pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gửi hội công sở “cày như trâu” nhưng lương vẫn thấp
Trong công ty, có những cá nhân năng lực không hề tệ nhưng họ vẫn không được đồng nghiệp ủng hộ, sếp đánh giá cao. Ở một khía cạnh nào đó, có thể, thứ họ đang làm chỉ là hoàn thành công việc để cuối tháng lấy lương. Cho nên, năng lực thôi vẫn chưa thật sự là đủ cho một môi trường văn phòng nhiều chông gai và lắm thử thách. Dưới đây là 3 cạm bẫy, nếu chúng ta không sớm nhận ra sẽ dễ bị đào thải khỏi tổ chức:
1. Đừng lạm dụng câu "em không hiểu chỗ nào thì hỏi"
Thông thường, đối với những ai vừa mới vào công ty, sẽ hay được nghe "ma cũ" hỏi có thắc mắc gì không. Thoạt nhìn, đó có vẻ là cơ hội để chúng ta dễ học hỏi kinh nghiệm của người đi trước. Nhưng, nếu cứ hỏi khi không tìm được câu trả lời thì y như rằng, chúng ta sẽ nhận được phản hồi thế này: "Em tự tìm hiểu trước đi". Có một sự thật hiển nhiên rằng: Chất lượng của các câu hỏi được đặt ra sẽ phản ánh khả năng của chính chúng ta.
Chưa tìm hiểu rõ đã vội hỏi, chứng tỏ chúng ta không động não để giải quyết vấn đề, luôn nhờ vả người khác và cấp trên sẽ nghi ngờ khả năng của chúng ta dựa vào những câu hỏi này.
"Hỏi khi không hiểu" đôi khi không phải cách hay, mà đó thể hiện sự rụt rè và không chịu tìm tòi. Quan trọng hơn, tại nơi làm việc, sự tương tác giữa mọi người về cơ bản là sự trao đổi giá trị. Chúng ta hỏi đồng nghiệp khi cần, họ sẽ tìm chúng ta để giải đáp giống như cách chúng ta từng hỏi họ.
Tham vấn ý kiến của người khác là không sai nhưng thành thật mà nói, ít có đồng nghiệp nào thực tâm chia sẻ cho chúng ta biết làm vậy đúng hay sai, nhất là trong môi trường cạnh tranh và loại trừ lẫn nhau. "Không hiểu thì hỏi" có chăng là dịp để chúng ta hỏi những câu hỏi thực sự đáng được hỏi, chứ không phải là cái cớ để bộ não lười biếng.
2. Làm việc cần cẩn trọng, hạn chế sai sót, sai rồi phải báo kịp thời
Chẳng ai trong số chúng ta cam tâm làm chân sai vặt, vì ai cũng muốn kiến công, lập nghiệp, thử thách mình qua những hạng mục công việc lớn và đầy thử thách. Tuy nhiên, khi đối mặt với khó khăn, sai sót xảy ra là điều khó có thể tránh khỏi. Tệ hơn, chúng ta còn không thể xác định được mình sai ở đâu.
Tình trạng tiếp nhận công việc thụ động xảy ra khá thường xuyên trong môi trường công sở. Chúng ta nên hỏi rõ việc mình cần làm khi cần thiết, song song đó, chủ động phản hồi kịp thời những bất ổn, nguy cơ và rủi ro xảy ra trong công việc. Bởi trên thức tế, chẳng ai hoàn hảo và sai lầm luôn là thứ có thể xảy ra. Người có được sự tin tưởng không phải là người không phạm sai lầm mà là người biết theo dõi liên tục và phản hồi kịp thời.
Khi nhiệm vụ không thể hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng, điều quan trọng hơn là phải xác nhận kịp thời mà không trì hoãn tiến độ của đội nhóm.
Do đó, để có được sự tín nhiệm, chúng ta cần loại bỏ thói quen chần chừ. Hãy liệt kê các nhiệm vụ thật chi tiết và sắp xếp chúng theo mức độ ưu tiên. Theo thời gian dự kiến, đánh dấu vào từng nhiệm vụ nhỏ đã hoàn thành để giảm bớt căng thẳng và tạo động lực để tiếp tục.
Một cách khác để cải thiện sự trì hoãn là sử dụng tín hiệu tâm lý để kích thích hành động. Khi đối mặt với một nhiệm vụ, hãy đặt thời gian bắt đầu cho chính mình.
3. Đừng để bản thân giả vờ chăm chỉ
Một nhân viên bình thường nghĩ về cách hoàn thành công việc nhưng một nhân viên giỏi sẽ nghĩ về cách làm mọi thứ tốt hơn. Suy xét không hẳn là mất thời gian, nó sẽ cho phép chúng ta tìm ra những cách thức hiệu quả hơn, giải quyết vấn đề triệt để hơn.
Suy nghĩ lại việc đã làm cũng quan trọng như làm việc. Nhân viên bình thường chỉ làm việc một cách máy móc, không tóm tắt và tổng kết kinh nghiệm. Việc xem xét lại những việc đã làm trong dự án trước bị cho là lãng phí thời gian. Nhiệm vụ đã được giao và bản tóm tắt có vẻ dư thừa đối với họ.
Người làm việc hiệu quả có thể học hỏi từ người khác để không mắc phải những sai lầm tương tự. Những người như một cuốn bách khoa toàn thư biết tất cả mọi thứ, không phải họ có một trí nhớ tốt, mà là họ có những thói quen tốt và hiệu quả công việc của họ sẽ rất cao.