pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gợi ý một số cách chữa hôi miệng đơn giản, hiệu quả tại nhà
- 1. Nguồn gốc của tình trạng hôi miệng
- 2. Các cách chữa hôi miệng tại nhà
- 2.1. Đảm bảo vệ sinh răng miệng
- 2.2. Cách chữa hôi miệng với mùi tây
- 2.3. Cách chữa hôi miệng dứt điểm với nước ép dứa
- 2.4. Chữa hôi miệng tại nhà với sữa chua
- 2.5. Chữa hôi miệng với cam
- 2.6. Loài bỏ mùi hôi miệng với trà xanh
- 2.7. Cách chữa hôi miệng với táo
- 2.8. Tự là nước súc miệng khử mùi hôi với baking soda
- 2.9. Cách chữa hôi miệng bằng lá ổi tại nhà
- 2.10. Cách chữa viêm lợi và hôi miệng
- 3. Khi nào cần đi khám?
Hôi miệng là tình trạng không nguy hiểm nhưng khiến người mắc phải thiếu tự tin khi giao tiếp. Nếu bạn nghi ngờ hơi thở của mình có mùi nặng thì đừng quá lo lắng. Hiện nay, có rất nhiều cách chữa hôi miệng dứt điểm ngay tại nhà bằng những nguyên liệu vô cùng đơn giản.
1. Nguồn gốc của tình trạng hôi miệng
Miệng là nơi luôn chứa khá nhiều loại vi khuẩn. Khi bạn ăn, các mẩu thức ăn nhỏ sẽ mắc vào răng. Những loại vi khuẩn có trong miệng sẽ phát triển trên những mẩu thức ăn còn sót lại trong miệng và giải phóng hợp chất lưu huỳnh, gây ra mùi hôi miệng.
Nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng hôi miệng là do vệ sinh răng kém. Nếu không đánh răng và dùng chỉ nha khoa vệ sinh răng thường xuyên, vi khuẩn trong miệng sẽ phát triển tạo thành một lớp màng vi khuẩn được gọi là mảng bám trên răng. Khi những mảng bám này không được chải sạch ít nhất 2 lần mỗi ngày, nó sẽ tạo ra mùi hôi và nặng hơn là gây sâu răng.
Tất cả các loại thực phẩm bạn ăn đều có thể mắc kẹt trong răng của bạn, thế nhưng một số loại gia vị như tỏi và hành dễ dẫn đến hôi miệng hơn. Ngoài ra, việc tiêu hóa những loại thực phẩm này cũng giải phóng ra các hợp chất lưu huỳnh vào máu. Khi máu di chuyển đến phổi, nó cũng sẽ ảnh hưởng đến hơi thở.
Mặc dù hơn 90% các trường hợp hôi miệng có nguyên nhân bắt nguồn từ thức ăn ở miệng, nhưng đôi khi nguồn gốc của tình trạng này cũng đến từ những nơi khác trong cơ thể. Nó có thể là kết quả của tình trạng trào ngược axit, biến chứng tiểu đường hoặc suy thận. Trong những trường hợp này, hãy bắt đầu một chế độ ăn mới cũng là cách chữa hôi miệng hiệu quả.
2. Các cách chữa hôi miệng tại nhà
2.1. Đảm bảo vệ sinh răng miệng
Theo các nghiên cứu, vệ sinh răng miệng kém chính là nguyên nhân hàng đầu gây hôi miệng. Do đó, việc ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám chính là chìa khóa khi nói đến cách chữa hôi miệng hiệu quả. Hãy đảm bảo rằng bạn đánh răng với kem đánh răng có chứa fluor trong 2 phút; ít nhất hai lần mỗi ngày, tốt nhất là sáng và tối.
Bác sĩ nha khoa khuyến nghị rằng, nếu được hãy đánh răng sau mỗi bữa ăn để ngăn ngừa sâu răng và hôi miệng. Để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển trên thức ăn còn mắc kẹt trong các kẽ răng, hãy sử dụng chỉ nha khoa ít nhất một lần mỗi ngày.
Ngoài ra, vi khuẩn cũng có thể tích tụ trên lưỡi, gây ra mùi hôi. Bạn có thể dùng dụng cụ cạo lưỡi để loại bỏ đi lớp mảng mỏng này và cũng thực hiện ít nhất một lần mỗi ngày.
2.2. Cách chữa hôi miệng với mùi tây
Mùi tây (hay còn gọi là ngò tây) là nguyên liệu dân gian tuyệt vời dùng để chữa hôi miệng. Với hương thơm tươi mát và thành phần diệp lục cao, mùi tây có khả năng khử mùi rất tốt. Các nghiên cứu cho thấy, mùi tây có khả năng chống lại các hợp chất lưu huỳnh gây hôi miệng vô cùng hiệu quả.
Cách chữa hôi miệng tại nhà với mùi tây vô cùng đơn giản, hãy nhai lá mùi tây tươi sau mỗi bữa ăn là được.
2.3. Cách chữa hôi miệng dứt điểm với nước ép dứa
Nhiều người cho rằng, dùng nước ép dứa chính là cách chữa hôi miệng dứt điểm và nhanh chóng nhất. Hiện vẫn chưa có bằng chứng khoa học để chứng minh cho điều này, tuy nhiên một số báo cáo thống kế lại cho thấy nước ép dứa có thể cải thiện tình trạng hôi miệng hiệu quả.
Cách chữa hôi miệng với nước ép dứa khá đơn giản, bạn chỉ cần nhai một lát dứa trong khoảng 1-2 phút sau bữa ăn là được. Tuy nhiên, cần lưu ý là hãy súc miệng sạch sau khi ăn dứa hoặc uống nước ép dứa để tránh đường còn bám trên răng.
2.4. Chữa hôi miệng tại nhà với sữa chua
Sữa chua có chứa vi khuẩn lành mạnh có tên gọi là lactobacillus. Những vi khuẩn này có thể giúp "đánh" lại các loại vi khuẩn xấu ở nhiều bộ phận khác nhau trong cơ thể, ví dụ như đường ruột.
Nghiên cứu cho thấy rằng, sữa chua cũng là nguyên liệu chữa hôi miệng vô cùng hiệu quả. Một khảo sát cho thấy sau sáu tuần ăn sữa chua, 80% người tham gia khảo sát đã giảm hẳn tình trạng hôi miệng. Probiotics có trong sữa chua thật sự hiệu quả trong việc giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của tình trạng hôi miệng.
Cách chữa hôi miệng với sữa chua chỉ là bạn hãy ăn ít nhất một phần sữa chua không béo mỗi ngày là đủ.
2.5. Chữa hôi miệng với cam
Cam không chỉ là loại quả lành mạnh mà còn là nguyên liệu giúp vệ sinh răng miệng tuyệt vời. Nhiều người bị hôi miệng là do không tiết đủ nước bọt để làm sạch vi khuẩn gây mùi hôi. Nghiên cứu cho thấy rằng, vitamin C giúp cơ thể tăng tiết nước bọt, có thể giúp loại bỏ đi tình trạng hơi thở nặng mùi. Cam là một loại trái cây vô cùng thích hợp.
Bạn có thể dùng cam để làm trái cây tráng miệng sau bữa ăn hoặc uống một cốc nước cam là được.
2.6. Loài bỏ mùi hôi miệng với trà xanh
Cách chữa hôi miệng tại nhà với trà xanh được đánh giá là khá hiệu quả. Theo nghiên cứu, trà xanh là nguyên liệu có đặc tính khử mùi và khử trùng, chúng có thể làm hơi thở thơm mát tức thời. Bạc hà cũng có tác dụng tương tự như vậy nên bạn có thể pha một tách trà trà xanh bạc hà để giúp hơi thở thơm mát.
Bạn có thể pha nhiều trà xanh trước khi đi ngủ và bảo quản lạnh qua đêm. Hãy đổ trà mát vào bình nước và mang đi làm, sau đó từ từ nhấm nháp suốt cả ngày và tự tin với hơi thở thơm mát.
2.7. Cách chữa hôi miệng với táo
Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, táo là loại quả có tác dụng vô cùng mạnh mẽ đối với mùi hôi của tỏi. Một số hợp chất tự nhiên có trong táo có khả năng giúp trung hòa mùi hôi có trong tỏi. Điều này đặc biệt hữu hiệu đối với những người ăn nhiều tỏi vì nó giúp trung hòa các hợp chất trong máu, thay vì chỉ khử mùi hôi ở miệng.
2.8. Tự làm nước súc miệng khử mùi hôi với baking soda
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng baking soda là nguyên liệu có thể tiêu diệt vi khuẩn trong miệng nhanh chóng và hiệu quả. Nghiên cứu cũng có thấy, kem đánh răng có chứa baking soda nồng độ cao cũng giúp giảm mùi hôi miệng vô cùng đơn giản.
Cách làm nước súc miệng khử mùi hôi với baking soda: Hãy cho 2 muỗng cà phê baking soda vào một cốc nước ấm. Khuấy đều rồi dùng dung dịch này súc miệng trong khoảng 30 giây rồi nhổ ra.
2.9. Cách chữa hôi miệng bằng lá ổi tại nhà
Lá ổi là nguyên liệu dễ tìm kiếm và có công dụng rất tốt để chữa hôi miệng. Nếu có hơi thở nặng mùi, hãy thử một trong các cách chữa hôi miệng với lá ổi sau đây:
2.9.1. Nhai lá ổi khô
Bạn có thể dùng một chút bột lá ổi khô hòa trộn với một ít muối rồi nhai đều đặn 2 lần mỗi ngày. Hỗn hợp lá ổi và muối sẽ giúp làm sạch cao răng, sạch miệng và giúp giảm giảm đi tình trạng viêm nướu và hôi miệng.
2.9.2. Trà lá ổi
Một cách chữa hôi miệng bằng lá ổi khác chính là uống loại trà pha từ lá ổi. Nguyên liệu cần chuẩn bị cho món trà này là bộ nghệ, lá ổi non, bột quế và mật ong.
Hãy rửa sạch lá ổi tươi, cho vào nồi đun sôi trong khoảng 10 phút. Sau đó, để lửa nhỏ và cho vào nồi thêm bột quế, bột nghệ và khuấy đều tay. Cuối cùng, cho thêm mật ong rồi tắt bếp. Để trà nguội rồi chắt lấy phần nước và bảo quản trong tủ lạnh.
Uống loại trà lá ổi vừa đun đều đặn hai lần mỗi ngày sẽ giúp giảm hôi miệng hiệu quả. Tuy nhiên, bột quế có đặc tính nóng, vì vậy không nên uống quá 2 tách mỗi ngày.
2.9.3. Súc miệng với nước lá ổi non
Ngoài những cách chữa hôi miệng bằng lá ổi kể trên, bạn cũng có thể đun nước lá ổi non, thêm vào chút muối biển và dùng làm nước súc miệng vài lần mỗi ngày. Tốt nhất, nên súc miệng với nước lá ổi sau khi đánh răng để có hiệu quả giảm hôi miệng tối ưu nhất.
2.10. Cách chữa viêm lợi và hôi miệng
Tình trạng viêm lợi gây nên vấn đề hơi thở có mùi là bệnh lý thường gặp ở nhiều người. Cách chữa viêm lợi và hôi miệng hiệu quả nhất vẫn là dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ; kết hợp với việc vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
Để giải quyết dứt điểm hôi miệng, bác sĩ có thể kê đơn một số loại gel, thuốc giảm đau chống viêm hoặc các loại viên ngậm để chữa viêm lợi dứt điểm. Sau khi khỏi bệnh viên nha chu, sức khỏe răng và mùi hôi miệng cũng được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, tùy vào tình hình bệnh viêm lợi mà bác sĩ có những chỉ định điều trị khác nhau, bao gồm:
2.10.1. Trường hợp viêm lợi và hôi miệng nhẹ
Đối với những bệnh nhân viêm lợi nhẹ, bác sĩ nha khoa có thể chỉ định cạo vôi răng, làm sách các loại mảng bám gây nên tình trạng viêm lợi. Đồng thời, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh dùng các loại thuốc chống viêm, thuốc bôi để giúp loại bỏ vi khuẩn gây viêm lợi và hôi miệng.
2.10.2. Viêm lợi và hôi miệng nặng
Khi viêm lợi và hôi miệng đã tiến triển nặng hơn, bác sĩ cần nhiều cách để điều trị dứt điểm những vùng lợi và răng bị viêm nhiễm nhằm loại bỏ mủ. Nhiều trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện trám bít ống tủy để bảo vệ răng khỏi những loại vi khuẩn xấu.
3. Khi nào cần đi khám?
Hầu hết các trường hợp gặp tình trạng hôi miệng đều có thể giải quyết đơn giản bằng vệ sinh răng miệng thời xuyên. Nếu vệ sinh răng miệng kỹ càng và áp dụng một số cách chữa hôi miệng tại nhà mà không có hiệu quả, hãy đến khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân chính xác.
Nguồn tham khảo: https://www.healthline.com/health/home-remedies-for-bad-breath#see-a-doctor