pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hai kiểu nuôi dạy con tưởng hoàn hảo nhưng càng ngày càng khiến con đi "giật lùi"
Ảnh minh họa
Là cha mẹ, ai cũng muốn dạy dỗ con một cách tốt nhất. Tuy nhiên, có những phương pháp dạy con tưởng chừng rất hiệu quả nhưng lại mang đến tác dụng ngược. Chẳng hạn như 2 cách dạy con sai lầm sau đây:
Người mẹ cầu toàn nuôi con thành kẻ đối địch
Một chuyên gia tâm lý kể: Mới đây, chị nhận được tin nhắn riêng của một phụ huynh. Câu đầu tiên của cô là: "Nếu sinh thêm con, nhất định tôi sẽ không giáo dục nó như vậy". Kết quả thế nào khiến người mẹ này đau lòng đến vậy?
Thì ra, phụ huynh này là một người cầu toàn và rất nghiêm khắc với con gái. Cô bé năm nay 14 tuổi, đang học cấp 2, cuối tuần cháu cùng mẹ đi dạo phố gặp cô giáo dạy Toán trên đường, liền nói: "Con chào cô giáo". Sau đó, họ bước hai hướng riêng.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian mua sắm sau đó, cô bé luôn bị mẹ phàn nàn chuyện không biết giao tiếp: "EQ của con quá thấp, con chỉ chào hỏi như thế và sẽ không có chuyện gì xảy ra cả. Thảo nào cô giáo không thích con".
Bà mẹ cho rằng đáng lẽ ra con mình phải biết gợi chuyện hỏi han thay vì chào xong rồi thôi. Cách ứng xử của người mẹ khiến cô con gái bị áp lực, sau đó gặp một giáo viên ở trường, liền sợ đến mức quay lưng bỏ đi, không biết phải nói gì.
Bạn cùng lớp gửi tặng cô bé này một chiếc kẹp tóc nhỏ, bà mẹ liền yêu cầu: Hãy trả lại cho bạn nhanh và đừng lợi dụng người khác. Sau giờ học, cô bé đứng nói vài chuyện với bạn nam cùng lớp trong khi đợi mẹ đến đón. Tối hôm đó, em bị mẹ giáo huấn đến nửa đêm. Kể từ đó trở đi, khi nhìn thấy các nam sinh, em tránh xa và không muốn giao tiếp với họ.
Một lần nọ, bà mẹ nhìn thấy bài văn của con gái mình có chủ đề là “Lý tưởng của tôi”. Lý tưởng của con gái chị là có thể xa nhà và đi học đại học để khỏi nghe sự cằn nhằn của mẹ. Đứa con gái được mẹ chăm sóc từ khi còn nhỏ lại rất ghét mẹ. Chính sự quan tâm, chăm chút tỉ mỉ của người mẹ đã khiến em cảm thấy ngột ngạt ngay trong gia đình.
Với nhiều bậc cha mẹ, nhất cử nhất động của con đều chịu sự "giám sát". Họ thường xuyên áp đặt, phàn nàn những chuyện nhỏ nhặt.
Có thể nói, ở một mức độ nào đó, sự bao bọc của cha mẹ là điều nên có, nhằm đảm bảo hành vi của con không vi phạm về mặt đạo đức và pháp luật. Tuy nhiên, khi sự bao bọc trở nên thái quá, các bậc cha mẹ sẽ trở thành "cha mẹ trực thăng" (cách gọi những ông bố bà mẹ chăm con quá kỹ, luôn ở bên cạnh, hướng con theo ý mình).
Điều này không những không đem lại hiệu quả dạy con mà còn tác động một cách tiêu cực tới tâm lý và hành vi con trẻ. Một nghiên cứu thực hiện bởi Nicole Perry, Tiến sĩ Đại học Minnesota (Mỹ) cho thấy, những đứa trẻ được dạy dỗ bởi phương pháp "trực thăng" thường gặp khó khăn khi phải đối mặt với những yêu cầu, thách thức trong tương lai, cũng như trong việc định hướng môi trường học đường.
Bên cạnh đó, sự bao bọc quá mức của những ông bố bà mẹ trực thăng sẽ gây phản tác dụng.
Cha mẹ quá chú ý tiểu tiết khiến con tự ti
Quá lo lắng về một số điều nhỏ nhặt sẽ tiêu tốn quá nhiều sức lực và thời gian của cha mẹ, đồng thời cũng sẽ sinh ra rất nhiều những cảm xúc tiêu cực cho con cái.
Đứa trẻ có hành vi trộm cắp đương nhiên phải nghiêm khắc phê bình, nếu đứa trẻ đánh mắng người khác cũng phải nghiêm trị. Tuy nhiên, nếu trẻ vô tình làm vỡ đồ đạc, thỉnh thoảng làm bẩn quần áo, hơi lười biếng không chịu dậy thì cha mẹ không cần làm ầm lên.
Sự nghiêm khắc này của cha mẹ thoạt nhìn tưởng tốt nhưng trên thực tế, đối với sự trưởng thành của một đứa trẻ, điều quan trọng nhất là hướng dẫn con chứ không phải lúc nào cũng soi mói và phê bình. Một số điều nhỏ nhặt trong cuộc sống nên khoan dung với trẻ, cho chúng không gian để tự phát triển và đừng kiểm soát quá nhiều.
Để hình thành sự tự tin, trẻ cần được cha mẹ động viên liên tục chứ không phải lúc nào cũng la mắng, bị chỉ trích vì những điều nhỏ nhặt. Cha mẹ hãy phát hiện thêm những điểm sáng ở con để con có niềm tin tiến về phía trước, khi con mắc một lỗi nhỏ mà con đã nhận ra lỗi lầm thì cũng đừng quá nặng nề.
Nói 1, 2 lần có thể khiến trẻ hiểu ra vấn đề nhưng nói đến 5, 6 lần sẽ khiến con cảm thấy khó chịu. Trẻ cũng không thích bị nhắc nhở, đặc biệt là trong lứa tuổi nổi loạn hay ẩm ương, sự chê bai hay cằn nhằn từ bố mẹ đôi khi sẽ phản tác dụng, làm cho trẻ không những không sửa sai mà còn cố làm ngược lại để ''thách thức'' người lớn.
Đừng thi thoảng lại lôi chuyện cũ ra để chì chiết, trách móc trẻ. Như thế vừa làm cho không khí gia đình trở nên căng thẳng, vừa gây ức chế cho tâm lý của con. Hãy là những bố mẹ biết bao dung và khéo léo trong những tình huống như thế này.