Giải pháp giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường là 1 trong 3 nhóm vấn đề được kỳ họp thứ 9, HĐND thành phố Hà Nội lựa chọn để chất vấn lần này. Cụ thể, cử tri thành phố quan tâm đến nội dung thực hiện Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.
Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện khẳng định, thành phố đang tập trung thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ - HĐND của HĐND TP về “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030”, theo đó đã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện 37 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Trong đó, 6 tháng đầu năm 2019, thành phố đã thực hiện 12 nhiệm vụ, trong đó Sở GTVT chủ trì và triển khai 9/9 nhiệm vụ. Ví dụ như: Đề xuất quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy nhằm kiểm soát chất lượng xe máy hoạt động trên địa bàn TP. Việc này đã được Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội thống nhất về về chủ trương, trình Chính phủ xem xét.
Theo ông Viện, đến nay thành phố đã mở mới 15 tuyến buýt (9 tuyến trợ giá, 4 tuyến không trợ giá, 02 tuyến city tour. Chú trọng xây dựng kế hoạch phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như: đường sắt đô thị. Monorail...
Việc xây dựng đề án giao thông thông minh trong tổng thể đề án TP thông minh cũng được triển khai, hiện đã đưa vào sử dụng phần mềm GOVONE phục vụ công tác quản lý bảo trì đường bộ; hoàn thành việc lắp đặt thiết bị phần cứng và thiết bị bàn ghế văn phòng. Đang xây dựng bản đồ số giao thông Hà Nội sử dụng phần mềm mã nguồn mở Open Street Map, tích hợp dữ liệu cho Hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
“Đến nay tình trạng ùn, tắc giao thông đã từng bước được giải quyết có hiệu quả. Năm 2016 có 41 điểm “đen” ùn tắc; đến tháng 7/2019 chỉ còn 27 điểm. Vận tải hành khách công cộng được nâng cao về số lượng phương tiện, chất lượng phục vụ với 123 tuyến buýt và 1.911 xe buýt” Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định.
Tuy nhiên theo ông Viện, các nhóm giải pháp đã xác định tại Nghị Quyết 04/2017/NQ-HĐND ngày 04/7/2017 là cần thiết, nhưng là những vấn đề phức tạp và nhạy cảm, có tác động đến đời sống, tâm tư, tình cảm của rất nhiều người dân trong và ngoài TP và các nhóm lợi ích trong xã hội nên trong quá trình thực hiện còn nhiều ý kiến không đồng thuận, lo ngại và phản đối.
Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 04 của HĐND, Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng UBND TP Hà Nội, cho biết, UBND thành phố xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm; TP đã chỉ đạo đồng bộ, giải quyết tổng thể các vấn đề, vừa phát triển hạ tầng, vừa phải lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch khác.
Đặc biệt là việc phát triển quy hoạch về hạ tầng giao thông phải gắn với quy hoạch đô thị cũng như quy hoạch vận tải; phấn đấu đưa tỷ lệ đất dành cho giao thông lên tiệm cận tiêu chuẩn đặt ra. Tăng cường đầu tư đổi mới phương tiện vận tải theo hướng thân thiện với môi trường và có ứng dụng công nghệ cao.
“Việc giải quyết 1 điểm đen ùn tắc là rất phức tạp, muốn làm được phải đồng bộ rất nhiều giải pháp, cần quyết tâm rất lớn. Vì vậy công tác tổ chức giao thông phải rất hợp lý và linh hoạt” - Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh.
Ông Hùng cũng cho rằng thành phố rất quan tâm đến các vấn đề pháp luật, cơ chế chính sách để làm tốt công tác quản lý giao thông; TP đã triển khai 30 nhiệm vụ cụ thể cho từng vấn đề một. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề bị chậm, UBND TP tiếp thu và sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện.