pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hà Giang chỉ còn 197 cặp tảo hôn, 5 cặp hôn nhân cận huyết thống
Phụ nữ các dân tộc tỉnh Hà Giang tìm hiểu, tiếp cận các kiến thức về sức khoẻ sinh sản, tránh hôn nhân cận huyết. Ảnh minh hoạ
- Hà Giang là tỉnh miền núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn hiện nay ra sao, thưa bà?
Bà Trần Thị Yến Nga: Hà Giang là tỉnh vùng cao, biên giới, giao thông không thuận lợi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, như Mông, Tày, Nùng, Dao, La Chí, Phù Lá, Mường, Sán Chay, Giáy… Những năm trước đây, do nhận thức hạn chế, phong tục tập quán cổ hủ, lạc hậu nên tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe, gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết chủ yếu tập trung nhiều ở các huyện vùng cao biên giới ở khu vực xa xôi hẻo lánh, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các gia đình thường sinh sống cách biệt cộng đồng, ít có điều kiện giao lưu với các dân tộc khác và các địa phương lân cận trong vùng.
Theo báo cáo, trong giai đoạn từ 2015 - 2020, toàn tỉnh Hà Giang có 40.631 cặp kết hôn. Trong đó số cặp tảo hôn là 2.947 cặp; Số cặp kết hôn cận huyết thống là 62 cặp.
Đến nay, toàn tỉnh Hà Giang còn 197 cặp tảo hôn, 5 cặp hôn nhân cận huyết thống.
- Trước thực trạng đó, các cấp Hội Phụ nữ của tỉnh Hà Giang đã và đang thực hiện những giải pháp, hoạt động gì để góp phần kéo giảm, tiến tới xoá bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống?
Bà Trần Thị Yến Nga: Thực hiện Nghị quyết 27 -NQ/TU ngày 01/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 10/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng Chương trình phát động phong trào "Thi đua xóa bỏ hủ tục, phong tuc, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh" giai đoạn 2022 - 2025 trong toàn hệ thống Hội.
Để triển khai có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, vận động, phát hiện sớm, giảm thiểu việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, cần xác định rõ nguyên nhân cơ bản của tình trạng này ở từng địa bàn đặc thù. Tình trạng tảo hôn còn tồn tại bởi ảnh hưởng nặng nề của phong tục, hủ tục tập quán lạc hậu. Đồng bào dân tộc thiểu số vẫn quan niệm kết hôn sớm để có thêm lao động. Bên cạnh đó, kinh tế khó khăn, nam nữ thanh niên, thiếu niên bỏ học sớm, không có công ăn việc làm. Đặc biệt là trình độ dân trí thấp, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, vấn đề giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên chưa thường xuyên.
Bên cạnh đó, cha mẹ chưa quan tâm chu đáo đến con, thậm chí một số trường hợp, cha mẹ còn đồng tình ủng hộ con trong việc tảo hôn hoặc ép buộc con tảo hôn, người trong dòng họ lấy nhau sẽ không mất đi của cải...
Qua thực tế đó, Hội LHPN tỉnh Hà Giang chỉ đạo các cấp Hội trong tỉnh lồng ghép triển khai, tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu; phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trong đó chú trọng các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng. Cùng với đó, đa dạng hoá các hình thức vận động: Hội nghị truyền thông chuyên đề; truyền thông trực tiếp tại các trường THCS, THPT trường PTTH dân tộc nội trú, trường nghề thông qua các hình thức Sân khấu hóa, Hội thi rung chuông vàng; truyền thông qua internet, trang tin điện tử, mạng xã hội, điện thoại di động và các phương tiện truyền tin khác.
Đặc biệt, các hoạt động truyền thông chăm sóc sức khỏe cho hội viên, phụ nữ và nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của các cấp Hội trong tỉnh trong những năm qua đã góp phần vào việc nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ và nhân dân.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Qua 1 năm thực hiện Nghị quyết 27 và 2 năm thực hiện Chỉ thị 09, cả tỉnh Hà Giang có 9.910 cặp đôi đăng ký kết hôn; trong đó đã tuyên truyền vận động, can thiệp hoãn hôn lễ được 330 cặp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Đến nay, việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống đã giảm nhiều so với trước đây; đặc biệt, nhiều thôn bản đã xóa bỏ được hủ tục này, toàn tỉnh còn 197 cặp tảo hôn, 5 cặp hôn nhân cận huyết thống.