Giúp con bớt cáu giận

06/08/2015 - 21:31
Cáu kỉnh là một cách phản ứng với những điều không hài lòng. Cần phải có giới hạn để trẻ ý thức kiểm soát cơn giận của mình và không hành động thiếu bình tĩnh.

Giúp con dịu cơn giận bằng cách chia sẻ, thông cảm, trấn an bé (Ảnh minh họa)

Hít một hơi thật sâu. Điều này sẽ giúp làm dịu cơn giận, điều tiết cảm xúc để cháu bình tĩnh hơn. Nó hiệu quả hơn khi bạn hướng dẫn bé thường xuyên, đều đặn như một cách dạy các kỹ năng sống cơ bản cho bé.

Tìm sự chia sẻ. Cách tốt nhất để giúp trẻ bình tĩnh là sự đồng cảm trong khi chúng đang tức giận. Thừa nhận việc giận trong các trường hợp như vậy là đương nhiên. Bé sẽ không cố làm cho mọi chuyện trở nên nghiêm trọng hơn.

Giúp bé bày tỏ cảm xúc. Được thể hiện sự tức giận là một cách ”chữa bệnh”. Những giọt nước mắt và nỗi sợ hãi giúp bé xoa dịu tổn thương và nỗi buồn, làm cho cơn giận tan biến. Nếu có sự gợi mở của bố mẹ, bé biết định hướng cơn cáu giận của mình vào một vấn đề cụ thể, tập trung suy nghĩ hơn và cũng kiểm soát được nó nhanh hơn.

Thông cảm và trấn an bé. Đừng cố gắng để giảng giải, tìm hiểu lý do hay giải thích. Khi các bé đang ngập trong adrenaline (hormone cáu kỉnh) thì chỉ cần thể hiện bạn rất khó chịu về việc này và dành thời gian cho bé suy nghĩ và lựa chọn thời điểm phù hợp để giải thích với bố mẹ về tất cả. Bé không cảm thấy mình phải nghĩ ngay cách để “đối phó” với bố mẹ với các tình huống khác nhau.

Con được yêu ngay cả khi con tức giận. Điều này dạy bé về tình thương và sự tha thứ. Hãy cho bé biết bé cần thời gian một mình để bình tĩnh và suy nghĩ nhưng bạn luôn ở bên cạnh, bất cứ lúc nào bé cần, bé cũng có thể chạy đến với bạn ngay. Thậm chí, bạn có thể ôm bé thật chặt và nói: “Mẹ tin, vòng tay mẹ có thể làm con bình tĩnh và suy nghĩ xem mình cần làm gì/ nói gì cho đúng”.

Thừa nhận sự tức giận của bé giúp bé bình tĩnh lại nhanh hơn. Không phân tích, chỉ cần thông cảm. Điều đó khiến bé nhìn nhận sự cáu kỉnh của mình một cách khách quan hơn. Nhiều khi, sự thông cảm đầy yêu thương chỉ cần 2 phút để bé chạy lại vòng tay của cha mẹ, nói hết về nỗi cáu kỉnh của mình. Và tất cả những cảm giác khó chịu của bé “bốc hơi” nhanh chóng.

Khi bé đã bình tĩnh lại, bạn có thể nói chuyện. Đừng bắt đầu bằng cách giảng dạy. Có thể kể một câu chuyện để đưa cảm xúc của bé vào ngữ cảnh chuyện của người khác. Bạn có thể để bé tự nhận xét về hành động, suy nghĩ, lời nói của nhân vật và để bé tự quyết định lựa chọn điều đúng. Nhưng đôi khi, bạn có thể nói ngay vào mục đích chính của mình: “Mẹ kể câu chuyện này để con thấy tác dụng của việc kiểm soát cảm xúc. Nếu bạn ấy không giận dữ, bạn ấy đã không làm cho mẹ mình gặp nguy hiểm”- bé sẽ ghi nhớ lời dạy dễ dàng và biết cách rút kinh nghiệm cho hành động của mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm