Giúp con đương đầu với áp lực điểm số

PGS-TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội
12/09/2023 - 17:11
Giúp con đương đầu với áp lực điểm số

Ảnh minh họa

“Bệnh” thành tích trong giáo dục, dù ngoài đời thực hay trên mạng xã hội, chúng ta không khó để gặp những biểu hiện của nó. Ngay cả khi cha mẹ không đặt áp lực điểm số, nhiều học sinh vẫn cảm thấy bối rối, căng thẳng, khó chịu thậm chí tức giận khi nhận điểm kém. Vậy chúng ta cần làm gì để giúp con đương đầu với áp lực điểm số?

Đầu tiên, hãy nói con đừng quá khắt khe với bản thân. Nhận điểm kém không phải là tận thế. Điểm số sẽ không thể đại diện cho tất cả những phẩm chất và năng lực của con. Cha mẹ hãy nói với con rằng, khi con quan tâm đến điểm số của mình chứng tỏ là con sẽ có động lực và kỳ vọng cao với bản thân. Thế là được rồi.

Hãy nói với con rằng, việc tự trừng phạt bản thân chỉ vì nhận được kết quả xấu là một hành vi sai lầm và dại dột. Thay vì thế, con hãy nhận ra tại sao mình sai, học từ sai lầm và tránh gặp các sai lầm tương tự trong tương lai. 

Ví dụ, con hãy đến hỏi cô giáo xem con đã mắc những lỗi nào và làm thế nào để con nhận điểm tốt hơn. Hãy chia sẻ với bạn cùng lớp xem có ai nhận được điểm tương tự không. Nếu các bạn đều nhận điểm cao hơn thì hãy hỏi bạn xem cách họ đã làm thế nào. Con hãy dành cho mình một chút thời gian. 

Nếu có các cảm xúc bối rối, lo lắng, giận dữ thì nó cũng là điều bình thường. Con có thể chia sẻ cảm xúc đó với bố mẹ theo một cách thân thiện để bố mẹ hiểu và hỗ trợ con trong giai đoạn này.

Con cũng có thể hướng sự tập trung của mình vào những hoạt động vui vẻ khác, chú ý đến những thành tích khác của bản thân để xao lãng khỏi lo lắng và không trầm trọng hóa điểm kém của mình như một năng lực. 

Giúp con đương đầu với... áp lực điểm số - Ảnh 1.

PGS-TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, trường ĐH Giáo dục,

ĐH Quốc gia Hà Nội

Hãy nói với con về việc mỗi đứa trẻ đều có những năng lực khác nhau, ví dụ như sở trường của cá là bơi trong khi sở trường của khỉ là leo trèo, nên con có thể không bằng các bạn ở lĩnh vực này nhưng lại hơn các bạn ở những môn sở trường khác.

Sau khi đứa trẻ đã xử lý xong vấn đề nhận thức và cảm xúc liên quan đến điểm kém, lúc này là thời điểm cha mẹ khuyến khích con thay đổi hành động để cải thiện. Hãy nói với con mình điều chỉnh điều gì trong kế hoạch học tập để có thể tránh những sai lầm dẫn đến điểm kém.

 Khuyến khích con tìm kiếm cơ hội để bù điểm bằng việc hoàn thành những nhiệm vụ nếu con cảm thấy việc đó khiến con hạnh phúc.

Trong bối cảnh cả xã hội đang đấu tranh chống lại "bệnh" thành tích, cha mẹ nên trang bị cho con kỹ năng "đương đầu với điểm kém", trang bị cho con thái độ "nhận điểm cao không kiêu, thấp không nản", lấy những tấm gương học giỏi để truyền cảm hứng cho mình thay vì tự ti và bỏ cuộc, xem thất bại là cơ hội để học hỏi và tìm trong những "phê bình" của thầy cô về kết quả học tập những gợi ý về chiến lược học tập để học tốt hơn. 

Một điểm kém, thậm chí 10 điểm kém cũng không thể quyết định tương lai của bạn nếu bạn vẫn giữ thái độ tích cực và chăm chỉ nỗ lực hàng ngày.

Năm học mới, bên cạnh niềm vui đến trường của trẻ là bao nỗi lo của các bậc phụ huynh. Chuyên mục "Làm cha mẹ" mở diễn đàn tháng 9 với chủ đề "Năm học mới - Nỗi lo học hành" với sự tham gia của các chuyên gia tâm lý học đường sẽ chia sẻ với các bậc cha mẹ những kỹ năng giải quyết nỗi lo này.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm