Theo chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khởi nghiệp ở Australia Annie Parker, thành công của thương hiệu giải trí Harry Potter trước hết phải kể đến sự tính toán thời điểm thích hợp để cho ra đời các tập sách và các bộ phim: Harry Potter ra đời vào thời kỳ kỹ thuật công nghệ bắt đầu trở nên phổ biến ở khắp mọi nơi và mọi người có nhiều cách khác nhau để tiếp cận câu chuyện, thời mà các đồ chơi thực sự mang tính sáng tạo và Internet giúp tạo các trang mạng dành cho người hâm mộ với khả năng lan truyền thông tin và tương tác cực lớn.
Chuyên gia này cũng chỉ rõ, JK. Rowling đã thành công với những dự án phát sinh từ câu chuyện Harry Potter như trang web Pottermore, một trang web tạo ra sự tương tác giữa người đọc và tác phẩm của bà theo phong cách mới mẻ. Và yếu tố quan trọng nhất là, trong suốt 20 năm qua, mẹ đẻ của câu chuyện Harry Potter vẫn nắm giữ các quyền liên quan đến “đứa con cưng” của bà cũng như thế giới về cậu bé phù thủy mà bà đã tạo ra.
J.K.Rowling nảy ra ý tưởng viết bộ truyện về cậu bé phù thủy Harry Potter vào năm 1990 trong khi bà ngồi đợi chuyến tàu từ Manchester đi London (Anh). Sau khi hoàn thành tập đầu tiên của bộ truyện, bà gửi bản thảo tới 12 nhà xuất bản nhưng đều bị từ chối.
Trong 2 thập kỷ qua, hàng triệu trẻ em đã lớn lên cùng câu chuyện về Harry Potter, chịu sự ảnh hưởng nhất định từ bộ truyện này trong quá trình hình thành tính cách, văn hóa và thái độ sống. Một cuộc nghiên cứu được tiến hành với hơn 1.000 sinh viên Mỹ cho thấy, những người đọc bộ truyện này có những khác biệt đáng kể đối với những người không đọc nó. Các độc giả của bộ truyện Harry Potter được đánh giá là bao dung hơn, có tinh thần phản đối bạo lực mạnh mẽ hơn, ít độc đoán hơn.
Tiểu thuyết gia người Anh Michael Rosen cho rằng, bộ truyện không thích hợp với những trẻ em chưa đủ khả năng nắm bắt những đề tài phức tạp. Một số nhà phê bình cho rằng văn phong của Rowling đơn điệu và rằng bộ truyện của bà dễ đọc, dễ bán nhưng ít chất văn chương và thiếu chất thơ.