Hà Nội: Hàng nghìn giáo viên hợp đồng ‘nín thở’ chờ quyết định của Thành phố

14/05/2019 - 07:33
Hà Nội đang chuẩn bị kỳ thi viên chức, cũng là lần đầu tiên tổ chức tuyển dụng giáo viên theo Nghị định 161/2018 của Chính phủ. Tất cả giáo viên hợp đồng muốn tiếp tục đứng lớp đều phải đăng ký dự tuyển và nếu thi không đỗ, hợp đồng của họ sẽ chấm dứt.
cobichthuy.jpg
Cô Nguyễn Thị Bích Thủy ở huyện Ba Vì có 20 năm là giáo viên hợp đồng đang đứng trước nguy cơ mất việc

Đắng cay “giáo viên hợp đồng”

Điều đáng nói là rất nhiều giáo viên trong số đó đã có trên dưới hai mươi năm cống hiến, không ít người là giáo viên dạy giỏi, nhưng họ đang đứng trước nguy cơ phải rời khỏi bục giảng.

Những ngày cuối năm học, lớp học của cô giáo Phùng Thị Thúy Hà, trường THCS Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) chìm trong sự tĩnh lặng. Cả cô và trò đều phải giấu đi những giọt nước mắt. Cô Hà cố gắng truyền tải những kiến thức tốt nhất cho trò vì với cô, sau mùa hè này, cánh cửa lên bục giảng có thể sẽ khép lại.

Còn với lũ học trò, đôi khi lại không thể kiềm mình, chúng òa lên khóc. Những giọt nước mắt không phải vì một năm học sắp kết thúc, cũng chẳng phải bởi chúng sắp phải rời xa nhà trường, rời xa các bạn, mà bởi chúng biết, có thể, sang năm chúng không còn được học cô giáo Hà nữa.

Trống hết giờ mà không em nào muốn rời khỏi lớp, các em bảo nhau viết “tâm thư” xin cho cô giáo ở lại, những câu hỏi ngây thơ làm trái tim cô giáo như thắt lại: “Cô ơi, chúng em phải viết bao nhiêu thư thì cô được ở lại tiếp tục dạy chúng em, bao nhiêu chúng em cũng viết…”. Em Lâm Thảo Minh- học sinh lớp 8A1 trường THCS Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây, chia sẻ: “Cô luôn dành tình cảm cho chúng em, cô dạy chúng em học, dạy chúng em làm người. Suốt 3 năm học tập cô, chúng em rất yêu quý cô, nếu cô không được tiếp tục giảng dạy nữa thì thật sự chúng em cảm thấy rất buồn, có cảm giác như thiếu đi người mẹ”…

Còn một số phụ huynh, họ không ngờ người giáo viên cần mẫn từng dạy họ rồi dạy con họ hơn 20 năm qua vẫn chỉ là một giáo viên hợp đồng. Chị Nguyễn Thị Hồng Phương (phường Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây) - phụ huynh học sinh, nói:  “Tôi không nghĩ cô Hà hiện vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng, trong khi đó cô rất giỏi về chuyên môn và cũng rất yêu nghề".

 

1.jpg
Có hơn 20 năm đứng lớp, thường xuyên đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, nhưng dường như những điều đó không giúp ích gì cho cô giáo Hà trong đợt tuyển dụng sắp tới

Với cô Phùng Thị Thúy Hà, những lời động viên của gia đình, nhà trường, đặc biệt là tình cảm của lũ học trò kia là động lực giúp cô tiếp tục giảng dạy thật tốt. 21 năm tuổi nghề, 14 năm tuổi đảng, nhiều năm liền cô Hà đạt danh hiệu đảng viên xuất sắc, giáo viên giỏi, lao động tiên tiến cấp thị xã, cô đã cho ra đời nhiều thế hệ học sinh thành đạt, nhiều em đạt học sinh giỏi cấp Thành phố. “Thực sự, từ hôm nhận được thông báo, tôi rất buồn. Thế nhưng, sau khi nhận được tình cảm của phụ huynh, của học sinh, tôi không lo lắng, buồn phiền nhiều nữa mà thấy tự hào về cái nghề mình đã chọn", cô Hà chia sẻ.

Còn với cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy - giáo viên hợp đồng trường THCS Tản Hồng, huyện Ba Vì, trong 20 năm công tác, cô đã dìu dắt bao nhiêu thế hệ học trò. Để đến hôm nay, khi có học sinh quay lại hỏi: "Cô ơi, con muốn làm cô giáo giống cô", cô lại chỉ biết ngậm ngùi: “Đến bây giờ, đã bạc đầu rồi mà cô vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng. Nghề giáo viên thật đẹp, nhưng nếu con lựa chọn có thể sẽ rất nhiều gian nan phải vượt qua".

"Nín thở” trong lo âu

Sau nhiều năm phấn đấu, dành cả tuổi trẻ cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của địa phương, giờ đây cô Hà, cô Thủy và hơn 2.700 cô giáo hợp đồng của Hà Nội có khả năng sẽ mất việc sau kỳ thi viên chức sắp tới.

Cô Thủy cho biết: “Theo quy định, trước khi thi chuyên môn ở vòng hai sẽ phải thi tiếng Anh ở vòng một, môn mà chúng tôi không dùng đến trong nhiều năm qua, thậm chí có người trước đây còn không được học. Chúng tôi làm sao có thể so sánh về ngoại ngữ với những thế hệ trẻ hơn? Vì thế, nếu thi thì chúng tôi chắc chắn trượt ngay từ vòng một. Chúng tôi đề xuất được xét đặc cách nhưng không phải là tất cả mà chỉ là đặc cách với những thầy cô lâu năm, có kinh nghiệm, có năng lực, thành tích, âu đó cũng là lẽ công bằng…”.

Đến nay, tâm trạng chung của giáo viên hợp đồng toàn thành phố vẫn rất bất an vì tất cả các kiến nghị của họ gửi đến các cấp lãnh đạo Thành phố cũng như huyện, thị xã vẫn chưa có bất kỳ trả lời nào, ngay cả Liên đoàn lao động các cấp là tiếng nói của công nhân viên chức - người lao động, cũng không có một động thái nào.

Đến thời điểm này, mọi thông tin về giáo viên hợp đồng đều thông qua báo chí. Còn thành phố tới các huyện, thị cũng không ra bất kỳ văn bản hay trả lời trực tiếp đối với các giáo viên hợp đồng.

Việc giáo viên hợp đồng đấu tranh không chỉ xuất phát từ việc muốn được giữ lại mà còn là đấu tranh vì quyền lợi bị bỏ quên nhiều năm.

Tại thị xã Sơn Tây, một số giáo viên hợp đồng cho biết họ cảm thấy khó hiểu vì năm 2012 - 2013 có đợt xét đặc cách, nhưng không hiểu sao không một giáo viên tiểu học, THCS nào biết có đợt đặc cách năm đó.

Khó hiểu hơn nữa là trong quyết định ký hợp đồng với giáo viên năm học 2018 - 2019 có thời hạn từ 31/8/2018 đến 31/8/2019, nhưng đầu tháng 5 vừa rồi, nhiều thầy cô đã nhận quyết định chấm dứt hợp đồng lao động vào 31/5/2019.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở Nội vụ Hà Nội, số giáo viên hợp đồng do “lịch sử để lại” tại 20 quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố hiện vào khoảng 2.700 người. Giải quyết chế độ chính sách đối với giáo viên hợp đồng như thế nào để đảm bảo “thấu tình, đạt lý” là bài toán không dễ.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng giáo dục huyện Ba Vì, cho biết: “Chúng tôi tham mưu cho huyện có văn bản gửi UBND Thành phố, trong đó nêu nên vấn đề ưu tiên xét vòng 1, thi tuyển vòng 2 cho giáo viên hợp đồng. Bên cạnh đó, Thành phố cũng nên có những ưu tiên với các giáo viên có thành tích và công tác nhiều năm trong ngành”…

 

ng-l-i-thng-ph-ch-tch-ubnd-th-x-sn-ty-1.jpg
Ông Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, trao đổi với PV

Còn ông Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, cho biết: “Hiện thị xã Sơn Tây có 91 giáo viên hợp đồng. Tại cuộc họp do Sở Nội vụ Hà Nội tổ chức tháng 4 vừa qua, chúng tôi cũng đã truyền tải nguyện vọng, tâm tư, lo lắng của giáo viên các cấp học mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn. “Với thị xã Sơn Tây, đại diện thị xã cũng đã có ý kiến đề xuất với Sở Nội vụ chuyển từ kế hoạch thi tuyển sang xét tuyển, trong đó không thực hiện thi tiếng Anh và trắc nghiệm kiến thức chung”...

Trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề thi tuyển giáo viên ở Hà Nội năm 2019, tại buổi họp báo ngày 9/5/2019, Bộ Nội vụ cho rằng, thẩm quyền Hà Nội có thể lựa chọn giữa việc thi tuyển và xét tuyển. Tuy nhiên, đến thời điểm này, thành phố vẫn chưa có thông báo mới về vấn đề thi tuyển viên chức giáo viên. 

Trong khi chờ một quyết định chính thức của Thành phố, hàng nghìn cô giáo vẫn phải "nín thở" trong lo âu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm