pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hạ cam ở nam giới là gì? Những thông tin bạn cần biết về bệnh hạ cam
Bệnh hạ cam ở nam giới thuộc nhóm bệnh xã hội, lây nhiễm chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn. Với tỷ lệ cứ 50-60 /100.000 người bị nhiễm, hạ cam trở thành một trong những bệnh lây qua đường tình dục phổ biến nhất trên thế giới, đặc biệt là các nước vùng nhiệt đới đang phát triển. Bệnh tập trung ở các quần thể dân cư sống ở thành thị nhưng có điều kiện kinh tế kém, người nghiện chích ma túy.
1. Bệnh hạ cam ở nam giới là gì?
Đây là một bệnh lý nhiễm trùng lây lan qua đường sinh dục, có tính chất tương tự như bệnh herpes sinh dục và giang mai. Bệnh đặc trưng bởi các lở loét đau đớn trên cơ quan sinh dục. Chancroid lây từ người san người qua quan hệ tình dục. Mặc dù không phổ biến ở phương Tây, loét hạ cam là nguyên nhân phổ biến nhất gây loét sinh dục trên toàn thế giới.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Tác nhân gây bệnh là trực khuẩn Gram-âm có tên là Haemophilus ducreyi. Bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp, chủ yêu lây qua quan hệ tình dục. Trực khuẩn hạ cam có thể tự lây nhiễm từ thương tổn ra vùng da niêm mạc lành nên người bệnh thường có nhiều thương tổn. Bệnh cũng lây truyền khi tiếp xúc da với người bị bệnh.
Đây là một căn bệnh được tìm thấy chủ yếu ở các nước đang phát triển, phổ biến nhất ở các nhóm kinh tế xã hội thấp, liên quan đến gái mại dâm.
Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh hạ cam ở nam giới là gì?
Các đối tượng đang trong độ tuổi hoạt động tình dục sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu có những yếu tố sau đây:
- Những người sống ở các vùng có điều kiện sống không đầy đủ như thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thiếu lương thực, nước uống, môi trường sống chật hẹp.
- Các đối tượng quan hệ tình dục không an toàn hoặc với nhiều người.
3. Dấu hiệu, triệu chứng
Triệu chứng toàn thân có thể sốt nhẹ, mệt mỏi. Tuy vậy, H. ducreyi không gây nhiễm khuẩn toàn thân hoặc lây truyền sang các cơ quan xa. Trên những người bệnh HIV/AIDS thì vết loét lớn hơn, lâu lành hơn và ít bị viêm hạch bạch huyết nặng như người bình thường.
Bên cạnh đó, các dấu hiệu khác của bệnh hạ cam ở nam giới là gì còn phụ thuộc vào diễn biến qua 2 giai đoạn là săng hạ cam và hạch bạch huyết.
3.1 Giai đoạn săng hạ cam
- Bệnh có thời gian ủ bệnh khá ngắn, khoảng 3 đến 5 ngày, sau đó sẽ có biểu hiện dấu hiệu săng hạ cam hình tròn, bị loét sâu, bên trong có mủ và chất tiết bẩn, dễ chảy máu, đáy lồi lõm và có chồi thịt bên trong.
- Bệnh chỉ gây đau theo vùng, không có biểu hiện đau toàn thân. Các vết loét đặc trưng có kích thước từ 3 đến 50 mm, gây đau đớn. Loét có đường viền không đều hoặc rách, có hạt màu vàng hoặc vàng xám.
- Các vết loét tập trung chủ yếu ở dương vật, bao quy đầu, rãnh dương vật, hậu môn hoặc họng, lưỡi, chân, tay...
- Thường xuất hiện phù nề quanh tổn thương. Có thể chỉ có một tổn thương nhưng đa phần là nhiều tổn thương do tự lây nhiễm. Nếu không được điều trị, các vết loét có thể dai dẳng vài tháng gây ra các vết loét kích thước lớn, khi lành để lại sẹo gây xơ hóa.
- Lây nhiễm và phát triển rộng ra gây phù, tắc nghẽn bao quy đầu. Thậm chí hoại tử khiến nam giới đau dữ dội.
3.2 Hạch bạch huyết
- Sau 1-2 tuần kể từ khi có sự dấu hiệu của săng hạ cam, cơ thể người bệnh bắt đầu xuất hiện hạch bạch huyết.
- Hạch bạch huyết có đặc điểm là những nốt hạch sưng to, đỏ, bên trong chứa mủ. Sau đó, hạch vỡ ra tạo thành các vết loét tự nhiễm hoặc ổ áp xe.
4. Biến chứng
Bệnh hạ cam ở nam giới nếu kéo dài quá lâu có thể dẫn đến những biến chứng cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh, bao gồm:
- Nguy cơ lây nhiễm HIV: Bệnh hạ cam làm sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm đáng kể. Cùng với tình trạng viêm nhiễm đang diễn ra, người bệnh có nguy cơ mắc HIV cao hơn người bình thường.
- Sưng tấy bộ phận sinh dục: Nam giới nếu bị trực khuẩn hạ cam tấn công sẽ bị sưng vùng bìu, bẹn, tinh hoàn, dương vật. Cơ thể còn xuất hiện các hạch viêm và không có khả năng tự phục hồi, tạo thành các tổ chức tích dịch.
- Viêm và hẹp bao quy đầu: Loét do hạ cam ở dương vật có thể gây viêm nhiễm, sưng và hẹp bao quy đầu. Nếu để kéo dài, tình trạng này có thể dẫn đến hẹp bao quy đầu.
- Rò niệu đạo: Vi khuẩn gây bệnh tấn công niệu đạo gây ảnh hưởng đến hoạt động bài tiết nước tiểu, gây tiểu buốt, tiểu rát, hẹp lỗ niệu đạo.
- Làm viêm nhiễm lan rộng: Người bị bệnh hạ cam có nguy cơ cao lây nhiễm thêm các bệnh xã hội khác như giang mai, nổi hạch bẹn, hạ cam hỗn hợp...
5. Điều trị
Bệnh hạ cam có thể được điều trị khỏi bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
Thuốc
Thuốc kháng sinh giúp tiêu diệt vi khuẩn và cũng có thể giúp giảm nguy cơ sẹo khi vết loét lành lại. Hiện nay, trực khuẩn hạ cam đã kháng lại một số thuốc như ampicilin, sulfamid, chloramphenicol, tetracyclin, kanamycin, streptomycin, ciprofloxacin, erythromycin và co-trimoxazol. Chính vì vậy, các loại thuốc được khuyến cáo điều trị hiện nay có thể là một trong số thuốc sau:
- Ceftriaxon 250mg tiêm bắp liều duy nhất.
- Azithromycin 1g liều duy nhất.
- Spectinomycin 2g tiêm bắp liều duy nhất.
- Erythromycin 500mg uống 4 lần/ngày trong 7 ngày.
Bệnh hạ cam sẽ cải thiện trong vòng 7 ngày sau khi bắt đầu dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên những người bị nhiễm HIV có thể đáp ứng với thuốc chậm hơn. Nếu bệnh nhân không đáp ứng với thuốc trong vòng 7 ngày thì bác sĩ cần phải đánh giá lại phương pháp điều trị.
Phẫu thuật
Trong một số trường hơp, điều trị phẫu thuật là cần thiết để dẫn lưu các tuyến bạch huyết bị nhiễm trùng. Hạch bạch huyết bị áp xe hóa có thể cần chọc hút, tháo dịch giúp giảm sưng đau nhưng có thể gây ra vết sẹo nhỏ tại chỗ.
Bệnh nhân mắc bệnh hạ cam không nên quan hệ tình dục cho đến khi tất cả các tổn thương khỏi hoàn toàn.
6. Chế độ sinh hoạt khi bị bệnh hạ cam ở nam giới
Một chế độ sinh hoạt với những thói quen lành mạnh, khoa học có thể giúp bệnh nhân hạn chế diễn tiến của bệnh hạ cam ở nam giới. Theo đó, người bệnh cần lưu ý:
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Không nên quan hệ tình dục trong quá trình điều trị.
- Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
7. Cách phòng chống bệnh hạ cam ở nam giới
Mọi người hoàn toàn có thể kiểm soát và phòng chống bệnh hạ cam ở nam giới bằng cách xây dựng một chế độ sinh hoạt khoa học, an toàn như
- Quan hệ tình dục an toàn.
- Quan hệ với chỉ một bạn tình mà đã biết người đó không mắc bệnh là an toàn nhất và là phương pháp thực tế nhất.
- Giữ vệ sinh thân thể và vùng kín sạch sẽ.
- Chú ý luyện tập thể thao và yếu tố dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Nếu bạn có bất cứ dấu hiệu nào của bệnh hạ cam hãy đến cơ sở y tế khám ngay và đồng thời thông báo với bạn tình để họ có thể đến khám và điều trị kịp thời.
8. Một số câu hỏi thường gặp
Những kỹ thuật y tế dùng để chẩn đoán bệnh hạ cam ở nam giới là gì?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh bằng cách quan sát vết loét, khám hạch bẹn sưng và loại trừ các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng chẩn đoán dựa trên những thông tin thu thập được từ việc lấy mẫu dịch từ vết loét. Mẫu dịch sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích. Việc chẩn đoán bệnh hạ cam hiện nay không cần xét nghiệm máu.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh hạ cam?
Nếu quan hệ tình dục, du lịch hoặc sống ở những quốc gia có chế độ chăm sóc sức khỏe, thức ăn, nhà cửa, nguồn nước thấp thì bạn có nhiều nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh hạ cam và giang mai có giống nhau không?
Giang mai và hạ cam đều là những bệnh lý nhiễm trùng lây lan qua đường tình dục. Chúng cũng đều gây ra các vết sùi loét ở bộ phận sinh dục cũng như trên cơ thể của nam giới và nữ giới. Thế nhưng đây là hai căn bệnh hoàn toàn khác nhau.
Bệnh giang mai gây ra bởi xoắn khuẩn Treponema pallidum. Còn bệnh hạ cam được gây ra bởi trực khuẩn Haemophilus ducreyi. Triệu chứng của hai căn bệnh này cũng không giống nhau, tuy nhiên nếu nhìn bằng mắt thường sẽ rất khó phân biệt được. Chính vì thế, đối với những căn bệnh này cách phát hiện tốt nhất chính là phải đi xét nghiệm máu VDRL để tìm kháng thể giang mai.
Bệnh hạ cam có thể chữa khỏi không?
Bệnh hạ cam nếu được chẩn đoán chính xác thì có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng thuốc. Các thuốc có hiệu quả đối với bệnh hạ cam là erythromycin, ciproflocacine, ceftriaxone, trimethoprim/sulfamethoxazole. Tuy nhiên, việc điều trị cần phải theo chỉ định của bác sĩ.