Chủ quan khiến bệnh tiến triển nặng
Không chỉ người trẻ em mà số lượng người lớn thăm khám cũng khá đông, phần lớn đều mắc chứng bệnh tương tự giống nhau như ho kéo dài, ho có đờm và khò khè, khó thở ở trẻ nhỏ. Nhiều người, vì chủ quan, nghĩ rằng đó là những triệu chứng đơn giản nên không thăm khám bác sĩ, để bệnh tiến triển nặng, dẫn đến khó khăn trong điều trị cũng như tốn kém về kinh tế.
Trường hợp của bé Hoàng Như Phong (quê Hải Phòng), 8 tháng tuổi, bị ho nhẹ nhưng kéo dài 1 tuần, mẹ đưa con đi khám thì đã có mủ ở trong tai, phải điều trị kéo dài. Sở dĩ bé bị nặng như vậy vì người nhà chủ quan khi thấy bé không ho nặng và vẫn bú đều nên không đi khám ngay.
Còn bà Lê Thị An, 60 tuổi (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), cho hay, bà bị ho hơn 1 tuần, cơn ho kéo dài và bà cảm thấy bị ù tai, bà đã tự mua thuốc uống nhưng không thấy đỡ. Khi cơ thể bị đau nhức, ù tai, khó ngủ, kém ăn, ngây ngấy sốt, bà mới đi thăm khám. "Nếu đi khám ngay, bác sĩ cho thuốc đúng liều, đúng loại thì đã khỏi rồi. Giờ bệnh nặng hơn, kháng sinh cũng phải dùng liều cao hơn, vừa tốn kém mà người lại thêm mệt mỏi", bà An chia sẻ.
ThS, BS Phan Kiều Diễm (Phòng khám Chuyên khoa Tai mũi họng Hà Nội) cho biết, ở thời điểm hiện tại, tỉ lệ bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến tai, mũi họng tăng cao, trong đó, việc mắc bệnh viêm do virus và vi trùng rất lớn.
Đối với trẻ nhỏ, dấu hiệu đầu tiên có thể chỉ ngạt mũi, húng hắng ho, kèm theo sốt nhẹ nên bố mẹ tự chăm sóc trẻ tại nhà hoặc chủ quan bỏ qua giai đoạn này, nhưng nếu sức đề kháng của trẻ giảm, trẻ bị nhiễm lạnh sẽ dễ bị bội nhiễm dẫn đến viêm, nhiễm trùng. Khi bệnh nặng dần lên, các con sẽ ngạt mũi nhiều hơn, chảy mũi xanh, vàng, ho có đờm dãi, ăn uống dễ nôn trớ và đặc biệt là viêm nhiễm có thể dẫn đến biến chứng viêm tai giữa hoặc viêm phế quản, phổi.
Lạm dụng rửa tai dễ dẫn đến viêm tai giữa ở trẻ nhỏ
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh viêm tai giữa là do viêm mũi họng, trong khi đó, viêm mũi có thể là do viêm mũi dị ứng hoặc do viêm mũi nhiễm trùng và còn một nguyên nhân rất dễ xảy ra nhưng ít được nhắc đến là do cha mẹ rửa mũi cho trẻ.
Hiện nay, trên các diễn đàn, trang mạng xã hội khuyến cáo các mẹ nên rửa mũi cho các con. Nhưng theo bác sĩ PhanKiều Diễm thì đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc mắc viêm tai giữa ở trẻ nhỏ.
Việc lạm dụng nước muối sinh lý rửa mũi hàng ngày cho trẻ sẽ khiến cho trẻ mất đi dịch tiết tự nhiên, mất đi lớp bảo vệ niêm mạc dẫn đến rối loạn hệ thống tiết dịch và tiết nhầy gây viêm mũi, trẻ dễ bị đau mũi, rát mũi, chảy nước mũi... và đặc biệt dễ gây biến chứng viêm tai giữa ở trẻ em.
Hiện nay, có rất nhiều phụ huynh lạm dụng phương pháp rửa mũi bằng nước muối sinh lý cho con hàng ngày, bằng các dụng cụ như xi lanh hoặc bình rửa mũi để phòng chống các bệnh viêm mũi họng khi trẻ bị bệnh và cả khi trẻ không bị bệnh. Đây là một thói quen sai lầm và không tốt do trong mũi họng có niêm mạc và có hệ thống tiết dịch và tiết nhầy. Bình thường, các tuyến này làm việc cân bằng đủ để bôi trơn niêm mạc và ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn, khi lạm dụng nước muối sinh lý để rửa hàng ngày sẽ khiến mũi trẻ mất đi lớp dịch tiết tự nhiên, mất đi lớp bảo vệ niêm mạc khiến mũi trẻ trở nên đau rát, kích ứng mũi, chảy mũi, khô mũi thậm chí gây viêm mũi mạn tính.
Đặc biệt, khi mũi trẻ đang viêm/nhiễm trùng, việc rửa mũi có thể dẫn đến biến chứng gây viêm tai giữa (do mũi có một đường thông lên tai qua vòi eustachi; lỗ vòi này ngắn, thẳng và gần như nằm ngang ở trẻ nhỏ nên khi rửa mũi với áp lực mạnh, dịch từ mũi tràn lên tai gây viêm tai giữa). Khi đó, trẻ sẽ đau tai, ù tai, nghe kém, có thể sốt, quấy khóc và khó ngủ...
Nước muối biển và nước muối sinh lý chỉ thực sự tốt khi trẻ có tình trạng viêm mũi ,nhiễm trùng, chảy mũi và ngạt mũi nhiều. Lúc này, nước muối biển được sử dụng để xịt rửa (dạng phun sương mù) sau đó dùng dụng cụ hút mũi trẻ em để đảm bảo sự thông thoáng cho mũi; sau đó nhỏ mũi bằng thuốc nhỏ mũi cho trẻ, sẽ giúp thuốc thẩm thấu vào niêm mạc tốt hơn và bệnh nhanh khỏi hơn.
Không nên tự ý điều trị
Bác sĩ cho biết, cách phòng bệnh đối với người lớn cũng tương tự, quan trọng là cần giữ ấm cơ thể cùng với việc nên xúc miệng nước muối hàng ngày sẽ phần nào giúp phòng tránh được bệnh liên quan tới tai, mũi họng. Nên đi khám bác sĩ nếu sau từ 2 đế 3 ngày cơn ho không thuyên giảm, có những triệu chứng sốt, đau nhức cơ thể.
Ngoài ra, các gia đình có thể sử dụng các máy phun sương để tạo độ ẩm trong phòng để tránh khô mũi dẫn đến đau mũi, ngạt mũi, viêm mũi. Không nên chủ quan với những triệu chứng như ho nhẹ, ho khan kéo dài. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân từng mắc bệnh viêm tai giữa thì rất dễ tái phát, nếu để bệnh nặng sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như thủng màng nhĩ, xơ hóa màng nhĩ hay giảm thính lực...