Hàng loạt tiệm cầm đồ mắc bẫy sinh viên rởm

18/03/2016 - 16:10
Công an vừa phá một đường dây làm giả thẻ sinh viên từng khiến nhiều chủ tiệm cầm đồ ăn “quả đắng”.

Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nôi) cho biết triệt phá thành công đường dây chuyên sản xuất và rao bán giấy tờ giả thông qua mạng xã hội.

Theo đó, khoảng trưa ngày 8/3, Công an phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhận được trình báo của anh Nguyễn Huy T, chủ một hiệu cầm đồ nằm trên địa bàn về việc phát hiện một nam thanh niên sử dụng thẻ sinh viên giả đến cầm cố lấy 3 triệu đồng. Công an đã đưa thanh niên trên về trụ sở để xác minh.

Danh tính của “nam sinh” này là Nguyễn Văn Cường, 20 tuổi, trú tại xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Cường vừa bỏ học, lên Hà Nội sống lang thang.

 Ảnh minh họa

Theo điều tra của cơ quan công an, khoảng cuối năm 2015, nhận thấy nhiều sinh viên dùng chứng minh thư nhân dân, thẻ sinh viên để mang đến các hiệu cầm đồ cầm cố, vay tiền, Nguyễn Văn Cường đã lên mạng mày mò tìm cách kiếm tiền. Khi tìm thấy một trang “Làm thẻ sinh viên giả”, lập tức Cường đã liên hệ theo số điện thoại được quảng cáo và đồng ý thỏa thuận mức giá 200.000đ/thẻ.

Với những thông tin cá nhân bịa đặt, Cường đặt làm 5 thẻ sinh viên giả được dán ảnh của mình, sau đó rủ bạn cùng quê là Vũ Hồng Minh và Đoàn Duy Thắng tham gia. Nhóm này dùng những thẻ sinh viên và chứng minh nhân dân giả đến các hiệu cầm đồ, cầm cố lấy tiền chia nhau tiêu xài.

Từ nhóm “nam sinh” rởm này, cơ quan điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm đã điều tra được nhóm chuyên sản xuất số thẻ sinh viên và giấy CMND giả nói trên.

Cơ quan Công an đã tạm giữ Nguyễn Tiến Việt, 23 tuổi, trú tại Mạo Khê và Nguyễn Hồng Lĩnh, 25 tuổi, trú tại Đức Chính, Đông Triều, Quảng Ninh về hành vi làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan, tổ chức.

Nguyễn Tiến Việt khai nhận, thông qua việc mở một trang “Làm thẻ sinh viên giả” trên mạng xã hội facebook, Việt và Lĩnh gom được 6 triệu đồng mua máy in và 200 phôi thẻ. Với mỗi thẻ sinh viên hoặc CMND giả làm theo đơn đặt hàng của khách, Việt thu 200 ngàn đồng, đồng thời để tránh bị công an phát hiện, Việt và Lĩnh luôn sử dụng số SIM điện thoại “rác” thực hiện giao dịch với khách.

Qua vụ việc trên, cơ quan công an cũng khuyến cáo người dân, các chủ hiệu cầm đồ, những người làm việc thông qua các giao dịch bằng giấy tờ tùy thân, cần cẩn trọng với những chiêu thức làm giả tinh vi. Trên thực tế, những loại giấy tờ này nếu để ý kĩ cũng sẽ có thể phát hiện ra thật, giả. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm