Giới trẻ Việt bạo lực vì yêu bản thân quá mức

18/10/2016 - 07:20
"Hội chứng yêu bản thân quá mức với biểu hiện, thiếu đồng cảm với người khác, thiếu khả năng kiểm soát ham muốn và không có khả năng rút kinh nghiệm đang lan truyền mạnh trong trẻ Việt", tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương (ĐHSP Hà Nội) cho biết.
t-sng-4.jpg
Chứng yêu bản thân đang lan truyền mạnh trong giới trẻ Việt. Ảnh minh họa internet.

Nhà tâm lý học Kluger cho rằng trẻ em mắc chứng yêu bản thân (ái kỷ) thường tham lam, đòi hỏi, bạo lực, ích kỷ, nông nổi và thường không biết ăn năn hối lỗi.

Chúng đòi người khác phải chiều chuộng mình nhưng không quan tâm tới người khác, chúng chỉ muốn được thưởng nhưng đến khi bị phạt thì la làng.

Đặc biệt, các nhà khoa học cảnh báo về sự bùng phát “đại dịch ái kỷ” trên mạng xã hội. Những trường hợp yêu bản thân quá mức, không đủ dũng cảm hoặc vô cùng khó khăn trong việc nhận ra sai lầm của chính mình, ảo tưởng quá nhiều về khả năng của mình (giới trẻ gọi là ảo tưởng sức mạnh), thiếu sự đồng cảm với người khác, thích đòi hỏi và ít chịu cống hiến làm việc vì coi đó không phải là công việc xứng đáng dành cho mình. Ái kỉ là căn bệnh nguy hiểm, nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đã có trường hợp tự tử vì chụp 200 bức ảnh "tự sướng" để up lên mạng nhưng bị vẫn bị chê.

Ái kỉ là căn bệnh rất đáng sợ. Khi khả năng rút kinh nghiệm không có, trẻ dễ rơi vào các sai lầm nối tiếp. Trong cuộc sống, kinh nghiệm là thứ luôn được đánh giá cao. Chính vì thế, cha ông ta thường dạy trẻ lắng nghe lời người trên nói. Chính việc lắng nghe lời người già, đám trẻ sẽ học được các kinh nghiệm sống của họ mà không cần phải trải qua gian nguy, khó khăn.

Thế nhưng, với người ái kỉ, khả năng rút kinh nghiệm hầu như không có. Chính vì vậy, thành công là thứ hiếm khi xuất hiện với người ái kỉ, hoặc có thì cũng rất hạn chế. Ngoài ra, người ái kỉ dễ rơi vào trạng thái tuyệt vọng nếu như đột ngột phát hiện và buộc phải thừa nhận điều gì đó của chính bản thân không tuyệt đẹp như họ tưởng tượng. Người ái kỉ cũng rất nhạy cảm với thất bại và dễ dàng chấp nhận các cách giải quyết cực đoan.

tu-suong.jpg
Cha mẹ đẩy con lên vị trí tối thượng khiến con mắc chứng ái kỉ. Ảnh minh họa internet.

Vấn đề đáng ngại hiện nay là bệnh ái kỉ đang lây lan rất nhanh trong giới trẻ Việt. Tình trạng gia đình ít con, chỉ có 1, 2 trẻ đã dẫn đến việc các cha mẹ đẩy con lên vị trí tối thượng khi đứa trẻ còn chưa thực sự hiểu được vị trí thật của bản thân mình trong 9 tỉ người trên Trái đất. Đứa trẻ có các quyền lực tối thượng như được cha mẹ đáp ứng mọi thứ, được ông bà, cha mẹ ca ngợi quá đáng...

Bên cạnh đó, bọn trẻ được bao bọc, ít tiếp xúc với bên ngoài nên tầm nhìn hạn hẹp. Trẻ chỉ có thể quan sát mình với một số ít những người xung quanh nên không dự đoán và phòng bị trước những tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống.

Ngoài ra, thái độ bênh vực quá mức của cha mẹ, bao biện cho mọi lỗi lầm của con chính là tác nhân đẩy đứa trẻ đến bệnh ái kỉ. Càng va vấp, trẻ càng sợ thừa nhận sai lầm khi cha mẹ luôn nghĩ ra các lí do để bao biện cho chúng. Bên cạnh đó, nếu cha mẹ cũng là người thiếu khả năng rút kinh nghiệm thì trẻ cũng dễ dàng học tính này.

Việc kì vọng quá mức vào trẻ rồi khi không đạt thì quát mắng, đánh đập trẻ cũng là tác nhân gây bệnh ái kỉ. Bọn trẻ hoảng sợ trước những lời đánh mắng. Chúng chui vào vỏ kén hoang tưởng do chúng tự tạo ra từ các kì vọng của cha mẹ.

Tác nhân cuối cùng của bệnh này chính là mạng xã hội. Những hình ảnh "tự sướng không đúng như con người thật mà thường đẹp hơn, lung linh hơn chính là con đường ngắn nhất để đẩy nạn nhân đến chỗ ảo tưởng sức mạnh.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm