pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hai mẹ con bị ung thư gan do ăn lạc mốc: "Bệnh từ miệng mà ra" và lời cảnh tỉnh của bác sĩ
1. Bệnh từ miệng mà ra: Ung thư gan do ăn lạc mốc!
Mới đây, có trường hợp 2 mẹ con cô Lý người Trung Quốc bị tử vong vì ung thư gan do thói quen ăn uống không lành mạnh. Các bác sĩ cho biết, nguyên nhân 2 mẹ con bị ung thư gan do ăn lạc mốc trong thời gian dài, dùng để nấu cháo.
Tuy nhiên, khi phát hiện bệnh thì đã ở ung thư gan giai đoạn cuối nên hai mẹ con đều không qua khỏi.
Viện sĩ hàn lâm Sun Yan (một trong những người tiên phong trong công cuộc nghiên cứu và điều trị bệnh ung thư tại Trung Quốc) cho biết thêm, hai mẹ con cô Lý có thói quen ăn cháo lạc hàng ngày, nhưng bởi vì số lạc mà họ dùng để nấu lại là lạc mốc (nấm Aspergillus flavus) - sinh ra một độc tố nguy hiểm cho gan là aflatoxin.
Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, chỉ 1mg aflatoxin đã có thể gây ung thư, nếu như vượt quá 20mg aflatoxin thì có thể gây chết người. Aflatoxin tác động lên gan và gây suy giảm chức năng gan nghiêm trọng.
"Trong cuộc sống, không có cách để ngừa ung thư triệt để nhưng chỉ cần bạn kiểm soát "miệng", ít ăn những thực phẩm có hại cho cơ thể thì có thể ngăn chặn sự xâm nhập của độc tố, phòng tránh bệnh ung thư hiệu quả." - Viện sĩ hàn lâm Sun Yan nói.
Một số lưu ý khi chọn lạc (đậu phộng) để ăn an toàn:
- Khi mua: Cần chọn những loại hạt mẩy, to tròn. Khi bấm vào hạt lạc sẽ cho cảm giác chắc thịt. Vỏ hạt lạc cần có màu sáng. Không chọn hạt có màu sắc lạ hoặc có những dấu hiệu bất thường như mùi, hình dáng,..
- Bảo quản: Cần bảo quản lạc bằng cách phơi thật khô và để ở những nơi khô ráo, tránh nơi ẩm thấp dễ có mối mọt.
>> 15 tuyệt chiêu ăn uống lành mạnh giúp bạn phòng tránh ung thư gan
2. Tỷ lệ ung thư gan Việt Nam đang có dấu hiệu tăng cao, vượt qua cả ung thư phổi!
Xu hướng ung thư Việt Nam có sự khác biệt so với thế giới
Trong Hội thảo Phòng chống ung thư Hà Nội vùa diễn ra, GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, sự gia tăng các loại ung thư tại Việt Nam đang có sự khác biệt so với thế giới.
Cụ thể, bệnh ung thư gan đang có dấu hiệu tăng nhanh, số ca mắc vượt qua cả ung thư phổi (trước đây đứng top 1 bệnh ung thư tại Việt Nam) cả về số ca mắc mới và số ca tử vong là trên 25.000 ca. Tiếp theo đó là bệnh ung thư phổi với 23.667 trường hợp mắc mới và thứ ba là ung thư dạ dày với hơn 17.000 ca.
Khi so sánh với tỷ lệ ung thư gan các giai đoạn trước, đã có sự gia tăng đáng kể: năm 2000, số ca mắc mới ung thư gan tại Việt Nam chỉ có 5.700 ca, sau đó tăng lên 9.400 ca năm 2010.
GS Hùng cho biết, nếu như tính trên tỷ lệ là 100.000 dân thì tỷ lệ ca mắc mới bệnh ung thư gan của người Việt Nam đang là 23,2. Tỷ lệ này xếp thử 4/185 quốc gia và các vùng lãnh thổ có số liệu về ung thư.
Điều này có sự khác biệt so với xu hướng ung thư của thế giới. Theo thống kê tính tới hiện tại, thì ung thư phổi vẫn là ung thư phổ biến nhất trên thế giới, sau đó là ung thư tuyến tiền liệt và thứ ba là ung thư đại trực tràng.
Lý do có sự khác biệt
GS.Hùng giải thích, sở dĩ có sự khác biệt nêu trên là do số người mắc viêm gan B và viêm gan C ở Việt Nam đang ở mức quá lớn. Hai bệnh này là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới xơ gan và phát triển thành ung thư gan.
Một thống kê cho biết, có tới 80% bệnh nhân bị ung thư gan có tiền sử bệnh là viêm gan B và viêm gan C. Số người đang mắc viêm gan B và viêm gan C là 20 triệu người. Số người bị viêm gan, xơ gan và ung thư gan hiện nay đang là 8 triệu người - con số này nằm trong top cao của cả khu vực và thế giới.
Theo GS Hùng, nếu một người mắc viêm gan B không điều trị sẽ tiến triển thành viêm gan mạn, xơ gan và sau 20-30 năm sẽ thành ung thư gan.
Tuy nhiên, ngoài yếu tố nguy cơ là bệnh lý viêm gan thì thói quen sinh hoạt, ăn uống cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh mà nhiều người bỏ qua. Cụ thể có lạm dụng rượu bia, nấm mốc, mắc các bệnh liên quan tới rối loạn nội tiết như béo phì hay tiểu đường,...
Chưa kể tới, khí hậu đặc trưng của Việt Nam rất dễ sinh ra nấm mốc. Khi đó những người có bệnh viêm gan mà ăn thức ăn nhiễm nấm hay kết hợp rượu bia thì bệnh càng phát triển nhanh hơn dẫn tới tổn thương nặng cho gan.
3. Ngoài lạc mốc thì ăn khoai lang mốc và khoai tây mọc mầm cũng "vô tình" nuôi mầm bệnh ung thư trong người!
Như đã nói ở trên, nấm mốc được xem như một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, trong đó có ung thư gan. Ngoài nguyên nhân ung thư gan do ăn lạc mốc như mẹ con cô Lý, thì có 3 loại thực phẩm cũng thúc đẩy nuôi dưỡng tế bào ung thư gan trong người mà bạn cần lưu ý.
Các bác sĩ cho biết, nếu muốn có một sức khỏe tốt và ổn định, tốt nhất là cần duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh và ăn uống khoa học.
- Khoai lang có đốm đen
Không chỉ có ung thư gan do ăn lạc mốc mà khoai lang có đốm đen cũng hết sức nguy hiểm. Đó là những củ khoai lang đã bị hỏng, bị hà do nhiễm khuẩn.
Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần cắt bỏ phần đen hoặc nướng, luộc lên là có thể loại bỏ các độc tố nhưng đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Người ăn phải khoai lang bị mốc, hà sẽ có biểu hiện khó thở, buồn nôn, bị tiêu chảy,.. Về lâu dài sẽ là nguyên nhân gây bệnh ung thư.
- Khoai tây bị mọc mầm
Trong củ khoai tây có chứa một lượng solanin giúp củ lâu bị hỏng hơn. Tuy nhiên, khi mọc mầm thì lượng solanin trong khoai tây tăng cao. Nếu ăn phải sẽ vô tình khiến cơ thể bị ngộ độc.
Người ăn phải khoai tây mọc mầm bị ngộ độc sẽ có dấu hiệu như đau bụng, nôn mửa, bị tiêu chảy hay khó thở. Thậm chí có thể bị hôn mê, co giật,..
- Gừng mọc mầm
Gừng bị mốc hỏng có chứa độc tố safrole, loại độc tố này có khả năng gây tổn thương tế bào gan. Về lâu dài sẽ tăng nguy cơ bị ung thư gan.
Tóm lại, để phòng tránh ung thư gan do ăn lạc mốc hay các loại thực phẩm có nấm mốc khác thì cần có sự chọn lựa kỹ càng về thực phẩm để tránh nguy hiểm tới sức khỏe. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp bảo vệ gan khỏe mạnh như luyện tập thể dục thể thao, hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá,...