm gốm truyền thống của người Ba Na.

Theo chia sẻ của NNƯT Y Ber, nghề làm gốm của người Ba Na có từ lâu đời, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bản thân bà cũng học nghề làm gốm từ mẹ mình vào năm 18 tuổi. Đến nay, bà Y Ber đã có thâm niên hơn 50 năm theo nghề làm gốm. 

Để hoàn thiện sản phẩm, người làm phải trải qua nhiều công đoạn, lặp đi lặp lại nhiều khâu và cần sự tỉ mỉ. Sau khi nhào đất, nặn xong, người làm gốm sẽ phơi khô, mài nhẵn, hơ lửa cho cứng lại rồi mới đem nung. 

Đặc điểm của gốm Ba Na là dùng nước của rễ cây T'nưng quệt lên, tạo màu đen bóng đặc trưng và tăng độ bền.

Cách làm gốm truyền thống của người Ba Na ở làng Kon Săm Lũ khác với cách làm gốm của các dân tộc khác, đó là không dùng bàn xoay nên đòi hỏi nhiều thời gian, công sức hơn. Người làm gốm sử dụng những vật dụng đơn giản như cối, tấm phên, hòn đá, vòng tre, mảnh vải ướt để chế tác sản phẩm. 

Đất sét được lấy trong tự nhiên, phơi khô, giã nát rồi chọn phần đất mịn để nhào nặn. Chính bởi quy trình thủ công tỉ mỉ đã tạo ra sản phẩm mộc mạc, mang đậm bản sắc văn hóa của người Ba Na.

NNƯT Y Ber cho hay, những sản phẩm gốm mà bà làm ra đều là những vật dụng gắn liền với đời sống sinh hoạt hằng ngày của người Ba Na. Trong quá trình nặn đất sét để chế tác, bà dùng một tấm phên đặt trên cái cối to, đất sét được đặt cố định trên tấm phên để tạo hình. 

Sau đó, bà dùng hai tay, một tay cố định đất sét, tay kia sẽ tạo hình theo nhịp bước chân đi vòng tròn. Trong quá trình nặn, bà dùng thêm tấm vải ướt để vuốt nhẹ lên vật nặn để tiếp nước, giữ độ dẻo, láng cho bề mặt. Quá trình lặp lại liên tục đến khi thành sản phẩm.

Gìn giữ nghề gốm truyền thống của người Ba Na- Ảnh 1.

Nghệ nhân Y Ber là người duy nhất ở làng Kon Săm Lũ còn theo đuổi nghề làm gốm truyền thống của người Ba Na

Người Ba Na làm gốm không chỉ phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt mà còn để bán. Hiện nay, trước sự cạnh tranh của gốm công nghiệp, nghề làm gốm thủ công của người Ba Na ở làng Kon Săm Lũ đang đứng trước nguy cơ thất truyền, chỉ còn nghệ nhân Y Ber giữ nghề. 

"Các sản phẩm gốm hiện đại vừa phong phú về mẫu mã, màu sắc mà giá thành lại rẻ. Trong khi đó, gốm thủ công thì mộc mạc, giá thành cao hơn. Chính vì thế, những sản phẩm gốm truyền thống của đồng bào Ba Na không được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. 

Làm gốm không đủ sống nên nhiều người bỏ nghề. Tôi buồn lắm khi chứng kiến nghề truyền thống của dân tộc mình bị mai một. Nếu không được quan tâm bảo tồn, e là một ngày, nghề gốm truyền thống của người Ba Na chỉ còn trong sử sách", NNƯT Y Ber bộc bạch.

Dù số tiền thu được từ việc bán sản phẩm chưa tương xứng với tâm sức bỏ ra nhưng nghệ nhân Y Ber vẫn quyết tâm duy trì việc làm gốm. Mong muốn lớn nhất của bà là sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, sự chung tay của những người cùng tâm huyết để bảo tồn, phát triển nghề làm gốm truyền thống của người Ba Na.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm