Hành trình không mệt mỏi của “Người đàn bà xanh”

14/05/2016 - 00:00
“Khi chúng ta trồng cây, chúng ta gieo hạt giống hòa bình và hi vọng”. Đó là tuyên ngôn của nhà hoạt động môi trường Wangari Maathai, người phụ nữ châu Phi đầu tiên được nhận giải Nobel Hòa bình vào năm 2004.

Bà Wangari Maathai sinh ngày 1/4/1940 ở làng Ihithe, quận Nyeri, Kenya, khi đó vẫn là thuộc địa của Anh. Từ lúc mới rất ít bé gái được đi học, bà đã tốt nghiệp trường Nữ trung học Loreto năm 1959 và tiếp tục lên đại học hoàn tất bằng cử nhân khoa sinh học tại trường Đại Học St. Scholastica (hiện nay là Benedictine College) ở Atchison, bang Kansas (Mỹ) vào năm 1964. Bà học thạc sĩ ở đại học Pittsburgh, sau đó bà tới Đại học Giessen của Đức vào năm 1967 để học lên Tiến sĩ và bốn năm sau thì trở thành người phụ nữ Đông Phi đầu tiên có được học vị danh giá này.

1.jpg
 Bà Wangari Maathai.

Về Kenya trong những năm 1970, bà tham gia giảng dạy ở Đại học Nairobi và bắt đầu hoạt động chính trị. Thông qua việc hợp tác với hàng loạt tổ chức phi lợi nhuận, bà nhận thấy gốc rễ của rất nhiều vấn đề tại Kenya bắt nguồn từ sự suy thoái môi trường.

Maathai tin rằng một môi trường tốt sẽ giúp cải thiện đời sống của người dân bằng việc mang tới nguồn nước sạch, củi để nhóm lửa, thực phẩm phục vụ cho sinh hoạt và giảm nguy cơ xung đột. Năm 1977, dưới sự bảo trợ của Hội phụ nữ Kenya, bà thành lập tổ chức “Vành đai xanh” với mục đích ban đầu là khuyến khích việc trồng thật nhiều cây xanh và bảo vệ môi trường.

Hưởng ứng phong trào này, phụ nữ nông thôn trên khắp đất nước tích cực tham gia trồng cây xanh, chống chặt phá rừng, ngăn chặn tình trạng xói mòn đất. Từ khi phong trào này được triển khai, đã có hơn 30 triệu cây xanh được trồng mới trên khắp đất nước Kenya. Ở đất nước Kenya, Wangari Maathai được gọi bằng cái tên trìu mến "Người đàn bà xanh".

Maathai chủ trương kết hợp hoạt động bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế, cải thiện đời sống phụ nữ trong những vùng thuộc vành đai xanh. Hơn 300 nghìn phụ nữ nông thôn Kenya tham gia phong trào này không chỉ được dự các lớp tập huấn về bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên môi trường mà còn được tập huấn kiến thức nuôi ong, kiến thức chế biến thức ăn tiết kiệm nhiên liệu, mô hình phát triển kinh tế du lịch. Những kiến thức thực tế đó đã tạo điều kiện cho phụ nữ nông thôn Kenya cải thiện đời sống của họ theo cách bền vững và hợp lí.

Năm 1989, Maathai lãnh đạo những người tham gia phong trào kiên quyết phản đối việc chính quyền tổng thống Daniel Arap Moi cho xây dựng cao ốc thương mại 60 tầng giữa công viên Uhuru. Kết quả là chính phủ buộc phải huỷ bỏ dự án này. Năm 1991, Maathai cùng các nhà hoạt động môi trường lại cứu được khu cây xanh Jeevanjee Gardens khỏi nguy cơ bị phá bỏ để xây dựng một bãi đỗ xe. Năm 1998, tổ chức của bà đã đấu tranh chống lại việc phân chia bất hợp pháp 2.000 hecta đất rừng Karura thuộc khu vực dẫn nước sinh hoạt cho ngoại ô Nairobi.

3.jpg
Bà Wangari Maathai nhận giải Nobel Hòa bình năm 2004. 

Hoạt động vì môi trường của Wangari Maathai dường như không thể tách rời cuộc đấu tranh vì dân chủ. Dưới thời của tổng thống độc tài Daniel Arap Moi, những hoạt động này bị xem là nhạy cảm và bà bị coi như cái gai trong mắt nhà cầm quyền. Những nỗ lực ngăn chặn các chính trị gia quyền lực dưới thời ông Daniel Arap Moi chiếm đất, đặc biệt là những khu rừng được bảo vệ khiến bà trở thành mục tiêu bị chính quyền công kích. Không ít lần Wangari Maathai phải trả giá cho lí tưởng của bà. Quá trình đấu tranh đã khiến bà nhiều lần bị bắt và đánh đập dã an.

Trong lần bà bị bắt giam vào năm 1991, nhờ chiến dịch viết thư vận động của Tổ chức ân xá quốc tế bà mới được thả tự do. Một năm sau bà bị cảnh sát đánh vì đấu tranh đòi thả những nhà hoạt động môi trường đang bị giam giữ.

Thời kỳ căng thẳng đỉnh điểm diễn ra vào năm 1992, khi xuất hiện tin Maathai nằm trong danh sách các nhân vật cần bị ám sát. Tháng 1/1992, Maathai bị bắt và bị buộc tội tung tin đồn gây hại cho nhà nước. Tuy vậy, trước sức ép của dư luận thế giới, chính quyền Kenya phải xóa trắng các cáo buộc nhằm vào bà.

Ngay khi được ra thả, cuối tháng 2/1992, Maathai và những người ủng hộ đã tiến hành tuyệt thực để phản đối chính quyền ở công viên Uruhu, Nairobi. Tổng thống Daniel Arap Moi phản ứng bằng cách điều cảnh sát tới dẹp cuộc biểu tình. Maathai và 3 người khác bị cảnh sát đánh ngất xỉu phải nhập viện. Daniel Arap Moi khi xuất hiện trên báo chí đã gọi Maathai là “một người đàn bà điên”, một mối đe dọa an ninh với đất nước. Tuy nhiên sự kiện đã vấp phải sự chỉ trích nặng nề từ cộng đồng quốc tế.

Năm 1998, khi biết chính phủ định biến một khu vực lớn đất đai ở rừng Karura thành đất tư và tặng chúng cho nhiều nhà chính trị, bà Maathai cùng những người ủng hộ đã tiến hành biểu tình lớn.

Tháng 1/1999, một nhóm biểu tình gồm Maathai, sáu chính trị gia đối lập, phóng viên, quan sát viên quốc tế và thành viên “Vành đai xanh” đã tới cánh rừng Karuna để trồng cây xanh nhằm phản đối quyết định của chính phủ. Bà đã bị một nhóm gồm 200 tay anh chị trang bị mã tấu, gậy gộc tấn công và bị đánh trọng thương ở đầu. Khi tin tức lan ra, nó đã dẫn tới một cuộc biểu tình lớn của sinh viên ở Nairobi, buộc tổng thống phải nhượng bộ bằng việc tuyên bố cấm mọi hoạt động tư hữu đất công.

Sự kiện này mở đầu cho sự đi xuống của Daniel Arap Moi và ông này phải từ chức vào năm 2002. Phải đến khi tổng thống Daniel Arap Moi chấm dứt 24 năm cầm quyền, những gì Wangari Maathai đã làm mới được chính phủ Kenya nhìn nhận một cách tích cực.

Nỗ lực đấu tranh nhằm bảo vệ môi trường và quyền phụ nữ của Maathai đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Năm 1991, bà được trao Giải môi trường Goldman ở San Franciso, Mỹ, giải Dự án chống đói của châu Phi. Đặc biệt bà đã là người phụ nữ châu Phi đầu tiên được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 2004. Bà qua đời năm 2011 vì bệnh ung thư.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm