Giúp mẹ giải đáp 8 câu hỏi thường gặp về tiêm chủng cho trẻ

QN
16/04/2020 - 09:43
Giúp mẹ giải đáp 8 câu hỏi thường gặp về tiêm chủng cho trẻ
Tiêm chủng cho trẻ là cách hiệu quả, giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều các bậc phụ huynh chưa thực sự hiểu rõ và gây nên một số thắc mắc liên quan đến tiêm chủng cho trẻ trên thực tế.


1. Vacxin là gì và nó hoạt động như thế nào?

Đây là một trong các câu hỏi thường gặp nhất của các bậc cha mẹ về tiêm chủng cho trẻ.

Vacxin có thể là chế phẩm được bào chế từ các tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus) đã bị bất hoạt hoặc chỉ đơn thuần là cấu trúc gây bệnh đặc hiệu trên tác nhân gây bệnh đã được tách riêng và làm giảm độc lực. Về bản chất, ta có thể coi vacxin như một phương tiện được đưa vào cơ thể để giúp kích thích cơ thể sản sinh miễn dịch đối với một yếu tố gây bệnh nào đó trước khi chúng thực sự xâm nhập và giúp bảo vệ cơ thể khỏi mắc bệnh.

2. Vì sao chúng ta cần phải tiêm chủng cho trẻ?

Trước kia, chúng ta đã từng ghi nhận rất nhiều căn bệnh truyền nhiễm có thể giết chết hàng trăm, hàng triệu người ở tất cả mọi lứa tuổi (trẻ sơ sinh, thiếu niên, người lớn,...). Và cho đến hiện nay vẫn còn có rất nhiều căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang tồn tại trong cộng đồng (lao, viêm gan B, bạch hầu,...).

Vì thế, tiêm chủng cho trẻ bằng các loại vacxin là một cách giúp tạo miễn dịch chủ động để trẻ có thể chống lại các nguyên nhân gây bệnh khi chúng tấn công cơ thể. Từ đó có thể làm giảm gánh nặng bệnh tật do các bệnh truyền nhiễm đến mức tối đa.

3. Tiêm vacxin có an toàn hay không?

Chúng ta đang sống ở thời đại mà thông tin phủ sóng một cách nhanh chóng và đôi khi có thể nghe thấy về một trường hợp tai biến nào đó khi tiêm vacxin. Điều này khiến cho cha mẹ băn khoăn rằng tiêm chủng cho trẻ bằng vacxin có an toàn hay không.

Trên thực tế, vacxin là chế phẩm có tính an toàn rất cao khi sử dụng. Trước khi được ứng dụng trực tiếp cho trẻ, vacxin phải trải qua rất nhiều giai đoạn thử nghiệm cũng như đánh giá các nguy cơ khác nhau và được kiểm nghiệm bởi các cơ quan chức năng. Do đó, cha mẹ có thể an tâm khi tiêm chủng cho trẻ bằng các loại vacxin trong chương trình tiêm chủng.

4. Những vấn đề nào có thể xảy ra sau khi tiêm chủng cho trẻ?

Mặc dù vacxin là an toàn, tuy nhiên sau khi tiêm chủng cho trẻ thì một số phản ứng của cơ thể có thể xảy ra, chẳng hạn như sốt, đau vết tiêm, bầm tím,... Những phản ứng này là những phản ứng thông thường khi cơ thể trẻ đáp ứng với vacxin, và cha mẹ hầu như không cần lo lắng quá mức khi chúng sẽ tự biến mất ở một thời gian sau đó.

Một số trường hợp hi hữu, khi cơ thể trẻ phản ứng quá mạnh với tác nhân kháng nguyên được đưa vào cơ thể có thể kích thích một số phản ứng nghiêm trọng như shock phản vệ,... Tuy nhiên, những phản ứng này thường xảy ra sớm trong khoảng thời gian theo dõi sau tiêm tại các cơ sở y tế, do đó nếu được cấp cứu kịp thời thì trẻ vẫn có thể được đảm bảo an toàn và tỷ lệ xảy ra những biến chứng nghiêm trọng này thường là rất hiếm.

5. Vì sao cần tuân thủ lịch tiêm chủng cho trẻ?

Có những trường hợp đặc biệt khiến tiêm chủng cho trẻ không thích hợp diễn ra ngay lập tức như trẻ sinh non, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ đang có các vấn đề sức khỏe (viêm nhiễm, sốt, suy giảm miễn dịch mắc phải hay do dùng thuốc),... thì có thể sẽ được hoãn tiêm chủng cho trẻ đến khi sức khỏe cải thiện.

Giúp mẹ giải đáp 8 câu hỏi thường gặp về tiêm chủng cho trẻ - Ảnh 2.

Còn đối với các trẻ có sức khỏe bình thường, lời khuyên cho các bậc cha mẹ là hãy cho trẻ đi tiêm chủng đúng lịch đã quy định. Bởi mỗi loai vacxin khác nhau sẽ có thời điểm thích hợp riêng để sử dụng. Tiêm phòng quá sớm hay quá muộn đều làm giảm hiệu quả phòng bệnh của vacxin.

6. Vì sao vẫn cần tiêm chủng cho trẻ khi mà đã được tiêm chủng khi mang thai?

Nhiều người thắc mắc rằng, tại sao chúng ta vẫn cần tiêm chủng cho trẻ đối với một số loại vacxin kể cả khi người mẹ đã được tiêm chủng những loại vacxin này khi mang thai?

Điều này bởi vì, việc tiêm chủng cho mẹ có thể giúp cơ thể mẹ tạo ra kháng thể, và một lượng kháng thể này có thể qua sữa mẹ và giúp con ngăn ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, kháng thể trong sữa mẹ chỉ có thể giúp trẻ phòng chống bệnh tật trong vòng một vài tháng đầu đời, rõ ràng nhất là 6 tháng đầu sau sinh.

Sau đó hàm lượng kháng thể giảm dần và không còn đủ để giúp trẻ phòng chống bệnh tật, vì thế bệnh tật vẫn có khả năng xảy ra ở trẻ. Do đó, việc tiêm chủng cho trẻ kể cả khi mẹ đã được tiêm chủng trước đó là hết sức quan trọng để có thể dự phòng bệnh tật xảy ra.

7. Có thể tiêm chủng cho trẻ nhiều loại vacxin cùng lúc hay không?

Để giảm gánh nặng số lượng mũi tiêm cho trẻ, một số loại vacxin có thể được phối hợp với nhau để tạo thành vacxin hỗn hợp. Những mũi tiêm này có thể giúp trẻ phòng ngừa được nhiều căn bệnh khác nhau chỉ với một mũi tiêm duy nhất.

Tất nhiên, sự tiêm phối hợp cùng lúc các loại vacxin với nhau cần phải được thử nghiệm thông qua nhiều quy trình khác nhau để đảm bảo an toàn cho trẻ.

8. Tiêm vacxin có thể phòng bệnh suốt đời hay không?

Một số loại vacxin như sởi, viêm gan B,... nếu được tiêm đủ số mũi thì có thể tạo thành khả năng miễn dịch suốt đời cho trẻ, có nghĩa là trẻ không có nguy cơ mắc bệnh về sau nếu được tiêm đủ số mũi tiêm và đáp ứng tốt với vacxin.

Nhưng cũng có một số loại vacxin không thể tạo ra miễn dịch suốt đời cho trẻ sau khi tiêm, chẳng hạn như vacxin bạch hầu,... Vì vậy đối với các căn bệnh này, cứ sau một khoảng thời gian cố định thì người ta sẽ cần tiêm nhắc lại một mũi để kích thích hệ thống miễn dịch tạo miễn dịch với bệnh.

Trên đây là giải đáp sơ lược cho một số câu hỏi thường gặp của các bậc cha mẹ về tiêm chủng cho trẻ. Để nhận được sự giải đáp chính xác nhất cho các thắc mắc của bản thân liên quan đến tiêm chủng, hãy liên hệ với các cơ sở y tế để nhận hỗ trợ từ bác sĩ có chuyên môn.

https://www.unicef.org/parenting/health/parents-frequently-asked-questions-vaccines


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm