Hầu đồng - nghi lễ không thể thiếu trong tín ngưỡng thờ Mẫu

17/02/2017 - 11:29
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, hầu đồng là nghi lễ chính, quan trọng và không thể thiếu. Đây là một nghi thức giao tiếp với thần linh nhằm gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng của con người.

Các thần linh của đạo Mẫu được thờ phụng ở các đền, phủ, điện, có mặt ở hầu khắp mọi nơi từ Bắc tới Nam, nơi có cộng đồng người Việt cư trú. Mỗi một vị Thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ thường có một đền, phủ thờ phụng chính, ngoài ra còn có nhiều nơi thờ vọng. Như Mẫu Liễu Hạnh được thờ chính ở Phủ Dầy (Nam Định), Mẫu Thượng Ngàn thờ chính ở Đền Bắc Lệ (Lạng Sơn), ngoài ra còn có rất nhiều nơi thờ vọng,... Nghi thức thờ cúng các vị Thánh Mẫu ở những nơi này được gọi là hầu và thay vì việc đọc văn thì người hầu Thánh sẽ hát văn, thay vì việc cúng bái, người hầu Thánh lại biểu thị bằng các động tác múa được cách điệu từ đời sống lao động thường ngày. Như vậy, nội dung của nghi thức hầu Thánh chính là hát và múa. Đó là những làn hát, những điệu múa dân gian đã được thời gian thử thách, chọn lọc và tồn tại bền vững hàng nghìn năm trong lịch sử dân tộc.

Tại các đền, phủ, điện thờ Thánh Mẫu, các con nhang, đệ tử thường gửi bát nhang bản mệnh của mình để nhận sự che chở của các thần linh, cũng là nơi diễn ra các nghi thức hầu đồng (lên đồng, hầu bóng) mà ở đó các thần linh Tam, Tứ phủ thăng, giáng. Đây là nghi lễ hết sức đặc biệt trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ mang đậm màu sắc văn hóa tâm linh huyền bí. Trong nghi lễ này, những người lên đồng hóa thân, tái hiện hình ảnh các vị Thánh Mẫu nhằm phán truyền, ban phúc lộc… cho các tín đồ đạo Mẫu.

1.jpg
 Cô đồng hóa thân vào một vị Thánh Mẫu.

Theo các nhà nghiên cứu, hầu đồng thực chất là một hình thức diễn xướng dân gian dựa trên việc kết hợp hát chầu văn, một loại hình âm nhạc mang tính tâm linh với lời ca trau chuốt, giai điệu dặt dìu cuốn hút cùng với những điệu múa uyển chuyển và các nghi lễ trang nghiêm... từ đó đưa con người (thanh đồng) vào trạng thái thăng hoa. Thông qua nghi lễ này, con người hi vọng sẽ giao tiếp được với các đấng thần linh nhằm gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng của mình.

Những người đứng giá hầu đồng gọi chung là thanh đồng - người trực tiếp thực hành nghi lễ hầu đồng. Nhiều người tin rằng, thanh đồng là người có khả năng đặc biệt, đóng vai trò trung gian trong mối liên kết giữa con người với các thần linh. Thanh đồng là nhân vật trung tâm của nghi lễ hầu đồng nên bao giờ cũng là người đẹp nhất, nổi bật nhất. Họ luôn được chăm chút, trang điểm xiêm áo lộng lẫy. Đặc biệt, khuôn mặt của thanh đồng luôn được trang điểm mang nét đẹp của một người phụ nữ. Điều đó thể hiện rất rõ đặc trưng tôn sùng nữ thần trong Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.

ma-ng.jpg
 Múa đồng.

Phụ giúp thanh đồng trong các buổi hầu đồng còn có 2 hoặc 4 người hầu dâng (tục gọi là tứ trụ), có nhiệm vụ giúp thanh đồng việc dâng hương, dâng lễ vật, thay trang phục khi chuyển từ giá hầu này sang giá hầu khác…

Trong nghi lễ hầu đồng có tất cả 36 vỡ diễn xướng, tục gọi là 36 giá đồng, mỗi giá nói về huyền tích của một vị Thánh, làm nghi lễ nhảy, múa, ban lộc, phán truyền trong tiếng hát văn và nhạc cung văn. Tuy nhiên, trong một buổi hầu đồng các thanh đồng không bao giờ trình diễn đủ 36 giá, mà thường chỉ chọn một số giá có nội dung phù hợp với buổi hầu đồng đó mà thôi.

Khi diễn xướng hầu đồng, tuỳ theo ý nghĩa của từng giá đồng mà các thanh đồng thực hiện những điệu múa khác nhau như: múa tay không, múa tung nước thánh, múa ban lộc, múa dâng đèn, múa quạt, múa kiếm, múa kích, múa cung... Trang phục của thanh đồng cũng rất phong phú, đa dạng tùy theo nội dung của từng giá đồng, thường thể hiện rất rõ đặc tính cũng như nguồn gốc xuất thân của từng vị Thánh trong mỗi giá đồng.

thanh-ng-ban-lc.jpg
 Thanh đồng ban lộc.

Trong hầu đồng, cung văn là người xướng nhạc và hát chầu văn. Đây là những người có tài nghệ dùng lời ca, điệu nhạc quyến rũ, dìu dắt đưa thanh đồng nhập vào thế giới mê ảo của thần linh bằng những cảm xúc thăng hoa nhất, đó chính là trạng thái lên đồng.

Có thể nói, nghi lễ hầu đồng là một kho tàng nghệ thuật diễn xướng dân gian rất đặc biệt với nhiều câu chuyện truyền thuyết, thần tích hấp dẫn về các thần linh. Nó không chỉ tạo nên một không gian tâm linh huyền bí mà còn thể hiện được nét uy nghi, sang trọng, cũng như niềm hân hoan và vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng của người Việt trong một thế giới văn hóa đa sắc màu, đa dân tộc.

ht-vn-trong-hu-ng.jpg
 Hát văn trong hầu đồng.

Nhận xét về hầu đồng, nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều cho rằng, hầu đồng là một di sản về văn học, âm nhạc, rồi vũ đạo, mỹ thuật, kiến trúc, lễ hội dân gian và nghệ thuật trình diễn...

Về văn học, có cả một kho tàng văn học được lưu giữ trong hầu đồng.  Về âm nhạc, hầu đồng đã sinh ra một loại hình nghệ thuật rất đặc biệt, đó là hát chầu văn. Về vũ đạo, trong hầu đồng có hàng chục điệu múa như múa kiếm, long đao, đi chợ, múa quạt, chèo thuyền, thêu hoa, dệt gấm... Chính vì thế mà trong một cuộc hội thảo quốc tế về hầu đồng, Tiến sĩ Frank Broschan từng nhận định rằng đây là một ‘kho tàng sống của di sản văn hóa Việt’.

v-din-t-ph-ti-hin-nghi-l-hu-ng-nguyn-bn.jpg
 Vở diễn 'Tứ Phủ' tái hiện nghi lễ hầu đồng nguyên bản.

Nghi thức thờ Mẫu là nghi thức thờ cúng rất độc đáo, đặc sắc của văn hóa Việt và cũng chỉ người Việt mới có. Với những giá trị đặc biệt trên, ngày 1/12/2016, Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm