Ngày 12/5, bác sĩ Đinh Thị Đầm, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc (BV Đa khoa Bắc Kạn), cho biết, BV vừa tiếp nhận và điều trị cho 4 bệnh nhân bị ngộ độc do ăn nhầm lá ngón.
Theo đó, 4 bệnh nhân bị ngộ độc gồm Tống Văn Liêm (67 tuổi); Ma Thị Luân (65 tuổi, vợ ông Liêm); Tống Văn Triền (44 tuổi, con trai vợ chồng ông Liêm) cùng trú xã Thượng Giáo (huyện Ba Bể, Bắc Kạn) và Bùi Thị H. (29 tuổi) là khách của gia đình.
Trước đó, tối 11/5, cả 4 bệnh nhân được chuyển đến BV trong tình trạng suy hô hấp, tim đập nhanh, có người ngừng tuần hoàn. Người nhà bệnh nhân cho biết, chiều 11/5, gia đình ông Liêm có khách. Bà Luân hái rau rừng về làm canh nhưng không biết đã hái nhầm lá ngón. Sau khi dùng bữa, cả 4 người đều bị ngộ độc, nôn mửa và đau đầu nên được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Ba Bể cấp cứu rồi chuyển lên tuyến trên.
Qua thăm khám và khai thác tiền sử, các bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhân bị ngộ độc lá ngón nên tiến hành cấp cứu. Sau một ngày cấp cứu, các bệnh nhân đã dần hồi phục, riêng bà Ma Thị Luân đã có thể nói chuyện được.
Cây lá ngón còn có tên gọi khác là đoạn trường thảo (đoạn là đứt, trường là ruột), phân bố khá phổ biến ở miền rừng núi nước ta. Đây là một loại dây mọc leo, thân và cành không có lông, trên thân hơi có khía dọc. Lá mọc đối, hình trứng thuôn dài, hơi hình mác, đầu nhọn, phía cuống nhọn hoặc hơi từ, mép nguyên, bóng nhẵn, dài 7-12cm, rộng 2,5-5,5cm. Hoa mọc thành chùm ở đầu cành hay ở kẽ lá. Cánh hoa màu vàng.
Trong cây lá ngón có các alkaloid, là chất cực độc chứa trong toàn bộ cây. Độc tính của lá ngón giảm dần theo thứ tự rễ, lá, hoa, quả và thân cây. Tuy nhiên, hiện nay do thiếu hiểu biết, các vụ tự tử hoặc đầu độc bằng lá ngón xảy ra khá nhiều, đặc biệt trên các tỉnh vùng núi. Khi đó, khả năng cứu sống nạn nhân khó đạt 100% do không thể sơ cứu kịp thời, đúng lúc.