Gợi mở các tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc

D.H
28/06/2021 - 16:40
Gợi mở các tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc

TS Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTT&DL - tham luận tại hội thảo "Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam: Nhận diện và giải pháp" sáng 28/6

Hướng đến xây dựng tiêu chí gia đình hạnh phúc trong giai đoạn hiện nay là nội dung được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đặc biệt quan tâm nghiên cứu, có khảo sát trên diện rộng để làm cơ sở đánh giá trong quá trình xây dựng các tiêu chí.

Xây dựng tiêu chí gia đình hạnh phúc: Không đơn giản!

Tham luận tại hội thảo khoa học quốc gia "Đưa Nghị quyết XIII vào cuộc sồng: Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam - nhận diện và giải pháp" do Hội LHPNVN phối hợp với Viện Hàn lâm KHXHVN và Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới phối hợp tổ chức sáng 28/6, TS. Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTT&DL, khẳng định, nhận diện tiêu chí gia đình hạnh phúc là điều không hề đơn giản.

Theo bà, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: "Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh". Gia đình hạnh phúc vừa là động lực, vừa là mục tiêu của mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội. Tuy nhiên, rất khó để trả lời câu hỏi "thế nào là gia đình hạnh phúc?" và "những tiêu chí nào là cơ sở để để xác định, đánh giá được gia đình hạnh phúc?".

Trong bối cảnh đó, năm 2018-2019, Vụ Gia đình, Bộ VHTT&DL, tiến hành đề tài khoa học cấp bộ "Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc trong giai đoạn hiện nay". Nghiên cứu nhằm xác định cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở Việt Nam, đánh giá thực trạng gia đình hạnh phúc theo từng tiêu chí được xây dựng, từ đó đề xuất và hoàn thiện tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

TS Tuyết Ánh thông tin, số liệu thu được cho thấy, các yếu tố liên quan đến mối quan hệ gia đình và giá trị gia đình như sự thương yêu, hòa thuận, có nề nếp giữa các thành viên được đánh giá là điều kiện quan trọng nhất tạo dựng gia đình hạnh phúc.

Trong số 21 yếu tố được đưa ra, các yếu tố liên quan đến mối quan hệ bên trong gia đình được lựa chọn với số điếm cao nhất. Đặc biệt tiêu chí: Con cháu ngoan, lễ phép, chăm chỉ học tập, làm việc; Thành viên gia đình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau được cho là quan trọng khi xác định gia đình hạnh phúc.

Các yếu tố liên quan đến điều kiện vật chất cũng được đánh giá là quan trọng nhưng ở mức thấp hơn so với các yếu tố liên quan đến quan hệ gia đình và quan hệ với dòng họ, cộng đồng. Được lựa chọn nhiều nhất là điều kiện về môi trường sống, tiếp đến là tiêu chí có nhà ở, đủ tiện nghi sinh hoạt, có việc làm, có thu nhập ổn định, sử dụng thực phẩm an toàn.

"Nhìn chung, có thể thấy, gia đình hạnh phúc được xác định bởi nhiều yếu tố khác nhau nhưng đặt lên trên hết là yếu tố về chất lượng mối quan hệ của các thành viên gia đình, bao gồm sự yêu thương, gắn kết, chia sẻ, hòa thuận, chăm sóc giữa các thành viên, giữa các thế hệ trong gia đình", bà Ánh nhìn nhận.

Hơn 80% gia đình hài lòng về bữa ăn gia đình và ngôi nhà đang ở

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số nội dung về mức độ hài lòng như: Đời sống vật chất, mối quan hệ gia đình, sức khỏe, môi trường sống…

Mức độ hài lòng về đời sống vật chất của gia đình được xác định bao gồm ăn, mặc, ở, đi lại, tiện nghi sinh hoạt và tài sản tích lũy của các gia đình. Kết quả của nhóm nghiên cứu cho thấy:

Có 81% đại diện hộ gia đình hài lòng hoặc rất hài lòng về bữa ăn gia đình; 82,5% đại diện hộ gia đình hài lòng và rất hài lòng về ngôi nhà đang ở, chỉ có 1% không hài lòng và 2,5% hài lòng ở mức thấp.

Gợi mở các tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Mức độ hài lòng về mối quan hệ gia đình được đánh giá trên các chiều cạnh: đời sống vợ/chồng, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, mối quan hệ họ hàng nên nội, bên ngoại… Kết quả cho thấy:

83% người trả lời có điểm hài lòng từ 8 điểm trở lên khi đánh giá về đời sống vợ chồng; 94,5% người trả lời hài lòng đến rất hài lòng về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với nhau. 94,5% người trả lời hài lòng đến rất hài lòng với mối quan hệ gia đình bên bố mẹ đẻ; 92% cho biết họ hài lòng đến rất hài lòng với mối quan hệ gia đình bên nhà vợ/chồng của mình

Mức độ hài lòng về sức khỏe của thành viên gia đình, kết quả: 75% người trả lời hài lòng cao về tình trạng sức khỏe của bản thân và 76% hài lòng về sức khỏe hiện tại của người chồng/vợ của họ. Về sức khỏe của các thành viên gia đình, mức hài lòng là 88,5%, còn mức hài lòng về sức khỏe của con, cháu của họ là 92,5%

Mức độ hài lòng về môi trường sống như chất lượng và sự thuận tiện của các dịch vụ xã hội nơi gia đình cư trú cũng như môi trường xã hội nói chung và cộng đồng dân cư, số liệu thu được cho thấy, đa số đại diện hộ gia đình thể hiện sự hài lòng với các tiêu chí về môi trường sống. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận chưa thực sự hài lòng về dịch vụ y tế cũng như chất lượng dịch vụ xã hội nói chung.

Xu hướng đề cao yếu tố tình cảm thay vì vật chất

Kết quả nghiên cứu cho thấy một điều khá thú vị, đó là các gia đình đề cao các yếu tố tình cảm, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình chứ không phải các yếu tố vật chất. "Điều này cho thấy yếu tố vật chất có thể chỉ là điều kiện đảm bảo để xây dựng gia đình hạnh phúc. Khi điều kiện vật chất đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu thì yếu tố quyết định gia đình hạnh phúc chính là các giá trị tinh thần có trong gia đình", bà Tuyết Ánh nhìn nhận.

Một đánh giá khác nữa mà nhóm nghiên cứu chỉ ra, đó là mức sống hay điều kiện kinh tế gia đình không phải là yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến sự hài lòng về quan hệ gia đình. Sự quan tâm, chia sẻ giữa các thành viên gia đình mới là yếu tố thúc đẩy sự hài lòng. Những gia đình có mâu thuẫn, bất đồng hay có hành vi bạo lực có điểm số đánh giá về mức độ hài lòng thấp hơn so với những gia đình không có hành vi này. Như vậy, các hoạt động giáo dục gia đình nhằm thúc đẩy mối quan hệ bình đẳng, sẻ chia là quan trọng trong bối cảnh biến đổi xã hội hiện nay.

Theo TS Trần Tuyết Ánh, kết quả nghiên cứu là bước khởi thảo trong tiến trình xây dựng bộ tiêu chí đánh giá về gia đình hạnh phúc tại Việt Nam. Gia đình Việt luôn có xu hướng đề cao các giá trị tinh thần, mối quan hệ gia đình và xem đó là yếu tố quan trọng để xây dựng gia đình hạnh phúc. Mặt khác, các yếu tố vật chất là điều kiện, cơ sở để có được gia đình hạnh phúc.

Do đó, theo bà Ánh, về mặt chính sách, nhà nước cần tiếp tục nâng cao điều kiện sống cho các gia đình nói chung. Song song với quá trình đó là sự đầu tư, nuôi dưỡng, duy trì các hệ giá trị tốt đẹp của gia đình để "xây dựng đời sống tinh thần" của thiết chế xã hội cơ bản này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm