pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gợi ý thực đơn cho người mắc bệnh sởi
Thiếu dinh dưỡng và miễn dịch kém là yếu tố nguy cơ bị các nguồn bệnh tấn công. Cho người bệnh ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm, không quá kiêng khem để bù lại các chất dinh dưỡng mất đi, đặc biệt là năng lượng và protein do quá trình nhiễm trùng và tiến triển bệnh.
Chế độ ăn cho người đang mắc sởi cần đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm. Nhóm cung cấp chất bột đường, chất đạm, giàu vitamin – khoáng chất thiết yếu.
Sau đây là thực đơn gợi ý cho người mắc sởi:
1. Món giàu chất đường bột
Tinh bột đứng đầu trong tháp dinh dưỡng hàng ngày của mỗi người, vì vậy không được bỏ hoặc kiêng ăn tinh bột.
Món gợi ý: cơm trắng, cơm nếp (xôi).
Trong trường hợp người bệnh cảm thấy khó nuốt hoặc bị biến chứng họng, có thể thay cơm bằng mì hoặc nui, cháo, miến, bánh mì, ngũ cốc...
2. Món có nhiều đạm, kẽm và Selen
Các thực phẩm giàu đạm có giá trị sinh học cao, cung cấp kẽm và sắt giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng. Kẽm rất quan trọng cho sự phát triển các tế bào bạch cầu giúp nhận biết và tiêu diệt các loại vi khuẩn, virus xâm nhập. Selen giúp các tế bào bạch cầu sản xuất các cytokine-protein giúp loại bỏ vi rút gây bệnh như vi rút cúm ra khỏi cơ thể
Món gợi ý: thịt bò, thịt lợn, hải sản như tôm, cá (cá chép, cá quả, cá basa, cá bông lau, cá hồi, cá trích…), hàu, cua và sò, gia cầm
3. Món ăn có vitamin và khoáng chất
Các loại vitamin A, C, E, D đã được chứng minh là giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các tế bào da, đường tiêu hóa và tế bào biểu mô phổi, tạo thành “hàng rào” chính bảo vệ người bệnh khỏi các yếu tố từ môi trường bên ngoài.
Món gợi ý: cà rốt, cải xoăn, súp lơ xanh, bí, quả mơ, cá và khoai lang.
Vitamin C, D, giúp tăng cường sản sinh tế bào bạch cầu và kháng thể gồm interferon kháng thể. Interferon bao phủ lên bề mặt tế bào giúp hạn chế sự xâm nhập của vi rút, nâng cao sức đề kháng và cung cấp nước cho trẻ.
Món gợi ý: dâu tây, cam, chanh, bưởi, lòng đỏ trứng, dầu cá,...
Vitamin E: kích thích sự sản sinh các tế bào diệt vi khuẩn tự nhiên và tế bào B giúp sản sinh kháng thể chống lại vi khuẩn.
Món gợi ý: các loại hạt, dầu thực vật và ngũ cốc.
4. Người mắc bệnh sởi nên ăn bữa phụ
Trong bữa phụ có thể bổ sung cho người bệnh thêm sữa và chế phẩm từ sữa để bổ sung thêm chất đạm, kẽm, vitamin,... qua đường uống.
Các món thông thường: sữa đặc, sữa tươi, phô mai...
Probiotic là loại vi khuẩn lành mạnh giúp loại bỏ các vi khuẩn gây bệnh ra khỏi đường ruột. Bổ sung probiotic giúp dễ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng cho người bị sởi.
Các món gợi ý: sữa chua, váng sữa, ăn 1 hộp sau bữa ăn chính.
5. Những lưu ý khi xây dựng thực đơn
Dù hàng ngày bệnh nhân ăn gì, người bệnh vẫn cần chú ý cho họ uống đủ nước, nhất là trong giai đoạn đang sốt, nôn, tiêu chảy.
Nên kết hợp ăn nhiều loại hoa quả trong 3 ngày đầu tiên bị bệnh, kết hợp uống nước quả như nước cam, nước bưởi, nước chanh và các loại nước quả, sinh tố khác.
Nên ăn đa dạng thực phẩm : 15-20 loại thực phẩm mỗi ngày.
Thức ăn chế biến dạng lỏng, hay mềm, theo sở thích của từng bệnh nhân. Những thực phẩm nên chế biến mềm, ít muối và gia vị. Món gợi ý: ngũ cốc nguyên cám, súp nhạt.
Người nhà cố gắng hạn chế các loại thực phẩm chế biến chiên xào chứa nhiều dầu mỡ, chất béo và thực phẩm chế biến sẵn. Tránh các loại đồ uống có chất kích thích, đồ uống có đường nhân tạo để bệnh nhân nhanh khỏi hơn.
Tuyệt đối không dùng những thức ăn mà họ có tiền sử bị dị ứng.