Cứ độ 4 giờ chiều, người dân sống xung quanh giao lộ Lê Hồng Phong – Trần Phú (Q.5) lại thấy một người phụ nữ mù ngồi bán vé số ở góc đường. Thi thoảng có người ghé lại mua giúp chị vài tờ vé số hay mang cho chị hộp thức ăn. Ở một góc khác, chồng chị cũng đang đẩy xe chổi qua các cung đường quận 8. Ngày qua ngày, hai vợ chồng họ vẫn rong ruổi khắp các nẻo đường Sài Gòn để mưu sinh. Tuy vất vả, không ít lần bị lừa lọc nhưng họ vẫn lạc quan tin tưởng vào ngày mai. Vì giờ đây họ không chỉ có một mình mà còn một gia đình nhỏ ấm áp tình yêu thương.
Không may mắn như những đứa trẻ khác, chị Phạm Thị Tuyết Nhung (43 tuổi, ngụ Q.8) lớn lên với đôi mắt mù lòa do biến chứng từ cơn ban sởi thuở nhỏ. Gia đình nghèo lại đông anh em, ước mơ được cắp sách đến trường của chị đành gác lại, đến năm 1993, chị phải bỏ nhà vào Sài Gòn tìm kế sinh nhai.
Còn anh Hiệp (64 tuổi, chồng chị Nhung), khói lửa chiến tranh đã khiến cho đôi mắt anh ngày một mờ dần, đến năm 1990 thì không còn thấy được nữa. Mặc dù, gia đình đã cố gắng chạy chữa nhưng sự tăm tối, mù lòa đã vít chặt lấy cuộc đời anh.
Hàng ngày, chị Nhung phải vất vả đi bán vé số để phụ chồng chăm lo cho 3 đứa con ăn học |
Như một cái duyên, cái nợ, anh Hiệp và chị Nhung gặp nhau trong một xóm lao động nghèo ở Sài Gòn. Từ những buổi lao động, họ quen biết nhau, tâm sự, sẻ chia với nhau những câu chuyện về cuộc đời, gia đình, về những giấc mơ tương lai… Tình cảm giữa họ đã được vun đắp, ươm mần từ những ngày như thế. Cô gái trẻ chịu thương chịu khó đem lòng cảm mến chàng trai mù rắn rỏi, chân thành. “Thương nhau rồi, rồi ảnh mới nói để ảnh làm đơn xin ghép hộ, tôi thẹn thùng đáp “Anh làm gì thì làm”. Rồi chúng tôi thưa chuyện với gia đình. Đó là giây phút hạnh phúc nhất cuộc đời tôi”, chị Nhung kể lại.
Không nghề nghiệp, mắt không thấy đường, điều kiện kinh tế lại eo hẹp khiến chuỗi ngày mưa sinh của vợ chồng chị thêm phần vất vả. Anh rong ruổi bán sách báo cũ ở khu nhà thờ Đức Bà, Chợ Lớn... Chị bán lịch, sổ tay dạo ở chợ Bà Chiểu. Sống với nhau hơn 20 năm, bữa đói bữa no, bữa túng thiếu, lúc ốm đau nhưng chưa ngày nào anh nặng nhẹ với vợ, chị cũng chưa từng trách móc, hờn dỗi chồng.
Giờ đây, anh chị đã có với nhau hết thảy 3 mặt con, trai có, gái có, tất cả đều xinh xắn và lanh lợi. Hằng ngày chị đi bán vé số, anh đi bán chổi, tối đến lại quây quần chăm sóc cho các con. Dù có vất vả, khó khăn nhưng bằng tình yêu thương của mình, những đứa trẻ cứ thế lớn lên trong căn nhà đầy ắp tiếng cười hạnh phúc.
Vợ chồng anh chị hạnh phúc bên hai đứa con trong căn phòng nhỏ của mình |
Nhớ lại những ngày còn đang ẵm ngửa đứa con đầu lòng, chị Nhung chia sẻ: “Không nhờ cậy gia đình nội ngoại, 3 đứa con đều một tay tôi ẵm bồng, chăm sóc. Ban đầu cũng lóng ngóng không biết nuôi con như thế nào, tất cả đều phải tự mình mò mẫm, riết cũng quen, hóa ra chăm con nhỏ cũng không khó lắm”. Khi con đến tuổi biết lẫy, biết bò, anh chị còn nghĩ ra cách đeo lục lạc vào chân con, con bò đến đâu thì cứ theo tiếng leng keng mà biết đường trông chừng. “Tôi chẳng mong gì hơn thấy chúng nó lớn lên khỏe mạnh, ngoan ngoãn là tôi mừng rồi. Đứa lớn năm nay cũng đã học lớp 12, cao hơn cả bố cơ đấy” - Anh Hiệp nói không che giấu được sự tự hào đang dâng trào trong chất giọng – “3 đứa con tôi đặt tên là Tuyền, Tuyến, Thắng với mong muốn tiền tuyến nhất định thắng lợi”.
Sài Gòn 12 giờ trưa nắng gay gắt, cũng là lúc trong căn phòng trọ chật hẹp, gia đình 5 người họ quây quần bên mâm cơm. Mùi thơm tỏa ra từ gian bếp nhỏ khiến cho ai nấy đều phải ngạc nhiên khi biết người phụ nữ khéo léo kia là một người khiếm thị. Đưa tay lần mò trên mấy cái nắp hũ gia vị, chị Nhung nêm thêm muối mắm cho vừa bữa trưa. Cô con gái lớn lạch cạch sắp chén đũa. Dưới mái hiên, anh Hiệp, chồng chị, nhấp nốt ngụm nước trà, lắng tai nghe hai đứa nhỏ vừa lên 4, lên 5 túm tụm chơi đùa, thi thoảng lại phá lên cười. Dù cuộc sống hiện tại của họ gặp muôn vàn khó khăn, phải chật vật cho cơm ngày ba bữa. Nhưng có lẽ đối với chị Nhung-anh Hiệp, niềm hạnh phúc lớn nhất đời mình là được nghe thấy âm thanh của những đứa cọn lớn dần bằng chính đôi tai của mình.