pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hạnh phúc của những phụ nữ 8/3 không hoa, không quà tặng
"Nhìn con cháu yêu thương nhau là như mình được tặng quà"
Mỗi dịp 8/3, cổng trường học gần nhà bà Hoàng Thị Thư lại rộn ràng, rực rỡ vì có nhiều cửa hàng bày bán hoa tươi, các cô giáo đẹp hơn trong những bộ áo dài. Nhìn đám học trò tay ôm những bó hoa tươi thắm để tặng cô giáo nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, lòng bà Thư cũng thấy vui vui. Bà vui vì cuộc sống giờ nhiều đổi thay, người ta có nhiều ngày kỉ niệm để tặng hoa, tặng quà cho nhau. Hồi bà còn trẻ, làm lụng chẳng đủ ăn, quanh năm chân lấm tay bùn mà giáp hạt đói vẫn hoàn đói nên chuyện lễ nọ, kỉ niệm kia không ai nghĩ tới.
Giờ đây, ở tuổi 74, đã lên chức cụ ngoại nhưng bà Thư vẫn còn làm hơn 2 sào ruộng. Bà Thư có 4 người con đều phương trưởng, kinh tế khá giả nhưng bà bảo, mình hãy còn sức, còn lao động được nên không muốn cậy nhờ các con. Bà Thư khoe, cả hơn 2 sào ruộng bà đều trồng rau xanh. Giờ làm ruộng nhàn lắm, máy khoan bơm nước đặt tận ruộng, không phải tát tưới vất vả như trước, bật máy bơm lên tưới tí là xong.
Hằng ngày bà chỉ việc lo chăm sóc rau, còn lúc thu hoạch, các con đi chợ giúp bà. Nhờ trồng rau, mỗi năm, từ hơn 2 sào ruộng, bà Thư cũng thu được dăm chục triệu đồng. "Với số tiền này, tôi tiêu pha thoải mái. Thi thoảng, các con cháu biếu thêm, mình không nhận sợ chúng giận nên tôi cầm cho chúng vui, chứ có tiêu gì đến đâu", bà nói. Việc ăn uống sinh hoạt hàng ngày, bà Thư cũng không phiền con cháu.
Bà Thư say sưa kể chuyện ngày xưa – ngày nay, từ chuyện năm tháng tuổi thơ nghèo khó, chạy đói, chạy giặc cho đến sau này lớn lên, lấy chồng, sinh con, làm vợ, làm mẹ, làm bà và giờ là làm cụ. Nghe tôi hỏi "bà từng nhận được món quà tặng nào ý nghĩa nhấ?", bà cười: "Chúng tôi người nhà quê, làm gì có thói quen tặng quà, tặng hoa như người thoát ly, ở thành phố". Lại hỏi, trong cuộc đời mình, bà thường nhận được những món quà nào từ người thân, con cháu? Bà nói, đó là đồng quà tấm bánh, là tấm khăn, bộ quần áo các con, các cháu biếu.
Tôi tò mò: "Đã bao giờ vào Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 và Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, bà nhận được hoa quà từ chồng con, các cháu tặng bà chưa?". Vẫn nụ cười rất hiền của "người đàn bà nhà quê", bà Thư lắc đầu: "Cũng thấy bọn trẻ con tặng quà cho mẹ, cho cô giáo vào ngày phụ nữ đấy. Còn tôi già rồi, quà cáp gì".
Bà trả lời, câu trả lời chân thật, vô tư nhưng sao sâu trong tim, tôi cứ thấy nhoi nhói niềm xót xa khó gọi tên. Biết bao người đàn bà lam lũ, đi qua những năm tháng khó khăn, gian truân như bà Thư, nào biết đến hai chữ "quà tặng" là gì!
Ấy chắc là tôi đa cảm, đa sầu mà chạnh lòng nghĩ vậy, chứ bà Thư chẳng hề buồn vì chuyện ấy. Trái lại, bà thấy hân hoan vì "nhìn cuộc sống ngày càng tiến bộ, văn minh, thấy con cháu khấm khá, hạnh phúc là tôi đủ vui rồi. Chỉ cần thấy chúng nó tặng hoa, tặng quà cho nhau, yêu thương nhau là mình như cũng được tặng quà".
"Quà, hoa mà chả thật lòng thì cũng bằng không"
Hơn 60 tuổi nhưng bà Hoàng Thị Miền vẫn cần mẫn đồng ruộng và làm thêm nghề buôn rau giao cho các nhà hàng, bếp ăn và bán lẻ ngoài chợ. Ba cô con gái và một người con trai của bà Miền đều đã yên bề gia thất, nhà cao cửa rộng, con cái đề huề. Thương bà một đời thanh xuân lam lũ, giờ đã có tuổi, các con nhiều lần khuyên bà bỏ bớt ruộng, không buôn bán rau để nghỉ ngơi dưỡng già. Nhưng bà đâu có chịu. Bà bảo, cả đời làm lụng quen chân quen tay, giờ mà ngồi một chỗ không chịu được, có khi lại ốm thêm.
Trước, một mình bà lăn lộn với hơn mẫu ruộng, giờ chỉ còn vài sào ruộng phần trăm, bõ bèn gì. "Mình còn sức, còn làm ra tiền thì sao phải trông vào con cháu? Các con còn phải lo cho gia đình riêng của chúng nó, mình cũng phải có trách nhiệm lo cho bản thân mình chứ. Lúc nào không làm được nữa hẵng hay", bà Miền bảo vậy. Thế nên, tuy hai ông bà sống cùng vợ chồng người con trai nhưng hằng tháng, bà Miền vẫn đưa thêm tiền ăn, đỡ đần các con chút tiền điện nước, chi tiêu vặt vãnh.
Lao động chân tay, chợ búa mỗi ngày giúp bà Miền năng động và thêm khỏe ra. Giờ làm ruộng, hệ thống thủy lợi tốt hơn ngày xưa nhiều nên bà Miền chỉ làm tranh thủ, còn việc buôn bán mới là chính.
Hằng ngày, bà dậy từ 4 rưỡi sáng, đạp xe lên chợ đầu mối cách nhà 4km để lấy hàng đi giao cho các mối quen, còn đâu thì mang ra chợ chiều bán nốt. Trước bà đi chợ một mình nhưng dăm năm trở lại, thương vợ sớm hôm, ông Hệ - chồng bà - tình nguyện buổi sáng đi lấy hàng đỡ vợ. Ông đi bằng xe máy nên chở được nhiều hàng và tiết kiệm thời gian. Có chồng đi lấy hàng cho, bà Miền không cần phải dậy sớm nhưng đã thành thói quen, ông dắt xe ra khỏi nhà, bà thức dậy.
Cũng giống bà Thư, đã ngoài 60 tuổi mà bà Miền chưa khi nào biết đến quà tặng của ngày quốc tế phụ nữ. Nói đến 8/3, bà Miền thật thà bảo: "Tuổi chúng tôi ở quê, đến bản thân mình sinh ngày nào còn chẳng nhớ, sau này đẻ con thì toàn nhớ lịch âm, đi làm Giấy khai sinh mới khai ngày dương, nào ai quan tâm gì đến ngày sinh nhật hay ngày quốc tế phụ nữ để được nhận quà. Phụ nữ nông thôn chúng tôi chỉ quen với ruộng đồng, nào biết đến quà, đến hoa".
Nói cả đời bà Miền không được tặng quà cũng không đúng bởi các con cháu vẫn thường gửi quà biếu ông bà ngày lễ tết. Thế nhưng, kiểu "danh chính ngôn thuận" tặng hoa, tặng quà cho ba Miền dịp 20/10 hay 8/3 thì không có. Song, với bà Miền, điều ấy chẳng quan trọng và cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống, niềm vui của bà. "Ôi dào, quà, hoa mà sống chả thật lòng với nhau thì cũng bằng không", bà Miền bảo vậy.
Vĩ thanh
Tôi lướt Facebook, Zalo và các nền tảng xã hội khác, mỗi dịp vào ngày lễ Tình nhân (14/2), Quốc tế Phụ nữ (8/3), Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) thường thấy tràn ngập hình ảnh phụ nữ khoe hoa, khoe quà mình nhận được. Bên cạnh những người hoan hỉ là những than van, cảm thán vì… bị chồng/bạn trai "bỏ quên". Riêng tôi thì lại nghĩ, ngoài sự ghi nhận của xã hội, sự tôn vinh của người thân thì mỗi người phụ nữ đều có cách riêng để tôn vinh chính mình.
Ngày 8/3, chúng ta có quà cũng tốt mà không quà cũng chẳng sao, hoa cũng quý mà chẳng hoa cũng vẫn vui. Chỉ mong ngày tôn vinh phụ nữ sẽ trở thành một nét văn hoá đẹp của xã hội thời hiện đại. Còn vinh hạnh nào hơn khi được dịp bày tỏ lòng biết ơn, sự tri ân, lòng ngưỡng mộ và yêu thương đối với những người mẹ, người vợ, người chị-em-bạn gái của mình. Chỉ mong những giá trị nhân văn đích thực của ngày 8/3 sẽ được đặt đúng vị trí là "Ngày yêu thương".
Vẫn biết, được nhận quà từ người mình yêu thương, mong đợi là hạnh phúc nhưng suy cho cùng, yêu thương nhau chân thành chính là món quà vô giá. Tôi thích câu "Chỉ cần thấy chúng nó tặng hoa, tặng quà cho nhau, yêu thương nhau là mình cũng như được tặng quà" của bà Thư.