Chúng tôi cưới nhau mới được 2 năm nhưng phải đến hơn một nửa thời gian ấy “cơm không lành, canh không ngọt”. Lý do chính của những cuộc xung đột trong gia đình chủ yếu là từ những cơn dỗi của vợ.
Bình thường, khi có mặt bố mẹ hai bên nội ngoại, có mặt họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp… cô ấy luôn cư xử vui vẻ, hoà nhã với chồng. Tôi có làm gì sai (theo chuẩn đánh giá của cô ấy) thì cô ấy cũng không săm soi, cáu gắt hoặc giận dữ, lầm lì. Nhưng về nhà, khi chỉ có hai vợ chồng bên nhau thì dường như có đến ngàn lẻ một những việc tôi làm khiến cô ấy phật ý.
Vợ nhiều lần giận dỗi vô cớ khiến tôi mệt mỏi (Ảnh minh họa)
Cô ấy có thể giận tôi từ lý do đơn giản nhất là khi ăn cơm mà tôi chưa kịp gắp miếng ngon nhất nhường cô ấy trước; buổi sáng cô ấy đi làm gặp trời mưa mà tôi không nhớ nhắn tin gọi điện hỏi thăm vợ đến công ty có bị ướt không; ngày nghỉ không biết chủ động hỏi vợ xem kế hoạch hôm ấy vui chơi ở đâu; khi vợ đi làm về thấy mệt mỏi mà không hỏi xem cô ấy có bị ốm đau không; khi cô ấy đi sửa mái tóc mới mà tôi không nhận ra; buổi tối lúc cô ấy đang phải làm thêm việc mà tôi cứ thản nhiên ngáy khò khò, khi cô ấy về muộn mà tôi không biết tự mua món gì cho bữa tối mà cứ gọi điện “xin ý kiến”…
Đấy là chưa kể những việc liên quan đến bên ngoài! Ví dụ, tôi được tăng lương mà chưa kịp kể ngay thì cũng “dính chưởng”; khi tôi nhận việc làm thêm mà chưa hỏi “xin ý kiến” cũng bị cằn nhằn; khi đồng nghiệp rủ đi uống bia mà lúc về chưa kịp “khử mùi” để cô ấy phát hiện ra thì cũng vô cùng nghiêm trọng… Song, mỗi lần cô ấy giận mà “có lý do” dù to dù nhỏ thì vẫn còn dễ chịu hơn cả vạn lần cô ấy giận mà không hề có lý do. Nhiều lúc, thấy mặt vợ hằm hằm, tôi cứ dằn vặt rồi tự hỏi không biết mình đã làm sai gì và sai ở đâu?
Tôi vẫn nghe người ta nói đàn ông đến từ sao Hỏa, đàn bà đến từ sao Kim. Đó là hai “lãnh địa” hoàn toàn khác biệt và thật khó để có thể hiểu hết được tâm tính, suy nghĩ, cách đánh giá sự vật, hiện tượng, cách nhìn về nhau. Tôi cũng vẫn biết việc “dỗi” vốn được người ta gán cho là một “đặc quyền” của phái đẹp. Phụ nữ đẹp thì có quyền được giận dỗi, được đòi hỏi đàn ông phải chiều chuộng, nhún nhường… Điều đó cũng có nghĩa rằng tôi đã luôn cố gắng học cách nhường nhịn vợ. Cứ mỗi khi cô ấy giận là tôi luôn xác định sẽ năn nỉ, sẽ xin lỗi trước, cho dù nhiều lúc tôi biết rõ mình không làm gì sai hoặc lỗi của mình chỉ bé xíu hay cô ấy kết tội mình “oan”.
Song, điều trớ trêu trong mối quan hệ giữa vợ chồng tôi là ở chỗ “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”. Trong khi tôi đã “xuống nước”, cố gắng thay đổi nhiều để hiểu cô ấy, luôn làm theo ý vợ muốn để không khí đỡ ngột ngạt, để vợ vui thì cô ấy lại ngày càng lấn tới. Điều đó thể hiện ở mức độ đòi hỏi sự chiều chuộng của tôi với cô ấy ngày càng cao. Vợ giận ngày càng nhiều, giận mỗi lúc một lâu và hình thức giận cũng rất đa dạng. Có những thời điểm suốt 2-3 tuần cô ấy chẳng thèm nói với chồng câu nào. Gọi điện cô ấy không nghe. Đi làm về cũng không cần đoái hoài xem cơm nước bữa tối thế nào. Đêm thì vác gối ra phòng khách ngủ riêng. Có những lúc cô ấy giận đến mức cứ nhìn thấy mặt chồng là cáu gắt, nói to, nói nhiều, đay đi đay lại một chuyện cả tiếng đồng hồ không dứt.
Gần đây, trước những cơn giận theo kiểu “vô tội vạ” của vợ, tôi bắt đầu thấy lo lắng. Vợ chồng trẻ mới cưới, không phải lo nhiều về kinh tế, chưa con cái gì mà đã thế này, nếu mai mốt có gì bất ổn, rồi cô ấy mang thai, tính tình khó chịu hơn nữa thì sẽ ra sao? Tôi rất sợ đến một lúc nào đó tôi không còn chịu đựng được tình cảnh này, không cố gắng hơn được nữa thì nguy cơ tan vỡ sẽ rất cao. Mà điều đó thì tôi không hề muốn. Tôi vẫn còn yêu cô ấy nhiều. Vì thế, tới đây, có lẽ tôi sẽ phải tự thay đổi mình trước. Ngoài việc cố gắng sống chỉn chu, chăm lo cho gia đình nhiều hơn thì tôi sẽ phải “nghiêm khắc” hơn với vợ mỗi lần cô ấy giận vô cớ. Tôi sẽ có những buổi ngồi nói chuyện với vợ để cô ấy hiểu rằng, cần phải biết nên giận trong chừng mực nào, ở mức độ nào và trong khoảng thời gian nào cho phù hợp.
Hạn chế những cơn giận “vô tội vạ” - Cố gắng dành nhiều thời gian cho nhau, quan tâm và hiểu về nhau nhiều hơn. - Nên có đối thoại, trao đổi để biết căn nguyên của cơn giận và cùng tìm cách khắc phục. - Không nên quá nhún nhường với những cơn giận vô cớ của “nửa kia”. - Không nên để việc giận nhau diễn ra quá lâu và quá nhiều. |