Giúp nông dân liên kết sản xuất

01/11/2016 - 15:05
Thôn Trám, xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên (Bắc Giang) giờ đây thay đổi nhờ vai trò đầu tàu của đội ngũ lãnh đạo thôn, Hợp tác xã (HTX) Kinh doanh dịch vụ Tân Tiến trong việc vận động người dân liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Cán bộ gương mẫu đi đầu

Thôn Trám giờ đây không khác gì phố. Trong làng, nhiều nhà cao tầng mọc lên san sát, đường giao thông bê tông hóa phong quang, sạch đẹp nối các ngõ, xóm. Sự đổi thay ấy có được ngoài nỗ lực chung của dân làng còn phải kể đến vai trò của nguyên Bí thư Chi bộ thôn Dương Đức Toàn, Trưởng thôn Nguyễn Văn Thơm, Phó thôn Dương Văn Liên mà mọi người vẫn quen gọi là bộ ba “xe, pháo, mã”. 

Thôn có 127 hộ dân, phần lớn làm nông nghiệp. Những năm trước đây, người dân chỉ cấy 2 vụ lúa bằng các giống cũ nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Là cán bộ ở cơ sở, các ông luôn trăn trở tìm cách giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Một trong những cách làm hiệu quả là vận động bà con tổ chức sản xuất theo hướng liên kết với doanh nghiệp, tạo đầu ra ổn định cho nông sản.

Sau khi tìm hiểu thị trường và ký hợp đồng tiêu thụ nông sản với Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Tân Nông (TP Bắc Giang), vụ đông năm 2011, lần đầu tiên thôn quy hoạch 5 ha tại cánh đồng Rộc trồng khoai tây Atlantic làm giống. Được cán bộ Công ty hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, phòng bệnh, vụ đông năm đó mỗi ha khoai tây, nông dân trong thôn thu về gần 100 triệu đồng. Vẫn trên cánh đồng này, vào năm sau, Ban quản lý thôn tiếp tục ký hợp đồng với một số công ty trong và ngoài tỉnh, Viện nghiên cứu lúa (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) sản xuất hạt giống lúa lai, đạt doanh thu hơn 80 triệu đồng/ha/vụ, cao gần gấp đôi so với canh tác lúa thương phẩm bằng giống truyền thống.

Kết quả từ 2 mô hình mới đã thôi thúc đội ngũ lãnh đạo thôn mở rộng quy mô liên kết với các doanh nghiệp. Thế nhưng, không phải nghĩ là làm được ngay bởi lâu nay, người dân có tâm lý dễ làm, khó bỏ. Do đó, các cán bộ chủ chốt ở thôn đã vận động thành lập tổ hợp tác sản xuất, góp tiền mua máy cày tay và khuyến khích các hộ bằng cách giảm 20% chi phí làm đất, công gặt ở vùng tập trung. Các thành viên tổ hợp tác ngược xuôi tìm hiểu thị trường, kết nối với doanh nghiệp, nhà khoa học chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu nông sản cho nông dân.

image001.jpg
Nông dân thu hoạch khoai tây bằng phương tiện cơ giới 

Liên kết chặt, hiệu quả cao

Nhận thấy việc liên kết sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2013, các ông Toàn, Thơm, Liên mạnh dạn thành lập HTX Kinh doanh dịch vụ Tân Tiến (HTX Tân Tiến) do ông Nguyễn Văn Thơm làm Chủ nhiệm (nay là Giám đốc), ông Liên là Phó Giám đốc. Từ 7 thành viên ban đầu, đến nay, HTX có gần 20 người tham gia. Đi vào hoạt động, Ban quản trị HTX không quản ngày lễ, tết, tranh thủ thời gian tới từng nhà vận động dồn điền, đổi thửa.

Trong thời gian ngắn, toàn bộ 27 ha đất nông nghiệp ở thôn Trám vốn manh mún đã được dồn đổi xong để sản xuất khoai tây và giống lúa lai. Để giúp bà yên tâm sản xuất, ổn định đầu ra cho nông sản, HTX là cầu nối giữa người dân với doanh nghiệp. Đơn vị thông báo diện tích, chủng loại cây trồng, tổ chức cung ứng giống, phân bón và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trước khi vào vụ mới. Ngoài ra, HTX đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua máy cày, máy gặt đập liên hợp, máy sấy thóc công suất lớn giúp người dân sản xuất kịp thời vụ, giảm ngày công lao động.

Theo ông Nguyễn Văn Thơm, Giám đốc HTX Tân Tiến, được hướng dẫn kỹ thuật canh tác, đến nay người dân thôn Trám đã thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng “4 cùng” trong canh tác. Đó là cùng sản xuất một loại giống, cùng gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch. Điểm nổi bật trong 2 vụ gần đây, được UBND huyện, Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Tân Nông hỗ trợ, HTX vận động nông dân trồng thành công 20 ha khoai tây theo quy trình GlobalGAP để xuất khẩu. Từ sản xuất khoai tây và giống lúa lai, mỗi năm người dân thu lãi khoảng 4 tỷ đồng. Hiện, thôn còn 3 hộ nghèo, 70/127 hộ thu nhập từ 100 - 600 triệu đồng/năm. Kinh tế phát triển, bà con đóng góp hơn 1 tỷ đồng cứng hóa đường giao thông nông thôn, xây dựng công trình phúc lợi. 

Với kết quả nổi bật, năm 2014, HTX Kinh doanh dịch vụ Tân Tiến được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Đây là mô hình HTX kiểu mới được UBND huyện khuyến khích nhân rộng.

anh-1.jpg
 Hạ tầng nông thôn được cải thiện

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm