Hà Quảng, Cao Bằng: Còn tồn tại những vấn đề giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

PV
10/10/2024 - 07:49
Hà Quảng, Cao Bằng: Còn tồn tại những vấn đề giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Hội thi "Mô hình truyền thông, sáng tạo, hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới" năm 2024 do Hội LHPN huyện Hà Quảng tổ chức

Một số vấn đề giới như khoảng cách giới trong tiếp cận, kiểm soát cơ hội kinh tế, cơ hội giáo dục, công việc chăm sóc không lương, cơ hội nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động cộng đồng, tảo hôn… đang tồn tại ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị "Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn tiếp theo" do Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội mới đây, bà Nông Thị Thủy (Hội LHPN tỉnh Cao Bằng) cho biết, những vấn đề trên đang còn tồn tại ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Hà Quảng. 

"Nhận diện rõ vấn đề giới tại các địa bàn cụ thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Dự án 8. Từ đó giúp các hoạt động triển khai đúng hướng, mang lại hiệu quả thiết thực, giải quyết những vấn đề thực tiễn, cấp bách tại địa phương", bà Nông Thị Thủy cho biết.

Theo bà Nông Thị Thủy, vấn đề khoảng cách giới trong tiếp cận, kiểm soát cơ hội kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Hà Quảng thể hiện như: Việc các tài sản lớn của gia đình, đặc biệt là đất đai thường đứng tên nam giới. Điều đó khiến phụ nữ hạn chế hơn cơ hội tiếp cận nguồn vốn và thực hiện các hoạt động phát triển kinh tế khác. Hạn chế của phụ nữ trong tiếp cận, kiểm soát máy móc/công nghệ và thông tin cũng sẽ khiến phụ nữ sẽ gặp khó khăn hơn nhiều so với nam giới trong nâng cao quyền năng kinh tế.

Vấn đề khoảng cách giới trong tiếp cận cơ hội giáo dục: Trẻ em gái là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi khi phải nghỉ học sớm hoặc không được đầu tư nâng cao trình độ giáo dục so với nam giới. Phụ nữ bị hạn chế tham gia các hoạt động tập huấn nâng cao kiến thức (bởi quan niệm nam giới là người hiểu biết hơn thì nên đi tập huấn nhiều hơn). Nữ DTTS có xu hướng tham gia lao động rất sớm. Cơ cấu việc làm thể hiện sự bất lợi "kép" từ yếu tố dân tộc và giới tính. Rất nhiều em gái DTTS đã làm việc như người trưởng thành từ trước khi đủ 15 tuổi. Trong khi ở độ tuổi này, phần lớn em gái người Kinh còn đang tiếp tục đi học.

Hà Quảng, Cao Bằng: Còn tồn tại những vấn đề giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - Ảnh 1.

Hội LHPN huyện Hà Quảng tổ chức Hội thi mô hình truyền thông xóa bỏ định kiến giới năm 2024

Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Hà Quảng, vấn đề khoảng cách giới trong công việc chăm sóc không lương cũng thể hiện rất rõ. Đó là, gánh nặng công việc chăm sóc không được trả công trong hộ gia đình DTTS đang đặt nhiều hơn vào phụ nữ và trẻ em gái. Phân công công việc trong gia đình, áp đặt công việc nội trợ, chăm sóc trẻ em, người già, người ốm trong gia đình là trách nhiệm, nghĩa vụ của phụ nữ. Quan niệm truyền thống này kéo dài dai dẳng và dường như khó thay đổi.

Chính vì phụ nữ phải dành quá nhiều thời gian cho việc nhà, trong khi họ vẫn lao động sản xuất cùng với nam giới, dẫn đến việc tiếp tục có khoảng cách trong thời gian nghỉ ngơi, tham gia hoạt động cộng đồng giữa hai giới. Nam giới có nhiều thời gian hơn để tái tạo sức lao động, đồng thời có thêm cơ hội giao lưu, gia tăng hiểu biết và nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần.

Theo bà Nông Thị Thủy, vấn đề tảo hôn cũng là một trong những thách thức lớn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Hà Quảng. Người dân tộc Mông vẫn quan niệm con gái lấy chồng ở độ tuổi 13-14 là bình thường. Đó được coi như việc cần làm, nên làm và các cô gái dường như có rất ít những lựa chọn khác. Báo cáo của UBND huyện Hà Quảng (năm 2024) cũng nêu: Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện có 158 cặp kết hôn (trong đó: có 132 cặp kết hôn đủ tuổi, 26 cặp kết hôn tảo hôn (tảo hôn 1 người là 9 cặp; tảo hôn cả 2 người 17 cặp); có 14 trường hợp tảo hôn là trẻ em (từ 13 đến 15 tuổi kết hôn: Dân tộc Mông 13 người, dân tộc Dao 1 người).

"Phân tích giới thông qua thảo luận các nhóm cán bộ cấp huyện, cấp xã là một trong những cách thức hữu hiệu để nhận diện vấn đề giới tại các địa bàn cụ thể. Các báo cáo tại địa phương cũng cho thấy một số khó khăn, lúng túng trong thực hiện Dự án 8, một số vấn đề giới còn tồn tại dai dẳng, đáng chú ý là vấn đề tảo hôn với những hệ lụy. Một trong những giải pháp quan trọng và lâu dài được đưa ra ở tất cả các nhóm đó là cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về bình đẳng giới. Để làm được điều đó, năng lực thực hiện bình đẳng giới của cán bộ là rất quan trọng. Các lớp tập huấn nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ các cấp là hết sức cần thiết và cần thúc đẩy đa dạng hóa các phương pháp, chú trọng sự tham gia của nam giới", bà Nông Thị Thủy cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm