Lệnh cấm này vừa mới được ban hành vào đầu năm 2018, là một phần của chính sách đồng thuận với quyết định của Hội đồng Hiến pháp từ năm 2016 cho rằng, dạy tiếng Anh sớm có thể khiến trẻ không thông thạo tiếng Hàn. “Theo các chuyên gia giáo dục tiếng Anh và các nhà thần kinh học thì độ tuổi phù hợp để học tiếng Anh như một ngoại ngữ thứ 2 là lớp 3”, Kwon Ji-young, giám đốc bộ phận Chính sách Giáo dục và Chăm sóc Trẻ em của bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết.
Theo ông, việc cho trẻ bắt đầu học ngôn ngữ 2 từ mầm non là quá sớm, trước đó trẻ cần trau dồi kỹ năng xã hội và phát triển nhận thức.
Song song với lệnh cấm, Bộ Giáo dục Hàn Quốc ban hành cảnh báo và lời nhắc nhở các cha mẹ Hàn Quốc rằng, chỉ nên coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. “Cha mẹ cần nhận thức tiếng Anh chỉ là ngôn ngữ thứ hai. Trẻ em Hàn Quốc luôn chịu căng thẳng do áp lực học tập, áp lực đó thậm chí đã có trước khi chúng sinh ra”, Giám đốc Kwon cho biết.
Bộ Giáo dục Hàn Quốc đang cố gắng tiến hành các chương trình và các buổi thuyết trình để gia tăng nhận thức của phụ huynh về giáo dục tiếng Anh. Nhân viên Bộ Giáo dục cho biết bộ sẽ có kế hoạch sắp xếp cho học sinh từ những gia đình có thu nhập thấp. Bộ này co bao gồm đưa ra các hỗ trợ tài chính cho học sinh tham gia các chương trình tiếng Anh và hỗ trợ những trường thiếu tài nguyên để tạo ra các chương trình như vậy.
Ở Hàn Quốc, các trường mầm non có tổ chức lớp dạy tiếng Anh đều không đăng ký chính thức mà mở dưới hình thức lớp học tư nhân. Học phí cho các lớp học này tuy đắt đỏ, nhưng nhu cầu cho trẻ học tiếng Anh sớm cho bằng bạn bằng bè trong thời đại toàn cầu hóa của phụ huynh Hàn Quốc vẫn ngày một tăng. Nhiều gia đình không ngại chi hầu bao để con được tiếp cận với thứ ngoại ngữ quan trọng này khá sớm. Thu nhập hộ gia đình bình quân đầu người hàng năm của Hàn Quốc là 15.335 đô la Mỹ, trong khi đó, một số lớp tiếng Anh có mức phí lên tới 1.500 đô la Mỹ/tháng.
Hàng nghìn giáo viên mất việc từ lệnh cấm
Các chuyên gia cho biết, lệnh cấm này sẽ khiến khoảng 7.000 giáo viên mất việc làm và khiến trẻ em từ gia đình thu nhập thấp càng khó bắt kịp trong xã hội có tính cạnh tranh cao độ. Cô Kim, giáo viên dạy học ở thủ đô Seoul từ năm 2003, bác bỏ quan điểm học tiếng Anh có ảnh hưởng bất lợi khiến trẻ không thông thạo tiếng Hàn. “Nếu sau lớp 2, chúng ta so sánh sự khác biệt của những đứa trẻ được học tiếng Anh từ các lớp học tư với trẻ không được học thì sẽ thấy sự khác biệt vô cùng lớn. Trong xã hội Hàn Quốc, càng nhiều tiền thì bạn càng được học nhiều hơn”, cô Kim Hee-won, một giáo viên tiếng Anh tư cho biết.
Theo các giáo viên tiếng Anh, quan điểm học tiếng Anh sớm có ảnh hưởng bất lợi khiến trẻ không thông thạo tiếng Hàn là thiếu cơ sở khoa học. Trong khi đó, các cơ sở tiếng Anh gia tăng ngày càng lớn, tính cạnh tranh giữa các phụ huynh cũng lớn hơn. “Ở Hàn Quốc, nhiều bà mẹ thậm chí còn thích so sánh xem con nhà mình ngồi loại xe đẩy nào, sinh ra ở bệnh viện nào. Mức độ cạnh tranh rất dữ dội, họ sẽ dành rất nhiều tiền bạc để đảm bảo con mình sẽ được học tiếng Anh như con nhà người khác”, cô Kim chia sẻ.
Một bà mẹ đơn thân tên Hwang Hee-jung (con trai là Ko Jae-joon) cũng đồng tình với quan điểm này. Con trai cô được sinh ở Mỹ và đã học ở trường Hàn Quốc, nhưng đến năm ngoái cô đã chuyển con sang trường quốc tế. “Theo tôi, tiếng Anh giao tiếp rất quan trọng vì kỳ thi đại học đòi thỏi rất cao, học sinh phải đạt điểm tiếng Anh cao nếu muốn đỗ đại học”, Hwang cho hay. Chị cho biết thêm, ở trường Hàn Quốc, con trai chị chỉ được học tiếng Anh 1 giờ/tuần. Còn bây giờ các tiết học của con chị chủ yếu là tiếng Anh.