Hai truyền thuyết về Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà Đen

09/02/2017 - 13:07
Lễ hội Núi Bà Đen được xem là lễ hội mùa xuân lớn nhất phương Nam. Hàng năm, từ chiều 30 tết đến suốt tháng Giêng, tháng Hai âm lịch - nhất là rằm tháng Giêng, du khách phía Nam đổ về hành hương, chiêm bái và tham quan du lịch rất đông.

Núi Bà Đen (Tây Ninh) - ngọn núi cao nhất Nam bộ, điểm hành hương tâm linh nổi tiếng mỗi dịp xuân đến là nơi gắn liền với truyền thuyết về Thánh Mẫu Phật Bà Tây Ninh hay còn gọi là Linh Sơn Thánh Mẫu. Liên quan đến Linh Sơn Thánh Mẫu hiện nay tồn tại nhiều truyền thuyết khác nhau, trong đó phổ biến nhất là 2 câu chuyện dưới đây.

Chuyện về nàng Lý Thị Thiên Hương

Sự tích núi Bà Đen gắn liền với câu chuyện tình của một đôi trai gái. Trong đó, nhân vật nữ là nàng Lý Thị Thiên Hương (tức Bà Đen).

khch-thp-phng-thp-nhang-u-nm-cha-b-ni-b-en.jpg
 Chùa Bà trên núi Bà Đen thu hút khách thập phương về chiêm bái mỗi dịp xuân đến.

Tương truyền, tại khu vực núi Một (Trảng Bàng, Tây Ninh) ngày xưa có nàng Lý Thị Thiên Hương tài sắc vẹn toàn, dung mạo mặn mà với nước da ngăm đen khác biệt. Nàng là con gái một vị quan trấn nhậm Trảng Bàng thuộc triều Nguyễn tên là Lý Thiên. Còn mẹ là bà Ðặng Ngọc Phụng, người gốc ở Bình Ðịnh vào Trảng Bàng lập nghiệp.

Vào mỗi ngày rằm trăng sáng, Thiên Hương hay lên núi lễ Phật. Là người xinh đẹp giỏi giang nên nàng được rất nhiều người để ý. Trong làng có chàng trai Lê Sĩ Triệt, mồ côi cha mẹ, được một nhà sư nuôi dạy từ nhỏ, văn hay võ giỏi cũng đem lòng yêu mến.

Say đắm nhan sắc của nàng nên một ông quan nọ lên kế hoạch bắt Thiên Hương về làm thiếp. Lúc đó, chính Lê Sĩ Triệt đã giải cứu cho Thiên Hương. Từ đó, tình cảm của đôi trai gái này càng nồng thắm. Ðể đáp ơn chàng, cha mẹ nàng Thiên Hương hứa gả nàng cho Lê Sĩ Triệt. Những tưởng hai người sẽ hạnh phúc bên nhau nhưng chưa kịp đám cưới thì Lê Sĩ Triệt phải tòng quân giúp Gia Long đánh Tây Sơn.

Thiên Hương ở nhà giữ trọn danh tiết chờ chồng về. Một hôm nàng lên núi lễ Phật, lúc về đến chân núi thì bị kẻ xấu vây bắt. Tuyệt đường, để giữ lòng trung trinh, nàng Thiên Hương nhảy xuống khe núi tử tiết.

Ba ngày sau, một người con gái làn da ngăm đen báo mộng với sư trụ trì trên núi Một rằng mình là Thiên Hương, tuy chết nhưng xác còn nguyên vẹn, cậy nhờ sư trụ trì mang về chôn cất. Tỉnh mộng, sư trụ trì liền làm theo lời báo mộng của Thiên Hương, bèn đi tìm thi thể nàng đem về mai táng. Vì vậy, vị sư gọi nàng là nàng Đen. Người đời sau gọi là Bà Đen để tỏ lòng tôn kính. Lạ thay, từ đó về sau, phật tử đến viếng mộ nàng đều cầu được ước thấy.

mt-gc-cha.jpg
 Một góc chùa Bà.

Sau này, sự linh hiển của nàng còn được công nhận qua lời của Thượng quốc công Lê Văn Duyệt. Đó là một thời gian sau, khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi, chạy lạc đến Tây Ninh, nàng Thiên Hương đã báo mộng, giúp đỡ Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh sau này khi trở vua Gia Long của triều Nguyễn đã sắc phong cho nàng là Linh Sơn Thánh Mẫu, ngự ở núi Một, tức là núi Bà Đen ngày nay ở Tây Ninh. Núi Bà Đen từ đó nổi danh là một địa thế linh hiển, kỳ bí, nhiều phép lạ khó ai giải thích được.

Chuyện về nàng Đênh

Tương truyền, đất Tây Ninh ngày trước, phần đất từ Trảng Bàng - Suối Sâu đến tận miền Tây và Tây Bắc giáp với biên giới Campuchia có người Miên sinh sống cùng người Việt rất đông. Nơi này có một gia đình người Việt gốc Miên làm quan tại địa phương, sinh được một trai một gái. Người con trai tên là Thạch Biên. Người con gái là Thạch Nương, có tên thường gọi là Đênh.

Cô con gái khi đến tuổi trưởng thành thì có vị sư già từ Bến Cát tìm đến núi Một (Tây Ninh) kiếm đất lập chùa để phụng sự Phật pháp, đã đến nhà nàng Đênh xin tá túc một thời gian. Cả gia đình viên quan đều mộ đạo nên ai cũng muốn nghe nhà sư thuyết pháp, nhất là nàng Đênh. Gia đình lập cho vị sư ngôi chùa Ông Tàu (do ông là người Hoa) nằm ở chân núi phía đông gần làng Phước Hội.

Một thời gian sau, vị sư về lại Bến Cát, để chùa Ông Tàu cho nàng Đênh trông nom. Đến tuổi đi lấy chồng, nàng Đênh được viên quan trấn ở Trảng Bàng ngấp nghé hỏi cưới cho con trai nhưng nàng lại nguyện xuất gia thờ Phật. Do không đồng ý việc bị cha mẹ hứa gả cho viên quan ấy nên nàng bỏ nhà ra đi tìm nơi tu đạo cho tới khi từ giã cõi trần. Hồn bà hiển thánh về báo cho cha mẹ biết là bà tu đã đắc đạo, được thượng giới phái xuống trần cứu nhân độ thế. Bà hiển linh báo cho Nguyễn Ánh khi bôn tẩu trên núi Một trốn quân Tây Sơn và những việc phải làm để giành lại ngôi vua.

Sau này lên ngai vàng, vua Gia Long Nguyễn Ánh nghĩ đến bà Đênh liền sai đúc cốt bà bằng đồng đen đem lên núi Một để thờ, phong bà làm Linh Sơn Thánh Mẫu. Nơi điện thờ bà gọi điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu hay điện Bà. Tên gọi là Bà Đênh sau được dân địa phương gọi tránh đi là Bà Đen và núi Một được gọi là núi Bà Đen.

in-th-linh-sn-thnh-mu.jpg
 Điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu.

Ngày 21/1/1989, núi Bà Đen đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử và danh thắng cấp quốc gia.

Vào dịp đầu xuân hàng năm, quần thể khu danh thắng di tích núi Bà Đen thu hút hàng triệu lượt khách trong nước và ngoài nước đến hành hương, tham quan, du ngoạn cầu mong bình an cho gia đình và dự Lễ hội xuân núi Bà.

Lễ hội chia làm 2 thời điểm: vào mùa xuân thường kéo dài suốt cả tháng Giêng âm lịch nhưng chính lễ vía Bà là đêm 18 và ngày 19 tháng Giêng và mùa hạ vào tháng 5. Lúc này, lễ hội diễn ra với nhiều quy cách tiến hành lễ cầu kỳ, cùng với đó là phần hội được nhiều du khách thập phương tham gia hưởng ứng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm