Gánh nặng chỗ ở
Ở trong ngõ sâu hút, ngoằn ngoèo phía cuối làng Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội), gia đình chị Nguyễn Thị Dung, quê Quảng Xương (Thanh Hóa), đang sinh sống trong căn phòng trọ cấp 4 lụp xụp. Căn phòng chỉ khoảng hơn 13m2 chật hẹp này là nơi “an cư” của gia đình 3 thế hệ. Căn phòng trọ tạm bợ trông càng nhỏ bé, chật chội hơn vì đồ đạc của con trẻ vương vãi khắp phòng.
Chị Dung tâm sự: “Ngày nắng, mái tôn xi măng phả hơi nóng hầm hập, cả nhà phải di tản ra ngoài trú trong những tán cây. Còn ngày mưa là ngập lụt, nước tràn vào nhà, khiến đồ đạc nổi lều phều như ở vùng lũ”. Biết là cực lắm nhưng gia đình chị vẫn cố bám trụ ở đó, đơn giản vì giá thuê rẻ - chỉ 700.000 đồng/tháng.
Đã 12 năm làm công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, tiền lương của chị Dung vỏn vẹn 6 triệu đồng/tháng. Số tiền ít ỏi này phải chia năm xẻ bảy cho chi phí tiền nhà, tiền điện nước, ăn uống với mức tối thiểu nhất có thể. Cuộc sống quá khó khăn, chị Dung phải gửi đứa con lớn về quê cho bà nội chăm sóc. Còn đứa nhỏ 9 tháng tuổi đành phải nhờ bà ngoại lên ở cùng trông giúp, để vợ chồng chị có thêm thời gian làm ca kíp.
Chị Dung cho biết: Công ty có trợ cấp nhà ở cho nhân viên với mức 12.500 đồng/ngày làm việc, cũng chỉ thêm được khoảng 270.000 đồng/tháng, không đủ để gia đình chị có thể tìm được chỗ ở tốt hơn. Nhưng dẫu vậy, có vẫn hơn không!
Chị Nguyễn Xuân Dương, công nhân một nhà máy ở xã Kim Chung, Đông Anh, cho biết: Người lao động rời quê đi làm công nhân xa nhà, chỉ mong có được chỗ ngả lưng sạch sẽ để nghỉ ngơi, đảm bảo sức khỏe.
Khi vào làm, công ty hứa hẹn sẽ tạo điều kiện cho công nhân được ở trong khu nhà tập trung, thoáng mát, đảm bảo vệ sinh. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, công ty tìm mọi lý do cho công nhân ra ngoài tự túc, rồi đón lứa công nhân mới vào ở. Tiền hỗ trợ thuê nhà cũng cắt luôn.
“Hiện giờ cả chục chị em công nhân chúng tôi chung tiền thuê trọ một phòng của nhà dân cho đỡ tốn kém. Chật hẹp, ẩm thấp cũng đành chịu. Tiết kiệm được chút tiền nào hay chút đó để gửi về cho mẹ già ở quê”, chị Dương bùi ngùi.
Thành lập Chi hội phụ nữ nhập cư
Với mức lương eo hẹp chỉ khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng, đa phần công nhân tại các khu công nghiệp đang phải chật vật xoay xở, đời sống hết sức khó khăn. Các nhu cầu tối thiểu về đời sống tinh thần cũng vì thế mà buộc phải “giản tiện” tối đa vì họ cho đó là “thứ yếu”.
Trao đổi với PV Báo PNVN, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đông Anh, Hà Nội, cho biết, riêng khu công nghiệp Bắc Thăng Long trên địa bàn huyện đã có hơn 30.000 công nhân, trong đó hơn 80% là nữ công nhân đang gặp phải vô vàn những khó khăn, cả đời sống vật chất lẫn tinh thần.
Trước thực tế đó, cấp Hội trên địa bàn huyện tập trung nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ cho các chị em công nhân. Thời gian qua, Hội LHPN huyện đã thí điểm thành lập Chi hội phụ nữ nhập cư, trong đó hội viên nòng cốt chính là những nữ công nhân đang sống trong các khu nhà trọ.
Bà Tâm cho biết, hiện tại, trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long có 20 nhóm nữ hội viên tiên phong. Họ cũng đều là công nhân nhưng ngoài việc tự chèo chống, vật lộn với cuộc sống để chăm lo cho bản thân và gia đình, họ còn là những nhân tố tích cực vận động các chị em công nhân khác cùng tham gia tổ chức Hội; tham gia các buổi sinh hoạt, tiếp cận với tủ sách báo miễn phí, được đào tạo nghề, nâng cao tay nghề; cùng với đó là các hoạt động văn hóa, văn nghệ chăm lo tinh thần cho đời sống công nhân vốn còn nhiều khó khăn.
Mới đây, bà Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội, cho biết: Địa bàn Hà Nội có hơn 231.000 doanh nghiệp và có tổng số công nhân lao động trên địa bàn là 2,5 triệu người, chiếm 33% dân số Thủ đô. Thu nhập của người lao động trực tiếp sản xuất trong các loại hình doanh nghiệp năm 2017 chỉ là 5 triệu đồng/người/tháng.
Theo bà Tuyến, vấn đề nhà ở vẫn là yêu cầu bức xúc của người lao động. Thành phố Hà Nội đã có chính sách về nhà ở cho người có thu nhập thấp và thí điểm xây dựng khu nhà ở cho công nhân khu công nghiệp Thăng Long; khu công nghiệp Phú Nghĩa (Thạch Thất - Quốc Oai) nhưng so với nhu cầu thì đó vẫn còn con số quá nhỏ bé.
Hiện nay, Hà Nội chỉ có 3/9 khu công nghiệp có nhà ở cho công nhân. Như vậy, trong số 150.000 công nhân của 9 khu công nghiệp này, mới chỉ có 19.650 chỗ ở cho công nhân lao động, đáp ứng được hơn 10% nhu cầu.
Đồng nghĩa tới 90% công nhân, người lao động còn lại vẫn phải thuê nhà ở trong các khu dân cư với diện tích chật hẹp, cơ sở vật chất thiếu, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, đặc biệt là nhà trẻ, trường mầm non còn ít, chưa thực sự giúp được các nữ công nhân yên tâm lao động.