pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giúp con tránh xa mỹ phẩm độc hại

Ảnh minh họa
Chị Kiều vội gửi thông tin cho con gái và gọi điện hỏi xem liệu con có đang vô tình sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng mà không biết. Thế nhưng, con gái cũng không nhớ cụ thể khiến chị Kiều càng lo lắng hơn.
Buổi tối, chị Kiều cùng con gái kiểm tra các món đồ con đã mua, rất may không có sản phẩm nào xuất xứ từ nơi được nhắc tới trong thông tin được cảnh báo. Song, chị Kiều thấy nhiều sản phẩm tên gọi lạ mà chị chưa từng nghe tới, được con gái mua trên các sàn thương mại điện tử.
Lý do con chọn mua là bởi các sản phẩm đó được nhiều người quảng cáo, nhiều bạn bè của con dùng, giá lại rẻ.
Kiên nhẫn giải thích, mở nhiều bài viết cảnh báo về các chất độc hại có trong mỹ phẩm kém chất lượng cho con gái xem, chị Kiều muốn con thấy được hậu quả của việc sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc có thể gây kích ứng, dị ứng, ảnh hưởng sức khoẻ người dùng như thế nào.
Sau khi trò chuyện và thảo luận rất kỹ càng, chị Kiều đã cùng con gái thống nhất những nguyên tắc chọn mua mỹ phẩm an toàn trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử:
- Trang bị kiến thức cơ bản về mỹ phẩm: Cách phân biệt giữa mỹ phẩm chính hãng và mỹ phẩm giả bằng việc kiểm tra thành phần, nguồn gốc và giấy chứng nhận an toàn; hiểu về các thành phần có thể gây kích ứng, có hại cho da như paraben, corticoid, hydroquinone hoặc những thành phần có khả năng gây rối loạn nội tiết được nhắc tới như ethylhexyl methoxycinnamate (EHMC), homosalate, octocrylene.
- Chọn mua ở trang thương mại điện tử uy tín: Chỉ mua hàng từ các trang chính thống hoặc website chính hãng của thương hiệu. Kiểm tra xác nhận "chính hãng" trên sản phẩm, thường được hiển thị ngay trong trang bán hàng.
- Kiểm tra đánh giá sản phẩm: Đọc kỹ đánh giá từ người mua trước, tránh mua sản phẩm có quá nhiều nhận xét tiêu cực về chất lượng hoặc giao hàng lâu. Xem xét các bài đánh giá có hình ảnh thực tế để kiểm tra chất lượng bao bì, tem nhãn.
- Kiểm tra nguồn gốc sản phẩm: Xác minh nguồn gốc sản phẩm bằng các ứng dụng uy tín. Nếu sản phẩm có mức giá quá rẻ so với giá niêm yết của hãng, cần đặt dấu hỏi về chất lượng.
- Xác minh người bán: Kiểm tra hồ sơ người bán, xem họ có gian hàng chính hãng hay không. Xem đánh giá của những sản phẩm khác trong cửa hàng để đảm bảo họ có uy tín, tin cậy.
- Cảnh giác với các chiêu trò "thổi phồng" công dụng: Không tin vào quảng cáo cam kết "làm trắng da cấp tốc, trị mụn ngay lập tức". Luôn kiểm tra xem sản phẩm có được cấp phép bởi Bộ Y tế hoặc có giấy kiểm định an toàn không.
- Thận trọng với hàng "xách tay" không rõ nguồn gốc: Hiểu mỹ phẩm "xách tay" không có kiểm định chất lượng từ cơ quan chức năng, dễ bị làm giả. Khi mua mỹ phẩm thương hiệu nước ngoài, nên chọn các nhà phân phối chính thức tại Việt Nam, không nên mua hàng "xách tay" từ cá nhân không uy tín.
- Kiểm tra chính sách đổi trả và bảo hành: Ưu tiên mua hàng có chính sách đổi trả rõ ràng để tránh rủi ro nếu sản phẩm kém chất lượng. Tránh mua từ người bán không có địa chỉ hoặc thông tin liên hệ rõ ràng.
- Tạo thói quen kiểm tra da trước khi sử dụng: Không dùng nếu sản phẩm có dấu hiệu bất thường về mùi, màu sắc. Khi nhận hàng, thử một lượng nhỏ trên cổ tay để kiểm tra phản ứng da trước khi dùng trên mặt. Ngưng sử dụng ngay khi có dấu hiệu kích ứng và tới bác sĩ da liễu.