Những ngày cuối tháng 9 tại Bệnh viện (BV) Tâm Trí Sài Gòn, anh Kol Van Thim (52 tuổi) cùng vợ đang chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật cuối cùng: cắt bỏ khối u gan và đóng hậu môn nhân tạo. Không thể nói tiếng Việt hay tiếng Anh, điều duy nhất vợ chồng anh Kol Van Thim có thể làm khi bất kỳ ai bước vào phòng là chắp tay và nói: “Chào!”. Mọi nhu cầu đều phụ thuộc hoàn toàn vào người phiên dịch tại BV.
Anh Kol Van Thim được y tá kiểm tra sức khỏe mỗi ngày
Dẫu vậy, khi biết chúng tôi muốn được nghe chia sẻ câu chuyện về biểu hiện của căn bệnh từ những ngày đầu, anh Kol Van Thim cười thân thiện kể: “Cả nhà tôi chưa có ai bị tiền sử bệnh ung thư, tôi từ nhỏ tới lớn cũng rất khỏe, chưa phải đến bệnh viện bao giờ. Giữa tháng 5 vừa rồi, cơ thể tôi có những biểu hiện rất lạ, đau bụng, đi ngoài ra máu, người mệt và giảm cân, tôi nghĩ mình bị bệnh trĩ, nhưng khi đến BV tại Phnom Penh khám thì bác sĩ kết luận không phải bị bệnh trĩ, cho thuốc về nhà điều trị và theo dõi”.
Kể từ khi bị căn bệnh này, anh Kol Van Thim phải xin nghỉ công việc lái xe để ở nhà điều trị. Vợ anh, chị Som Maly (47 tuổi), cũng phải sắp xếp công việc buôn bán để tranh thủ thời gian chăm sóc chồng. Thế nhưng, dù uống thuốc đều đặn và dành hết thời gian nghỉ ngơi theo lời dặn của bác sĩ, tình trạng bệnh của anh không thuyên giảm mà còn có những biểu hiện nặng, 3 tháng trôi qua, những cơn đau bụng, đi ngoài ra máu mỗi ngày một tăng, cân nặng cũng giảm bất ngờ…, khiến chị Som Maly phải nghỉ bán hàng.
Chị kể: “Gia đình tôi sinh sống ở Phom Penh, con gái lớn đã lấy chồng nhưng vẫn còn 2 đứa con đang đi học, nên nghỉ làm cũng đồng nghĩa với việc mọi chi tiêu trong gia đình phải sống nhờ vào số tiền tích luỹ ít ỏi. Tôi hỏi thăm bạn bè, người quen về căn bệnh chồng mình mắc phải nhưng ai cũng lắc đầu không biết. May thay, ở chỗ làm của con gái tôi có một người Việt Nam. Sau khi nghe câu chuyện về bệnh, cậu đó hướng dẫn và khuyên con gái tôi nên đưa ba sang Việt Nam khám bệnh. Vậy là chúng tôi xuất ngoại”.
Đến BV đa khoa Tâm Trí Sài Gòn trong tình trạng bệnh đã khá nặng, anh Kol Van Thim được chỉ định làm các xét nghiệm và được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đại tràng đã xâm lấn, cần phẫu thuật loại bỏ khối u và theo dõi điều trị. “Dù không biết tiếng Việt nhưng từ lúc nhìn BS nói chuyện với anh phiên dịch, tôi biết chắc chắn có điều gì đó không ổn. Khi họ nói cho vợ chồng tôi biết tình hình bệnh, vợ tôi đã khóc. Tôi biết đây là bệnh nguy hiểm, nhưng không hiểu sao lúc đó tôi không hề sợ hãi, bởi tôi tin mình sẽ được điều trị tốt”, anh Kol Van Thim chia sẻ.
Lại gượng cười
Sau khi được phẫu thuật loại bỏ khối u, tái tạo hậu môn và mở hậu môn nhân tạo, anh Kol Van Thim được cho xuất viện về Campuchia và hẹn 8 tuần sau quay lại BV để tiến hành đóng hậu môn nhân tạo. Tuy nhiên, do anh bị nhiễm trùng nên chị Som Maly buộc phải đưa chồng quay trở lại BV trước thời gian hẹn.
Kể cho chúng tôi nghe về hành trình đưa chồng đi điều trị bệnh, chị Som Maly chia sẻ: “Chẳng ai muốn mình hoặc người thân bị bệnh, cũng không ai muốn phải ra nước ngoài điều trị bởi cái gì cũng bất lợi, những rào cản về ngôn ngữ, giao thông, tài chính… khiến vợ chồng tôi rất khó khăn. Nhưng rất may, ở đây ai cũng nhiệt tình, bác sĩ cũng rất chu đáo nên chúng tôi yên tâm điều trị, đợi ngày trở về quê hương, tiếp tục với công việc của mình”.
Cũng theo lời kể của chị Som Maly, sau phẫu thuật, ban đầu chồng chị chỉ được truyền dịch để nuôi cơ thể, sau đó được ăn cháo loãng và sức khoẻ dần hồi phục. Tới ngày xuất viện, anh Kol Van Thim có thể ngồi dậy, đi lại và ăn súp. “Bác sĩ bảo, chồng tôi đã được mổ nội soi cắt u, kết quả sinh thiết u tế bào ác tính, có khả năng lớn là do tế bào ung thư di căn từ đại tràng đang tấn công gan khiến khối u tăng kích thước nhanh chóng và men gan cao. Hiện tại các bác sĩ đang theo dõi để hạ men gan nhằm tiến hành phẫu thuật cắt khối u ở gan, sau đó sẽ cân nhắc việc hóa trị để tìm diệt các tế bào ung thư đang di căn khác. Dù dặn lòng mình không được lo lắng để động viên chồng, nhưng khi biết tình hình bệnh, tôi khóc suốt, sau đó lại cầu nguyện, lại gượng cười để chồng yên tâm điều trị”, chị Som Maly lén lau nước mắt.
Thấy vợ có những biểu hiện tâm trạng không tốt, anh Kol Van Thim ra hiệu cho chị giúp anh kê cao chiếc gối, đỡ anh gượng ngồi dậy. Dáng người đen, gầy và giọng nói yếu ớt, nhưng nụ cười và thái độ lạc quan thì luôn hiện rõ trên khuôn mặt. Anh bảo: “Cuộc đời không ai tránh được bệnh tật hoặc cái chết, quan trọng là chúng ta đối diện với nó như thế nào. Những gì đang diễn ra chỉ là khó khăn trước mắt. Nếu buồn chán và thất vọng, bệnh sẽ càng phát triển, ngược lại nếu tâm bình an thì bệnh sẽ chóng qua”.
Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ CK2 Phó Đức Mẫn (chuyên khoa Ung bướu, Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Sài Gòn) Tại Việt Nam, bệnh ung thư đại tràng phổ biến hàng thứ 4, sau gan, phổi, vú và có xu hướng tăng nhanh hơn. Bệnh nhân bị ung thư đại tràng thường rơi vào độ tuổi trung niên, 40 trở lên, và không chênh lệch nhiều ở nam - nữ. Cho đến nay, người ta vẫn chưa thể tìm ra được nguyên nhân chính gây ra ung thư đại tràng nhưng nó có sự liên hệ mật thiết với chế độ ăn uống của chúng ta, một số ít có liên quan đến di truyền, đa số các trường hợp ban đầu thường lành tính, sau đó chuyển sang ác tính và gây ung thư. Triệu chứng của ung thư đại tràng thường tương tự các bệnh đường ruột khác như trĩ, kiết… Bệnh nhân thường có các biểu hiện như: Táo bón, tiêu chảy hoặc táo bón, đại tiện ra phân có kèm theo chất nhầy; đau quặn bụng và đại tiện có mót rặn thường xuyên mà không giải thích được nguyên nhân; mệt mỏi, khó thở, chóng mặt; người bệnh bị giảm cân nhanh chóng. Đặc biệt với người ở độ tuổi trung niên, khi có một trong những biểu hiệu của sự bài tiết không bình thường thì cần nghĩ đến khả năng và tầm soát ung thư qua xét nghiệm tìm máu trong phân, nội soi… Việc chảy máu có thể ít nhiều, có thể do viêm, do trĩ hoặc có thể do ung thư. Điều đáng lo ngại là khi người bệnh đến khám bác sĩ không đúng chuyên khoa sẽ dẫn đến các chẩn đoán chưa chính xác, điều trị không hiệu quả và khiến khối u có thêm thời gian để phát triển. Đối với bệnh nhân ung thư đại tràng, phẫu thuật là phương án điều trị đầu tiên để loại bỏ khối u. Khi tế bào ung thư di căn thì phải hóa trị với thuốc phù hợp với loại tế bào ung thư đó. |