Thi vào lớp 10 ở Hà Nội: Có nhất thiết phải thêm 1 môn thi?

N.Minh
05/03/2022 - 13:06
Thi vào lớp 10 ở Hà Nội: Có nhất thiết phải thêm 1 môn thi?

Ảnh minh họa

Những ngày này, phụ huynh, học sinh Hà Nội đang mong ngóng Sở GD-ĐT công bố môn thi thứ 4. Tuy nhiên, điều mà họ mong chờ hơn là Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ bỏ môn thi thứ 4. Trong năm học mà dịch bệnh căng thẳng thế này, liệu việc duy trì môn thi thứ 4 có còn hợp lý theo đúng mục tiêu là tránh cho học sinh học lệch, học tủ?

Chị Nguyễn Thị Thanh Hải, tác giả sách "Tư vấn kì thi vào 10" và "Cùng con bước qua các kì thi", cho biết, về lý thuyết thì đúng là môn thi thứ 4 để tránh cho học sinh học lệch, học tủ. Tuy nhiên, với mục tiêu thi thêm môn thứ 4 để học sinh học đều thì Hà Nội nên xem lại trong những năm qua.  2 năm thi thêm môn Lịch sử, học sinh Hà Nội có thực sự "học đều" hơn không hay là đa số học kiểu đối phó?

"Chủ trương đưa ra rất tốt nhưng khi triển khai, nhất là trong đợt dịch Covid-19 kéo dài 2 năm qua, có gây thêm áp lực cho học sinh và phụ huynh không? Chúng ta không nên cứng nhắc mà nên xét hiệu quả thực tế để xem nên tiếp tục chọn các môn thi như thế nào để đảm bảo học sinh có mặt bằng kiến thức tốt mà vẫn không tạo áp lực cho học sinh. Cá nhân tôi cho rằng, việc tuyển sinh vào 10 bằng 3 môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ như TP. HCM, Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành phố đã đánh giá được năng lực của học sinh. Lý do vì đây là 3 môn học đặc trưng của hệ thống giáo dục phổ thông, giúp học sinh có tư duy tổng hợp, trong đó môn Toán đại diện cho khối Tự nhiên, Ngữ văn cho khối xã hội, còn Ngoại ngữ là môn đại diện cho ngôn ngữ.

Hãy bắt đầu “Dạy thật, học thật, kiến thức thật” chứ không nhất thiết phải thêm 1 môn thi - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hải, đồng tác giả cuốn sách "Tư vấn kỳ thi vào 10"

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch, càng cần tính toán phù hợp để tránh tâm lý hoang mang, lo lắng cho học sinh và phụ huynh. Nếu cần học sinh có kiến thức đều, hãy bắt đầu từ việc "dạy thật, học thật, kiến thức thật" tất cả các môn học trong những năm học THCS chứ không nhất thiết phải thêm 1 môn thi và thông báo muộn, sát kỳ thi khiến học sinh học kiểu đối phó như thời gian qua", chị Nguyễn Thị Thanh Hải cho biết.

Nhiều e ngại khi Hà Nội công bố sớm môn thi thứ 4 hoặc bỏ môn thi thứ 4 vì cho rằng như vậy học sinh sẽ bỏ học các môn không thi, dẫn đến không đảm bảo chất lượng dạy và học, ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào trường THPT. 

Chia sẻ về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Thanh Hải cho rằng, chất lượng học sinh phụ thuộc cả quá trình dạy 4 năm THCS, thậm chí cộng dồn kiến thức tích lũy cả 9 năm từ lớp 1-9. "Nếu chúng ta chú trọng dạy thật, dạy chuẩn kiến thức sách giáo khoa các môn học, không xem nhẹ môn gì thì học sinh sẽ có mặt bằng kiến thức tốt về các lĩnh vực: Tự nhiên, khoa học, xã hội, ngôn ngữ. Việc thi 3 môn Toán, Văn, Anh trong một kỳ thi quan trọng là đủ đánh giá trình độ học sinh. Và điều quan trọng, chất lượng "đầu vào" học sinh là cả quá trình dạy tích lũy kiến thức chứ không chỉ gói gọn trong 1 kỳ thi. Nên kì thi vào 10 học sinh thể hiện tốt 3 môn trên cũng đủ thấy được mặt bằng kiến thức chung về tự nhiên, xã hội, ngôn ngữ rồi. Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, học online ảnh hưởng chất lượng dạy và học như hiện nay càng cần linh hoạt trong quyết định môn thi cho học sinh".

Chia sẻ thêm về những áp lực, căng thẳng mà học sinh năm nay phải trải qua khi học online, tác giả cuốn sách Tư vấn kỳ thi vào 10 cho biết: Thực tế, nhiều phụ huynh có con học lớp 9, là độc giả sách của tôi, cho biết con của họ bị áp lực, stress do học online và lo lắng với kỳ thi vào 10. Có con bị trầm cảm, rối loạn tâm sinh lý tuổi teen. Chính vì vậy, Sở GD-ĐT Hà Nội càng cần giảm áp lực học tập, thi cử và hỗ trợ tâm lý cho các con.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm